Ý nghĩa của lễ cúng giao thừa
Theo ông Nguyễn Cung Hà, Phó chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm Lý, Viện Nghiên cứu và ứng dụng Tiềm Năng Con Người cho biết: Lễ cúng giao thừa là một nghi thức không thể thiếu mỗi dịp Tết của người Việt ta.
Ông Cung Hà lý giải: “Cúng giao thừa hay còn gọi là lễ Trừ Tịch. Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ Trừ Tịch còn là lễ để "khu trừ ma quỷ". Đêm trừ tịch là khoảng thời gian thiêng liêng nhất của năm khi các gia đình sum họp, chuẩn bị đón năm mới với những điều tốt lành, may mắn sẽ đến và tiễn trừ năm cũ với những điều không may đã qua”.
Chia sẻ thêm về nguồn gốc của mâm cúng giao thừa, ông Cung Hà cho biết: "Theo tục lệ cổ truyền, giao thừa được tổ chức nhằm đón các thiên binh. Lúc đó họ đi thị sát dưới hạ giới, rất vội không kịp vào tận bên trong nhà được, nên bàn cúng thường được đặt ở ngoài cửa chính mỗi nhà. Mâm lễ được sắp bày với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị chỉ có thể ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà".
Cũng theo ông Hà, tùy theo vùng miền, địa phương mà có cách cúng giao thừa khác nhau.
+ Nếu ở vùng quê miền đồng bằng Bắc Bộ người dân thường cúng vào thời gian vừa bước sang giờ Tý tức hơn 12h đêm 30 tháng Chạp và lễ cúng giao thừa gồm 2 lễ khác nhau. Đối với gia đình có cây hương ngoài trời cần thắp hương và cúng ngoài sân trước cây hương.
+ Còn ở thành phố chật chội hoặc những căn hộ chung cư, nhà tập thể không có cây hương có thể làm lễ trước ban thờ thần linh của gia đình. Thông thường chủ sự thường thắp 15 nén hương cắm vào bát hương (số 15 tượng trưng cho con số của trời đất giao hoà ) và 5 nén hương vào mâm lễ rồi khấn thành tâm.
Những lễ vật không thể thiếu trong mâm cỗ cúng giao thừa Tết Kỷ Hợi 2019
Mâm cỗ cúng đêm giao thừa gồm có: Hương, đăng, trà, nước. Đăng là 2 cây đèn hoặc 2 cây nến để tượng trưng cho mặt Trăng, mặt Trời. Nước phải là nước trong, nước sạch hoặc có thể dùng một chút rượu.
Trong văn hóa truyền thống của người Việt, người ta vẫn dùng gà trống để cúng. Người Việt quan niệm gà trống là biểu tượng của ngũ đức: Văn, võ, dũng, nhân, tín. Bông hoa hồng đỏ trên miệng gà là hình ảnh tượng trưng cho ông mặt trời.
Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho hay: "Một số người quan niệm năm con gì thì cúng con đấy. Ví dụ: Năm Dậu cúng gà, năm Sửu cúng trâu... Quan điểm này không đúng, bởi theo tục lệ chỉ cần có thịt động vật trên mâm cỗ là được. Nếu những năm rơi vào tuổi Thìn (con rồng) là con vật không có thật thì lấy đâu ra rồng để cúng".
Thêm vào đó, có thể đặt vào mâm lễ những sản vật khác như xôi, bánh chưng, bánh kẹo, mứt, hoa tươi… Ngoài ra lễ vật có ngũ quả, vàng mã, hương, hoa, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (bánh tét - miền Nam), bánh kẹo và mâm cỗ mặn hoặc cỗ chay đầy đặn, thơm ngon, tinh khiết.
Cỗ mặn gồm: Bánh chưng, giò - chả; xôi gấc, thịt gà; xôi đậu xanh; các món ăn mặn khác tùy theo nhu cầu của gia đình.
Cỗ ngọt và chay gồm: Hương, hoa, đèn nến, bánh kẹo; mứt Tết; rượu/bia và các loại đồ uống khác.
Sau khi cung kính bày lễ lên bàn thờ gia tiên thì đốt đèn nến, thắp hương thơm và thành kính cầu khấn (đọc văn khấn). Khi cúng giao thừa trong nhà, tất cả các thành viên trong gia đình đứng trang nghiêm trước bàn thờ, khấn tổ tiên để xin được các cụ phù hộ độ trì trong năm mới, cầu an khang thịnh vượng, sức khỏe tốt.
Trước khi khấn Tổ tiên để mời tiền nhân về ăn Tết cùng với con cháu hậu thế, các gia chủ khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà (thường bàn thờ tổ tiên ở giữa, bàn thờ Thổ Công ở bên trái) để xin phép cho tổ tiên về ăn Tết.
Sau đó mới cúng ngoài trời, mâm lễ được sắp bày với lòng thành kính tiễn đưa người Nhà Trời đã cai quản mình năm cũ trở lại Thiên đình và đón vị mới xuống sẽ làm nhiệm vụ cai quản Hạ giới năm tới.
Phong Linh (tổng hợp)