Chia sẻ với Sức khỏe và Đời sống, chuyên gia phong thủy Nguyễn Trọng Tuệ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc và văn hóa phương Đông - cho biết, tục lệ cúng ông Công ông Táo đã có từ lâu đời và vẫn được thực hiện cho đến ngày nay.
Ông Tuệ cho biết, trong hệ thống thần thánh của Đạo giáo, mỗi gia đình có một hệ thống thần linh bản gia bao gồm ông Thần tài, ông Thổ Công và ông Táo hay còn gọi là Táo quân. Trong đó, mỗi người cai quản, phụ trách một lĩnh vực, ông Công sẽ cai quản đất đai trong một gia đình, còn ông Táo sẽ cai quản chuyện bếp núc.
Theo định lệ và quan niệm của Đạo giáo thì đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các vị này sẽ lên hội thiên đình để báo cáo kết quả công đức hoặc luận tội trong một năm của gia đình mình cai quản. Dân gian hay gọi là lên chầu trời. “Sau khi báo cáo xong, các vị thần này sẽ nhận chỉ thị của thiên đình để xem năm mới sẽ như thế nào, đến ngày cuối cùng của năm cũ sẽ về lại gia đình mình cai quản”, ông Tuệ nói.
Do định lệ đã được quy định rõ ràng, vì thế ngày cúng ông Công ông Táo tốt nhất là đúng ngày 23 tháng Chạp (tức ngày 23/12 Âm lịch).
Trao đổi với Lao Động, Tiến sĩ nghiên cứu văn hoá Nguyễn Ánh Hồng cũng cho rằng, thời gian đẹp nhất là cúng đúng ngày 23 tháng Chạp và cúng trước 12h trưa. Bởi theo quan niệm dân gian đây là giờ Chính Ngọ, là thời khắc linh thiêng chuyển giao của một ngày và là thời điểm thích hợp để Táo quân kịp thời lên thiên đình báo cáo Ngọc Hoàng.
Tuy nhiên, cuộc sống ngày nay có nhiều thay đổi, nhiều người cho rằng việc thờ cúng cốt ở tấm lòng thành kính. Vì thế, nếu không thể sắp xếp thời gian cúng ông Công ông Táo đúng ngày 23 tháng Chạp, một số người cúng trước 1 – 2 ngày.
Theo sách Lịch vạn niên 2022, các gia đình có thể tiến hành cúng ông Công ông Táo vào các ngày sau:
Ngày 21 tháng Chạp (tức 23/1/2022 Dương lịch): Ngày Bính Tý, niên mệnh Giản Hạ Thủy, Lục nhâm Lưu niên.
Ngày 23 tháng Chạp (tức 25/1/2022 Dương lịch): Ngày Mậu Dần, Hoàng Đạo, niên mệnh Thành Đầu Thổ, Lục nhâm Xích khẩu.
Giờ tốt cúng ông Công ông Táo năm 2022:
Với ngày 21 tháng Chạp: Các khung giờ đẹp gồm: Mão (5h-7h), Ngọ (11h-13h), Thân (15h-17h), Dậu (17h-19h).
Trong đó, giờ Ngọ ngày 21 tháng Chạp là giờ Tốc hỷ, là khung giờ đẹp nhất để cúng Táo quân. Nếu tiến hành cúng ông Công ông Táo vào khung giờ này, hứa hẹn năm mới gặp nhiều niềm vui, may mắn, xuất hành thuận lợi, dễ dàng hóa giải những xui xẻo, bệnh tật có thể gặp phải cho mọi thành viên trong nhà.
Với ngày 23 tháng Chạp: Các khung giờ đẹp gồm Thìn (7h-9h), Tị (9h-11h).
Đặc biệt, trong ngày 23 tháng Chạp năm Tân Sửu, giờ Thìn là giờ Tốc hỷ, rất thích hợp để các gia đình tiến hành nghi lễ cúng tiễn Táo quân về trời.
Mâm cúng ông Công ông Táo là các món ăn truyền thống của người Việt như xôi, gà, chân giò luộc, các món nấu hoặc canh măng, bánh kẹo, trầu cau, rượu, hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi, tiền vàng.
Theo truyền thuyết, cá chép là phương tiện có thể đưa Táo quân về trời, bởi thế, vào ngày này, các gia đình đều cúng cá chép. Quan niệm của người dân, cá chép vàng phải mua ba con. Cúng cá chép để hóa rồng và trở thành phương tiện để các vị Táo quân lên chầu trời.
Ngoài ra, trong buổi lễ gia chủ cần chuẩn bị 3 bộ mũ áo có hoa văn khác nhau, trong đó có đồ dành cho 2 vị thần nam, 1 vị thần nữ.
Sau khi bày lễ, thắp hương khấn vái, khi hết tuần hương, gia đình có thể lễ tạ hóa vàng mã, mang cá chép đến thả ở ao, hồ, sông, suối.
Hiện nay, trong mâm lễ cúng ông Công, ông Táo nhiều gia đình sắm sửa mâm cao cỗ đầy, thậm chí sắm máy bay, điện thoại bằng vàng mã… làm “phương tiện” tiễn ông Táo về chầu trời. Các chuyên gia văn hóa cho rằng đây là quan điểm không đúng với truyền thống. Lễ cúng ông Công ông Táo nên được chuẩn bị, tiến hành với lòng thành và sự kính cẩn của gia đình.
Thông tin trong bài mang tính tham khảo.
Minh Hoa (t/h)