Nhiệm vụ chính trị phải đặt lên hàng đầu
Ngày 10/7, tại Trường Đại Học Ngoại Thương (Hà Nội) Cụm thi đua số 6, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác hội và phong trào thi đua 6 tháng đầu năm 2024.
Ông Hà Công Anh Bảo – Cụm trưởng Cụm thi đua số 6, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Trường Đại học Ngoại thương đã có báo cáo về công tác hoạt động 6 tháng đầu năm và nêu ra phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Cụm thi đua.
Theo đó, Cụm thi đua số 6 (trực thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam) với 43 Chi hội luật gia là đại diện của nhiều cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp, giáo dục, đào tạo, doanh nghiệp…
Do đó, các hoạt động của Hội được triển khai phủ rộng ở nhiều mảng, nhiều lĩnh vực khác nhau, rất thiết thực, hiệu quả, với quy mô, số lượng lớn, đóng góp một phần hiệu quả trong công tác của Hội Luật gia Việt Nam.
Trong 6 tháng qua, Cụm thi đua đã tham gia tích cực vào các dự thảo Luật, Nghị định, các văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình cơ quan có thẩm quyền. Tiêu biểu là các chi hội đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước như: Chi hội Luật gia VKSND Tối cao, Bộ Xây dựng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng cục Hải quan, Ngân hàng Agribank; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh…
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được Cụm thi đua chú trọng. Cụm 6 đã tích cực tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong đó, đã tổ chức triển khai 2 hoạt động có ý nghĩa lan tỏa.
Thứ nhất, Chi hội Luật gia Viện Nghiên cứu và Đào tạo Kinh tế Tài chính đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “ Những vấn đề pháp lý liên quan đến cổ vật ”. Tọa đàm đã phân tích một số vấn đề pháp lý liên quan đến cổ vật, phân tích những bất cập của các quy định pháp luật về cổ vật ở nước ta, qua đó, trao đổi, đề xuất ý kiến hoàn thiện pháp luật có liên quan cổ vật ở Việt Nam.
Cụm 6 phối hợp với Trường Đại học Ngoại thương tổ chức cuộc thi Đại sứ tuyên truyền pháp luật với chủ đề “Sứ mệnh công lý - Nắm bắt câu chuyện về bảo vệ dữ liệu cá nhân” .
Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại, hòa giải ở cơ sở của các chi hội được triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng như tư vấn trực tiếp, tư vấn qua website, tư vấn qua truyền hình, trả lời đơn thư,…
Nội dung tư vấn trải rộng ở nhiều lĩnh vực, phù hợp với chuyên môn của từng chi hội. Đối tượng tư vấn bao gồm cả cá nhân người lao động, người sử dụng đất, người yếu thế, đối tượng chính sách, phụ nữ, cán bộ, viên chức, các doanh nghiệp...
Công tác trả lời đơn thư, khiếu nại được nhiều chi hội đại diện cho các cơ quản quản lý trả lời, giải quyết thấu đáo. Nhiều vụ việc rất khó khăn, phức tạp cũng đã được các hội viên chi hội hỗ trợ nhiệt tình tư vấn, trợ giúp pháp lý.
Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đồng thời đưa ra giải pháp, phương hướng nhiệm vụ để phát triển công tác của Cụm thi đua. Sau khi lắng nghe báo cáo, các Chi hội luật gia thuộc Cụm số 6 cũng nêu những ý kiến đóng góp để hoàn thiện công tác Hội.
Trong đó, các đại biểu đều khẳng định, Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Do đó, hội viên phải xác định nhiệm vụ chính trị phải đặt lên hàng đầu. Mỗi người cần phát huy hơn nữa vai trò, sứ mệnh không chỉ với công tác Hội mà còn với Nhân dân, đất nước.
Hướng về cơ sở, nâng tầm hơn nữa vị thế của Hội
Phát biểu tại Hội nghị, TS.Trần Công Phàn – Phó Bí thư Đảng Đoàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam đánh giá cao những kết quả đạt được của Cụm thi đua trong 6 tháng qua, đồng thời đề nghị Cụm tiếp thu những ý kiến đánh giá, góp ý của các địa biểu để nâng cao công tác Hội.
Phát biểu chỉ đạo sau đó, TS.Trần Công Phàn đề nghị Cụm thi đua số 6 cần phát triển mối quan hệ chặt chẽ các cơ quan bộ ngành, địa phương.
“Chúng ta đã có lợi thế rất lớn khi đều là các cơ quan bộ, ngành. Mỗi đơn vị có chức năng, chuyên môn khác nhau nhưng đều có nhiệm vụ chung là tham mưu chính sách. Việc phát triển được những mối quan hệ mới giúp công tác Hội thực sự đi lên”, TS.Trần Công Phàn nhấn mạnh.
Vấn đề thứ hai, các Chi hội trưởng cần tập trung báo cáo với các cấp của mỗi bộ, ngành cùng phối hợp với Trung ương Hội Luật gia Việt Nam chỉ đạo thực hiện đại hội các cấp đúng thời gian. Bởi, thời gian diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc của Hội Luật gia Việt Nam vào tháng 12/2024 không còn nhiều.
Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đề nghị, Cụm 6 cần bám sát nhiệm vụ trên vì trước đó Trung ương Hội đã tiến hành đại hội mà nhiều cấp Hội, Chi hội chưa tiến hành xong đại hội.
“Vướng ở đâu các đồng chí hãy báo cáo lại với Trung ương Hội, hiện các hướng dẫn đều có đủ”, TS.Trần Công Phàn lưu ý.
Ông Phàn cho biết thêm, hiện nay vị thế của Hội luật gia đã được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, Chỉ thị 14-CT/TW, ngày 1/7/2022 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới đã thể hiện rõ vị thế của Hội cũng như trách nhiệm của mỗi Hội viên.
“Trên cơ sở của Chỉ thị 14, vừa qua Trung ương Hội đã bố trí 14 đoàn công tác xuống các tỉnh. Sau thời gian làm việc, lãnh đạo các địa phương đã thấy rõ, hiểu rõ về vai trò quan trọng của Hội luật gia”, Phó Chủ tịch Hội thông tin thêm.
TS.Trần Công Phàn đặc biệt nhấn mạnh việc hướng về cơ sở là rất quan trọng với công tác Hội hiện nay. Ông cho biết, nhiều địa phương như Lai Châu, Thừa Thiên - Huế đã phát triển được chi hội cấp xã với đông đảo thành viên.
Hiện nay, các xã đều có công an chính quy, nhiều vụ việc nếu lấy danh nghĩa công an để khuyên giải chưa chắc đã hiệu quả. Nhưng với tư cách hội luật gia để tư vấn, khuyên giải sẽ vô cùng hiệu quả vì người dân sẽ cảm thấy sự khách quan, tin cậy. Từ đó sẽ nâng tầm hơn nữa vị thế của Hội.
Do đó, ông Phàn đề nghị các Hội và Chi hội cần tận dụng tốt lợi thế đó. Đặc biệt, hiện nay Hội Luật gia Việt Nam đã trực tiếp tham gia tiếp công dân, thay vì trước đó chỉ giao cho luật sư tiếp.
Sau khi lắng nghe ý kiến chỉ đạo, Cụm thi đua số 6 đã biểu quyết bầu Cụm trưởng và 8 Cụm phó. Trong đó, ông Hà Công Anh Bảo - Chi hội trưởng Chi hội luật gia Trường Đại học Ngoại thương tiếp tục được tín nhiệm và bầu làm Cụm trưởng .
Đặng Thuỷ - Kim Thoa