Tham dự Hội nghị có ông Trần Đức Long – Ủy viên Đảng đoàn, Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch chuyên trách hội Luật gia Việt Nam; ông Lương Mai Sao - Trưởng ban tổ chức hội Luật gia Việt Nam cùng lãnh đạo 14 tỉnh/thành Hội trong Cụm thi đua hội Luật gia các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ và miền Trung (Cụm số 2).
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe ông Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch hội Luật gia TP.Hà Nội (Cụm trưởng) trình bày báo cáo "Tổng kết thi đua, khen thưởng năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2021".
Theo đó, trong năm 2020 các tỉnh/thành Hội trong Cụm đã được quán triệt triển khai Điều lệ hội ngay khi được Thủ tướng chính phủ phê duyệt (5/6/2020), đồng thời tham gia góp ý vào dự thảo hướng dẫn của Ban chấp hành Trung ương Hội về hướng dẫn thi hành Điều lệ Hội.
Các tỉnh, thành Hội cũng đã chủ động gắn công tác thi đua với công tác hoạt động của hội Luật gia Việt Nam. Trong năm 2020, dưới thách thức chung bởi dịch covid-19, trong đó có cả những tỉnh/thành Hội trực tiếp phải ứng phó chống dịch, nhưng công tác hoạt động của Hội vẫn đạt được những kết quả đề ra.
Vượt qua những thách thức, các tỉnh/thành Hội luôn nghiêm chỉnh chấp hành các chỉ thị, chủ trương của Đảng, Nhà nước, sẵn sàng phối hợp với các cơ quan nhà nước tham gia chống dịch, tích cực hưởng ứng đóng góp ủng hộ đồng bào gặp thiên tai.
Cụ thể, ngay từ đầu năm có 14/14 đơn vị đăng ký thi đua đúng thời hạn, trong đó có 4 đơn vị đăng ký cờ thi đua. Trong năm qua, Cụm đã tham gia đóng góp ý kiến vào 22 dự thảo luật. Nhiều địa phương hoạt động hiệu quả như: Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nội…
Bên cạnh đó công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được xác định là nhiệm vụ trong tâm trong công tác Hội. Do đó, nhiều mô hình mới, cách làm hay đã mỗi tỉnh hội áp dụng.
Trong đó nổi bật như: Hội Luật gia Hà Nội tổ chức 50 hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật, in ấn và phát cho người dân 130 nghìn tờ gấp, hơn 1.000 cuốn Bản tin luật gia Thủ đô; hội Luật gia Vĩnh Phúc, Bắc Giang đã phối hợp với đài Phát thanh - Truyền hình thực hiện giới thiệu hàng chục chuyên mục văn bản pháp luật mới; hội Luật gia Thái Bình đã chủ động triển khai chương trình đưa pháp luật đến trường học với các nội dung thiết thực, được xây dựng hấp dẫn...
Cũng riêng trong năm 2020, toàn Cụm đã tiến hành tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gần 100 nghìn lượt người, hơn 4.000 vụ hoà giải cơ sở được thực hiện, góp phần đáng kể giảm thiểu khiếu nại tố cáo.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Tuyến cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế như: Phong trào thi đua các cấp Hội không đều, việc nhân rộng các gương điển hình tiên tiến chưa được nhiều; việc tổ chức tráo đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị trong Cụm còn hạn chế…
Về phương hướng nhiệm vụ trong năm 2021, Cụm tiếp tục triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp; kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2020-2025); triển khai kế hoạch thi đua chào mừng kỷ niệm 66 năm ngày thành lập hội Luật gia Việt Nam…
Các tỉnh/thành Hội quán triệt tuyên truyền sâu rộng các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, hội Luật gia Việt Nam, đặc biệt là phổ biến Điều lệ Hội đến mỗi hội viên.
Các tỉnh Hội cần chú ý đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền gắn với việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Ngoài ra, cần tập trung đẩy mạnh, phổ biến các văn bản pháp luật thiết thực đến người dân như: Luật An ninh mạng, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự…, đặc biệt, là các văn bản xử phạt liên quan đến dịch covid-19 đến quần chúng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Trần Đức Long - Phó Chủ tịch chuyên trách hội Luật gia Việt Nam bày tỏ đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm 2020 của Cụm. "Nếu không ảnh hưởng bởi dịch covid-19, tôi tin rằng các tỉnh/thành Hội sẽ đạt được những kết quả lớn hơn. Bởi việc thực hiện giãn cách xã hội mà nhiều công tác của Hội như truyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bị hạn chế rất nhiều", vị Phó chủ tịch hội Luật gia Việt Nam đánh giá.
Ông Trần Đức Long cũng đồng ý với những phương hướng, kế hoạch trọng tâm đã được nêu trong báo cáo. Bên cạnh đó, những thắc mắc của lãnh đạo các tỉnh Hội cũng được giải đáp. "Những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu sẽ được tôi tiếp thu đầy đủ và báo cáo về Trung ương Hội", vị Phó Chủ tịch Hội phát biểu.
Về công tác chỉ đạo, ông Trần Đức Long yêu cầu các tỉnh/thành Hội chú trọng, quán triệt thực hiện Điều lệ Hội; quán triệt thực hiện các văn bản về công tác thi đua khen thưởng, văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh hoạt động trên trên tất cả các lĩnh vực công tác nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc hội Luật gia Việt Nam lần XIII.
Bên cạnh đó, cần chú trọng phổ biến, phát động phong trào thi đua yêu nước hội Luật gia Việt Nam giai đoạn 2020-2025. Lưu ý, cần phát động phong trào đi sâu đến các cấp hội viên với nội dung và hình thức phong phú.
Các tỉnh Hội cần bám sát thực hiện các văn bản liên quan đến công tác Hội như: Quy chế làm việc của Ban chấp hành; Ban Thường vụ, ban Thường trực Trung ương; Quy chế tổ chức và hoạt động của ban Kiểm tra Hội; Quy chế thi đua khen thưởng của Hội…
Cùng với đó, cần gắn công tác Hội với việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương; lãnh đạo các tỉnh Hội đẩy mạnh củng cố tổ chức, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác Hội; tăng cường phối hợp với MTTQ và các cấp đoàn thể của tỉnh triển khai ngày càng hiệu quả công tác Hội.
Cuối cùng, đề nghị các cấp hội phát huy vai trò của hội Luật gia, tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền, phổ biến luật Bầu cử, góp phần vào thành công của kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp năm 2021.