Cũng đành xin làm người hát rong...

Cũng đành xin làm người hát rong...

Thứ 5, 27/12/2012 23:51

"Có thể mọi người nghĩ hát rong là xấu, chả khác gì đi ăn xin, nhưng bọn em lại nghĩ khác, người hát kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình. Hát thế cũng mệt lắm chứ...", Hoàng Sơn một "ca sĩ" đường phố bộc bạch về "nghề" có một không hai này.

Muôn nẻo hát rong

Hằng đêm, Sơn cùng gánh hát lang thang khắp các con phố, mang giọng ca của mình đổi lấy những đồng tiền lẻ của khách. Phảng phất đâu đây, như lời bài hát "Cũng đành xin làm người hát rong, chỉ mong đời không chê trách...".

Những ngày nắng nóng oi bức của mùa hè đã bắt đầu lan tỏa khắp các con phố Hà thành, các quán nhậu, quán giải khát vỉa hè mọc lên nhan nhản. Đây cũng là thời điểm ăn nên làm ra của những "ca sĩ" lấy đường phố làm sân khấu, khách nhậu làm khán giả.

Từ chiều tối, Hoàng Sơn cùng với hai đồng nghiệp trong gánh hát chỉnh trang lại đồ nghề, kiểm tra chất lượng âm thanh của chiếc loa thùng cỡ lớn. "Cái này bọn em mua ở Lạng Sơn gần 5 triệu đấy anh ạ, cũng phải chịu khó đầu tư chút, chứ loại thường thường thì chỉ "đập bùm bùm" được vài hôm là hỏng", Quảng - một thành viên của gánh hát chia sẻ.

Xã hội - Cũng đành xin làm người hát rong...Hát rong đường phố - hình ảnh dễ gặp ở các thành phố lớn hiện nay.

Sau phần chải chuốt bộ đồ nghề, các "ca sĩ" đường phố bắt đầu "make up" lại bản thân, từ tóc tai cho đến quần áo, đôi giày. Dù không sắm cho mình những bộ hàng hiệu như ca sĩ thứ thiệt, nhưng mỗi “ca sĩ” đường phố cũng phải có vài bộ quần áo "tủ" để đi biểu diễn. 7h tối, Quảng đẩy xe ra khỏi xóm trọ, cả nhóm đi về phía đường Trần Thái Tông, bắt đầu một đêm "du ca".

Cũng giống như những cư dân bám vỉa hè kiếm sống khác, để không tranh giành khách của nhau, những "ca sĩ" hát rong cũng phân chia "lãnh địa" rõ ràng. Nhóm của Sơn thường biểu diễn ở khu vực Cầu Giấy, qua các tuyến phố Nguyễn Phong Sắc, Trần Thái Tông, Trần Quốc Hoàn, Nghĩa Tân... nếu không biết luật mà phạm sang "địa bàn" của nhóm khác thì rất dễ bị no đòn.

Sơn kể, lần mới vào nghề, lúc đó còn chưa biết "luật" nên có lần "đi lạc" sang địa bàn của một nhóm khác ở đường Đê La Thành, thế là bị nhóm ấy cảnh cáo bằng việc tịch thu... một chiếc micro. Rút kinh nghiệm, từ lần ấy nhóm của Sơn chỉ "ngoan ngoãn" hát ở địa bàn Cầu Giấy.

Qua lời giới thiệu của Sơn, chúng tôi gặp Hương, một nữ "ca sĩ" đường phố khá quen thuộc ở khu vực Tô Hiệu (Cầu Giấy - Hà Nội). Theo lời Sơn thì Hương thuộc hàng "mỹ nữ" trong giới ca hát vỉa hè và nổi tiếng bởi khả năng hát những bài nhạc sến không thua kém ca sĩ Như Quỳnh ở hải ngoại.

Đúng như lời quảng cáo của Sơn, Hương trông xinh xắn với mái tóc uốn cong, nước da trắng và dáng người khá chuẩn. Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, Hương chia sẻ về những duyên nợ để bước vào nghiệp du ca đường phố.

Hương kể, việc nhận được những lời gạ gẫm qua đêm, mua tình của khách là chuyện thường ngày ở huyện. Có lần, vị khách nọ lấy cớ mê mẩn giọng hát của cô để gạ gẫm: "Về nhà anh hát... qua đêm với anh, cát - xê cao lắm", dù bị từ chối thẳng thừng nhưng biết cô hay hát ở phố Tô Hiệu nên dạo ấy, tối nào vị khách này cũng tìm cô.

Cát -xê khủng

Kỹ nghệ hát... nhép

Thấy giọng ca của "ca sĩ" hát rong còn khỏe hơn cả những ca sĩ chuyên nghiệp, chúng tôi tò mò tìm hiểu về bí quyết về sự sung mãn khó hiểu này thì cả Hằng, Sơn đều cười trừ đầy bí hiểm. Tuy nhiên, sau nhiều lần tìm hiểu, chúng tôi mới "ngã ngửa", hóa ra các bài hát đã được thu âm, mỗi khi "biểu diễn" thì bật lên. "Người ta không nghĩ hát rong cũng hát nhép thôi, chứ thằng nào đi hát rong cũng thu âm trước vài chục bài, để sẵn khi nào mệt thì bật micro lên, chứ sức đâu mà gào thét cả ngày, cả tháng”.

Trước đây, "ca sĩ" đường phố vừa hát vừa ngả mũ xin tiền, thì nay đã đổi mới theo một cách khác văn minh hơn: Vừa hát vừa bán kẹo. "Như thế vừa lịch sự mà vẫn có tiền, không bị mang tiếng là thanh niên trai tráng mà đi ăn xin, thôi thì mang kẹo đi bán, còn ai thích thưởng thêm thì tùy, Quảng chia sẻ.

Sau khi hát xong trên một tuyến phố, trên tay họ cầm xấp tiền lẻ khá dày, nói là tiền lẻ nhưng mỗi khách qua đường bỏ từ 5.000 đồng - 10.000 đồng để mua kẹo hoặc thưởng thì số tiền mà "ca sĩ" hát rong kiếm được mỗi đêm không hề nhỏ.

"Ca sĩ" Minh, cùng nhóm với Hương cho biết, nếu thời tiết thuận lợi như mấy hôm nay, người ngồi các quán bia, quán giải khát rất đông, nên thu nhập rất khá. Mùa này, nhóm của Hương trung bình mỗi đêm kiếm được khoảng 1,2 - 1, 5 triệu đồng.

Sau khi trừ các chi phí như tiền vốn, tiền thu âm... thì mỗi người cũng được khoảng 10 - 15 triệu đồng mỗi tháng. "Tuy thế, nhiều hôm trời mưa cũng cực lắm, vừa phải che chắn cho loa máy khỏi ướt, lại vừa không có khách, có hôm hát cả đêm mà chỉ được mấy chục nghìn". Minh chia sẻ.

Nếu chỉ trông chờ vào thời tiết thuận lợi mới kiếm được tiền thì có vẻ hơi "hên - xui" với nghề hát rong, chính vì thế nhóm của Sơn tìm nhiều cách để "moi" tiền của khách.

Theo cách nói của Sơn thì đó cũng là "nghệ thuật ca hát". Muốn kiếm được nhiều tiền, nhóm hát phải thuộc nhiều thể loại nhạc, từ nhạc vũ trường cho đến nhạc trẻ, nhạc vàng, đỏ... để phục vụ theo yêu cầu của khách.

Sơn kể có lần đang hành nghề ở phố Nghĩa Tân, vị khách nọ yêu cầu hát cho nghe bài “Cát bụi” của Trịnh Công Sơn, trúng bài "tủ" của Sơn nên vị khách bị chinh phục hoàn toàn. Ngay sau đó, ông ta hào phóng bo luôn cho Sơn 500.000 nghìn đồng.

Quốc Triều


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.