Lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử có ý kiến liên quan đến ứng dụng TVPlus của Samsung đang cung cấp hàng chục kênh giải trí K-pop qua OTT có vi phạm quy định về quản lý dịch vụ truyền hình của Việt Nam hay không?
ICTnews nhận được phản ánh của độc giả về việc Samsung đang cung cấp ứng dụng TVplus cho Smart TV của Samsung, qua ứng dụng này người dùng sẽ xem được 20 kênh truyền hình giải trí của Hàn Quốc, trong đó có một số kênh được phát sóng trực tiếp, có phụ đề tiếng Việt và tiếng Anh. Ứng dụng này do Samsung phát triển và cài đặt sẵn trên tivi thông minh của Samsung.
Theo độc giả này, theo quy định của pháp luật Việt Nam, các kênh truyền hình phát sóng vào Việt Nam phải được cấp phép và phải được một đơn vị truyền hình được nhà nước cấp phép kiểm duyệt về nội dung. Do đó, độc giả này đặt vấn đề rằng, TVplus phát sóng các kênh truyền hình tiếng Hàn vào Việt Nam đã được cấp phép hay chưa? Và trong trường hợp chưa được cấp phép thì có vi phạm pháp luật của Việt Nam hay không?
Theo Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình, các kênh truyền hình nước ngoài muốn cung cấp vào thị trường Việt Nam phải thực hiện biên tập, quản lý đảm bảo nội dung chương trình không trái với quy định của pháp luật Việt Nam về báo chí và quảng cáo, trừ việc tường thuật trực tiếp các trận thi đấu thể thao, lễ khai mạc, lễ bế mạc các giải đấu thể thao quy mô khu vực và thế giới. Việc biên tập phải do một cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình thực hiện. Giới hạn cơ cấu tỷ lệ kênh chương trình nước ngoài trên tổng số kênh chương trình khai thác trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền không vượt quá 30%.
Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình tại Việt Nam phải xin giấy phép, bao gồm cả cung cấp truyền hình qua Internet. Hiện nay các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền ở Việt Nam phải thực hiện nghiêm túc quy định này.
Sau khi nhận được phản ánh của độc giả, ICTnews đã chuyển câu hỏi tới Samsung Việt Nam, đồng thời cung cấp thông tin tới Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử.
Câu hỏi mà ICTnews cần giải đáp là: Các kênh truyền hình tiếng Hàn được cung cấp qua Internet thông qua SmartTV của Samsung đã được cấp phép phát sóng tại Việt Nam hay chưa? Và các kênh này đã được thực hiện biên tập, biên dịch bởi cơ quan báo chí nào của Việt Nam? Ai chịu trách nhiệm về mặt nội dung của các kênh truyền hình trên TVplus?
Sau khi nhận được câu hỏi của ICTnews qua email, lãnh đạo Samsung hứa sẽ chuyển bộ phận pháp lý xem xét và có câu trả lời trong thời gian sớm nhất.
Còn về phía Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, một lãnh đạo Cục cho biết, sau khi nhận được phản ánh, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã mời đại diện Samsung tới làm việc, một Phó Tổng giám đốc Samsung Việt Nam đã tới làm việc với Cục ngay sau đó.
Sau khi xem xét thì TVplus là ứng dụng OTT được Samsung phát triển và tích hợp vào các SmartTV của Samsung. Đây là một trong số khá nhiều ứng dụng trong kho Smart Hub của Samsung, TVplus được cung cấp miễn phí cho người dùng.
Theo vị lãnh đạo này, Nghị định 06/2016 chỉ quy định cấp phép đối với dịch vụ truyền hình trả tiền qua Internet, TVPlus cung cấp các kênh truyền hình miễn phí nên không nằm trong phạm vi phải cấp phép.
Bên cạnh đó, TVplus là dịch vụ OTT được cung cấp vào Việt Nam theo hình thức dịch vụ xuyên biên giới, nên sẽ bị điều chỉnh bởi quy định về cung cấp dịch vụ xuyên biên giới của Việt Nam.
“Do đó, Samsung không vi phạm khi cung cấp nội dung truyền hình miễn phí qua ứng dụng OTT. Tuy nhiên, loại hình dịch vụ này trước khi đưa vào Việt Nam thì đơn vị cung cấp dịch vụ phải báo cáo cơ quan chức năng”, vị lãnh đạo này cho biết.
Vị lãnh đạo này cũng cho hay, sắp tới đại diện Samsung sẽ được mời tới dự hội nghị phổ biến pháp luật liên quan tới quy định quản lý của Việt Nam. Samsung sẽ phải tự chịu trách nhiệm và đảm bảo tuân thủ các quy định về cung cấp các dịch vụ nội dung cho người dùng Việt Nam.
Hiện nay, vấn đề quản lý nội dung trên dịch vụ OTT đang được nhiều người đưa ra, vì không ít các ứng dụng OTT lậu đang vi phạm bản quyền, gây thiệt hại cho nhiều nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ nội dung.
Theo ICTnews