Liên quan đến vụ nâng điểm thi ở tỉnh Sơn La, cơ quan điều tra đã triệu tập, xác minh với 18 trường hợp để làm rõ động cơ, mục đích việc nhận thông tin từ người thân thí sinh, trực tiếp thí sinh hoặc thông qua đối tượng khác.
Kết quả có 3 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin cá nhân thí sinh để nhờ nâng điểm, 13 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin cá nhân thí sinh nhưng mục đích chỉ để nhờ xem điểm trước, 2 trường hợp phủ nhận và nói không liên quan.
Cung cấp thông tin thí sinh chỉ để nhờ xem điểm
Đáng chú ý, có trường hợp ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc sở GD&ĐT Sơn La, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo thi Sơn La. Ban đầu ông Đức thừa nhận cung cấp thông tin cá nhân của 8 thí sinh cho cấp dưới là Trần Xuân Yến.
Nhưng ông Đức cho rằng, việc chuyển thông tin thí sinh chỉ nhằm mục đích là để nhờ xem điểm trước, không hưởng lợi từ người chuyển thông tin cũng như gia đình thí sinh. Bất ngờ, đến ngày 23/1/2019, ông Đức đã thay đổi lời khai phủ nhận việc chuyển thông tin thí sinh cho bị can Trần Xuân Yến.
Về trường hợp của ông Lê Văn Thời, Giám đốc Công ty TNHH ĐT&XD Sơn Hải khai rằng: Khoảng cuối tháng 6/2018, tại nhà hàng của ông Thời có một vị khách (ông Thời không nhớ tên) đã đọc thông tin cá nhân của 1 thí sinh (Nguyễn Hà Phong, SBD: 140 00619) cho ông Thời để nhờ xem trước điểm thi và được ông này đồng ý.
Đúng lúc đó, ông Hoàng Tiến Đức (Giám đốc sở GD&ĐT Sơn La) là bạn của ông Thời cũng đến ăn tại nhà hàng này nên ông Thời đã đến gặp ông Đức chuyển thông tin cá nhân để nhờ giúp đỡ.
Vị Giám đốc doanh nghiệp khẳng định, việc chuyển thông tin cá nhân thí sinh cho ông Hoàng Tiến Đức chỉ là nhờ xem điểm chứ không nhờ nâng điểm, không trao đổi hứa hẹn gì về tiền bạc, vật chất.
Cũng mục đích nhờ xem điểm, ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng Phòng GD Trung học (sở GD&ĐT Sơn La) khai nhận, có chuyển thông tin cá nhân của 10 thí sinh cho một số thành viên ban chấm thi.
"Các thí sinh trên sau khi thi xong THPT Quốc gia 2018, đã tự tính toán và dự đoán ra số điểm các môn xét đại học đạt được. Sau đó, gia đình các thí sinh đã trực tiếp hoặc thông qua người khác nhờ ông Hà giúp đỡ xem kết quả chấm thi có đạt được với điểm số dự báo hay không", ông Hà khai báo.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Khoa (SN 1972, nguyên Phó Trưởng Công an huyện Mai Sơn, hiện là cán bộ Công an tỉnh Sơn La) có chuyển thông tin cá nhân của 5 thí sinh.
Ông Khoa khai rằng, việc nhận và chuyển thông tin cá nhân thí sinh là để nhờ xem trước kết quả điểm thi trước khi bộ GD&ĐT công bố. Ông Khoa khẳng định không nhận tiền và vật chất từ gia đình thí sinh.
Về phụ huynh và người thân của thí sinh, bản kết luận điều tra cho thấy: 6 trong số 42 trường hợp bị triệu tập thừa nhận chuyển thông tin cá nhân thí sinh để nhờ nâng điểm. Có 21 trường hợp chuyển thông tin thí sinh để nhờ xem điểm, 15 trường hợp không thừa nhận liên quan.
Trường hợp của ông Nguyễn Quang Việt, Cục Trưởng Cục Thuế Sơn La (bố thí sinh Nguyễn Đức Anh- SBD:1400 1279, nguyện vọng xét vào học viện An ninh Nhân dân), ông này khai rằng, bản thân và gia đình không trao đổi, không cung cấp thông tin của con cho bất kỳ ai để nhờ tác động nâng điểm và xem điểm thi.
Theo cơ quan điều tra, lời khai của ông Việt mâu thuẫn với lời khai của ông Hoàng Tiến Đức Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La. "Trước đây, ông Đức khai, cuối tháng 6/2018, tại kỳ họp giao ban tháng 6/2018, tại UBND tỉnh Sơn La, ông Việt có đưa thông tin cá nhân nhờ ông Đức xem sớm kết quả thi cho con".
Trường hợp ông Đỗ Kim Quang, Giám đốc VNPT Sơn La (bố thí sinh Đỗ Minh Hoàng-SBD:1400 01415, xét tuyển vào ĐH Kinh tế Quốc dân) khai rằng, cung cấp thông tin của con cho Giám đốc sở GD&ĐT Sơn La để nhờ xem trước kết quả và không hứa hẹn, trao đổi gì.
Tương tự cũng khai nhờ xem điểm cho con là trường hợp của Phó Giám đốc sở GD&ĐT Sơn La, Nguyễn Duy Hoàng (bố thí sinh Nguyễn Hoàng Cúc, xét tuyển vào ĐH Sư Phạm Hà Nội).
Ông Lê Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND TP. Sơn La (bố thí sinh Lê Tất Thành) cung cấp thông tin của con xét tuyển vào học viện An ninh Nhân dân để nhờ giúp xem điểm thi.
Hay trường hợp ông Bùi Minh Hải, Hạt phó hạt kiểm lâm huyện Mai Sơn (bố thí sinh Bùi Thành Nam-SBD: 1400 145), ông Dương Đức Toàn, Giám đốc ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Sơn La cũng nhờ xem điểm thi cho 2 thí sinh là: Dương Thị Thu Hằng và Đào Thị Ngọc Khánh.
Tuy nhiên, theo kết luận điều tra, có rất nhiều tình tiết khai mâu thuẫn nhau giữa các bị can và người trung gian khi một số bị can khai nhận có việc nhận tiền nhưng người trung gian thì phủ nhận.
Trẻ con cũng không tin
Chia sẻ quan điểm với PV, thầy giáo, TS. Nguyễn Văn Khải (Hà Nội) cho rằng: "Lời khai của phụ huynh thí sinh được nâng điểm khiến trẻ con cũng không thể tin. Đây là bê bối gian lận thi cử lớn nhất trong lịch sử và trên thế giới mà tôi được biết.
Không lẽ các bị can đường đường có học vấn họ tự dưng đi nâng điểm cho thí sinh, thậm chí mang bài thi về nhà để sửa mà không hưởng lợi ích gì... Xin đừng xử lý qua vụ việc này nếu muốn thế hệ sau còn niềm tin vào công lý, vào giáo dục", ông Khải nói thêm.
Ông Khải cũng còn cho rằng, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc sở GD&ĐT Sơn La với vai trò là người đứng đầu ngành giáo dục lại làm chuyện cung cấp thông tin cá nhân thí sinh trái với quy chế Bộ GD&ĐT đưa ra mà vô sự trong việc này thì khó khiến dư luận phục.
"Bản thân ông Đức cũng không thể liều lĩnh vi phạm quy chế để rồi chẳng hưởng lợi ích gì. Cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra độc lập, không nên để địa phương tự điều tra", ông Khải bày tỏ.