Nỗ lực giành giật sự sống ở nơi “lằn ranh sinh tử”
Từ ngày 24/8, Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 (số 2 Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, Tp.Hồ Chí Minh) do BVTW Huế quản lý đã bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 vào điều trị.
Trung tâm này được thành lập để tiếp nhận điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch, nơi được nhiều người ví là lằn ranh sinh tử của bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ở đó, sự sống và cái chết là vô cùng mong manh.
Mỗi ngày trôi qua, số lượng bệnh nhân nặng được đưa đến Trung tâm ngày càng tăng, đòi hỏi sức bền bỉ, sự nỗ lực không biết mệt mỏi trong công tác điều trị của đội ngũ y bác sỹ nơi đây.
Gần 400 y bác sỹ, ngoài lực lượng chủ lực là của BVTW Huế, còn có bệnh viện C Đà Nẵng, bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới, bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam… Tất cả dưới sự chỉ huy của “thuyền trưởng” GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVTW Huế đang phải căng mình chiến đấu để giành giật sự sống cho các bệnh nhân.
Tại đây, ngoài lực lượng y bác sỹ có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết còn quy tụ nhiều trang thiết bị y tế tối tân với hệ thống máy thở, oxy, robot lẫn các thiết bị khác đã được lắp đặt hoàn chỉnh và chạy thử, đáp ứng tốt nhu cầu điều trị.
Trung tâm được phân chia thành 4 nhóm giường gồm 90 giường giường hồi sức nguy kịch, 162 giường hồi sức nặng, 252 giường thoát hồi sức, phải thở oxy, 100 giường theo dõi. Ngoài ra còn 8 giường cấp cứu và đón bệnh.
“Đây là tuyến điều trị ở tầng cao nhất, nên việc xác định giảm nhẹ tình trạng của bệnh nhân nặng chính là mục tiêu hàng đầu. Những ngày tiếp theo chắc chắn số lượng bệnh nhân sẽ gia tăng nhưng chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để nỗ lực hết sức điều trị người bệnh thoát khỏi tình trạng nguy kịch”, GS.TS Phạm Như Hiệp chia sẻ.
Tinh thần trách nhiệm và sự dấn thân
Cuộc chiến giành giật sự sống cho các bệnh nhân Covid-19 nặng ở Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 do BVTW Huế quản lý đang dần bước sang giai đoạn cam go, quyết liệt, với số lượng bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch ngày một tăng. Sáng ngày 27/8, để tiếp sức cùng lực lượng này, BVTW Huế tiếp tục điều động 52 y bác sỹ trong lĩnh vực hồi sức tích cực đến công tác tại Trung tâm.
Đây là lần thứ 5 BVTW Huế hỗ trợ, điều động, chi viện nhân viên y tế cho hoạt động của Trung tâm để "chia lửa" với Tp.Hồ Chí Minh và góp sức, chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Những y bác sỹ đang tham gia điều trị tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 do BVTW Huế quản lý ngoài tinh thần trách nhiệm còn là sự dấn thân, gác lại niềm riêng để chung sức bảo vệ sự sống cho cộng đồng. Ở đó, mặc dù tiềm ẩn nhiều rủi ro với chủng biến thể phức tạp của vi-rút Sars-CoV-2 nhưng họ sẵn sàng quên mình, bằng chuyên môn nghiệp vụ cùng sự nhiệt huyết, quyết tâm giảm nhẹ tình trạng của bệnh nhân nặng, giúp họ thoát khỏi tình trạng nguy kịch.
Mấy tuần qua, từ khi vào bắt tay thiết lập trung tâm, GS.TS Phạm Như Hiệp cùng các cộng sự ở BVTW Huế chưa có một đêm an giấc. Ngoài việc nỗ lực chạy đua thời gian lắp đặt máy móc, vận hành các trang thiết bị để khẩn trương đưa trung tâm vào hoạt động ở Tp.Hồ Chí Minh đúng tiến độ, họ còn phải chỉ đạo từ xa công tác khám chữa bệnh, điều trị bệnh nhân Covid-19 hiệu quả ở Thừa Thiên-Huế.
Không biết đã bao lâu họ chưa được về nhà? Đã bao lâu rồi họ chưa được sum họp ăn cơm cùng gia đình? Có lẽ, nếu không có sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm cao vì sức khoẻ cộng đồng, thì khó có ai mà có thể bám trụ.
Đồng cảm với những khó khăn này, tại phiên thảo luận Tổ 13, kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khoá XV, ông Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng VKSND tỉnh Thừa Thiên-Huế với tư cách là Đại biểu Quốc hội đã đánh giá rất cao sự cống hiến của đội ngũ y, bác sĩ đang ngày đêm không màng đến sinh mạng để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Trong đó đặc biệt là những y bác sỹ các địa phương khác được điều động vào trong Tp.Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ chống dịch.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, “chống dịch như chống giặc”, mỗi người đang tham gia trên mặt trận “chống giặc” ấy chính là những chiến sỹ và cần phải quan tâm hỗ trợ chế độ chính sách cho lực lượng này. “Thấy các báo cáo khen thưởng kịp thời, nhưng chúng ta chưa đề cập đến vấn đề rủi ro. Nếu tuyến này nhiễm Covid-19 dẫn đến không giữ được tính mạng hoặc giảm, mất sức khỏe lao động thì Chính phủ cần phải có chế độ chính sách, đặc biệt áp dụng chính sách liệt sĩ, người có công, vì họ đã không màng đến tính mạng để đi giúp dân”, Viện trưởng VKSND tỉnh Thừa Thiên-Huế nhấn mạnh.
Lê Kông