Trong đời sống tâm linh, phong tục dân gian của người Việt, Lễ Vu Lan thường làm trùng với Rằm tháng 7 và Lễ cúng cô hồn. Năm 2023, ngày rằm tháng 7 (15/7 Âm lịch) rơi vào thứ Tư nhằm ngày 30/8/2023 Dương lịch.
Theo tín ngưỡng dân gian, ngày rằm tháng 7 (ngày mở cửa địa ngục) là ngày xá tội vong nhân. Từ đó, các vong nhân được xá tội nên có tên gọi là lễ cúng cô hồn. Lễ cúng cho các vong linh không nhà cửa, không có thân nhân, không nơi nương tựa đi lang thang quấy nhiễu dương gian.
Bên cạnh đó, ngày rằm tháng 7 là ngày để tưởng nhớ công ơn của cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất. Ngày này mang ý nghĩa nhắc nhở con cháu, những ai còn cha mẹ hãy báo đáp công ơn bằng lòng hiếu thảo.
Ngoài ra, để thể hiện lòng biết ơn, báo đáp người đã khuất, theo quan niệm dân gian, vào lễ Vu Lan, con cháu nên làm việc thiện, cúng dường, bố thí cho người nghèo, giúp đỡ người khốn khổ hay lên chùa tụng kinh lễ bái để cầu siêu thoát cho ông bà, tổ tiên, cầu phúc an lành cho cha mẹ sống thọ, khỏe mạnh với con cháu.
Từ đó, Vu Lan được xem là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (tổ tiên, ông bà nói riêng) cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.
Tùy vào điều kiện của gia đình để chọn ngày cúng. Điều quan trọng là gia chủ phải thành tâm và mong muốn thể hiện sự cảm tạ chân thành của mình tới trời Phật, thần linh và tổ tiên là được.
Lễ cúng rằm tháng 7 thường gồm cúng Phật, cúng gia tiên và cúng chúng sinh. Vậy, cần chuẩn bị những lễ vật gì:
Mâm lễ cúng Phật
Theo quan niệm của Phật giáo thì Rằm tháng 7 là ngày lễ Vu Lan. Vì thế, những gia đình theo đạo Phật sẽ không thể bỏ qua nghi lễ cúng Phật vào ngày này.
Theo giáo lý nhà Phật, lễ cúng không quan trọng ở mâm cao cỗ đầy mà cốt ở lòng thành của mỗi người.
Lễ cúng Phật cần được đặt ở nơi cao nhất trên bàn thờ. Nếu dùng hoa tươi nên chọn hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu, hoa hồng, hoa cúc... Đồ cúng thường là cỗ chay hoặc ngũ quả, nước lọc.
Gia chủ có thể làm mâm cỗ chay gồm: Giò, chả chay, nem chay hoặc nem nấm, canh nấm hoặc rau củ quả, đậu hũ...
Mâm cúng gia tiên
Nếu cúng Phật là cỗ chay, mâm cúng gia tiên thường là cỗ mặn. Đối với mâm lễ cúng gia tiên thường sắp xếp "Trên chay dưới mặn" tức là trên hoa quả, dưới là cỗ mâm mặn. Các món ăn nấu tùy theo điều kiện gia đình, các món ăn cần đa dạng, tươi sạch để thể hiện lòng thành kính, biết ơn với tổ tiên.
Mâm cúng mặn thường gồm các món như xôi, gà luộc, canh, cơm, cá kho, món xào, món nộm,.. Kèm theo là trái cây, hoa cúng, nước, rượu, nhang, nến, vàng mã và cả những vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy tượng trưng như quần áo, giày dép,...
Khi bầy mâm cùng, nếu người cúng là trưởng tộc thì cúng xôi gà và 9 bát xếp chồng lên nhau, 9 đôi đũa. Nếu không có gà thì một miếng thịt hoặc một khoanh giò.
Nếu là con trưởng trong nhà thì cúng 1 mâm cơm, tùy tâm và điều kiện, có ít cúng ít, có nhiều cúng nhiều, nhưng không thể thiếu 7 cái bát chồng lên nhau.
Nếu không phải con trưởng thì cúng 1 mâm cơm gồm nhiều đồ ăn và 5 cái bát tượng trưng cho ngũ đại đồng đường, xếp 5 bát chồng lên nhau.
Chúng ta lâu nay thường lầm tưởng xếp 6 cái bát, để các các cụ ngồi thành 1 mâm, thực ra không phải vậy. Số lượng bát phải phụ thuộc vào người cúng là con trưởng hay con thứ, tượng trưng cho các đời trong dòng tộc.
Mâm cúng chúng sinh
Cúng ngoài trời hay còn gọi là cúng chúng sinh hoặc cúng cô hồn với mục đích bố thí cho những cô hồn thất thế, sa cơ lỡ vận, không nhà cửa hay nơi nương tựa.
Lễ cúng cô hồn thường được thực hiện vào buổi chiều tối ngày 14/7 hoặc 15/7 bởi vì người ta quan niệm đây là thời gian những vong linh trên đường trở về địa ngục nên cũng là lúc cúng cô hồn chuẩn nhất.
Cũng theo quan niệm dân gian, lễ cúng cô hồn không nên làm lễ mặn vì có thể khơi dậy tham, sân si. Lễ cúng chúng sinh phải được bày ngoài trời hoặc trước cửa chính của ngôi nhà, gia chủ đọc văn khấn hoặc bài cúng nôm theo tâm nguyện và rải lòng thương của mình đối với các cô hồn, mong linh hồn giải thoát khỏi trần thế đau khổ.
Khi lễ cúng xá tội vong nhân xong thì gạo, muối được vãi ra sân, đường còn vàng mã thì đem đốt.
Một mâm cúng chúng sinh đầy đủ gồm:
Muối gạo: (1 đĩa).
- Cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ) hay là cơm vắt: 3 vắt.
- 12 cục đường thẻ.
- Giấy áo, giấy tiền vàng bạc. Trong đó, tiền vàng từ 15 lễ trở lên, quần áo chúng sinh từ 20 đến 50 bộ.
- Bắp rang, khoai lang, ngô, sắn luộc...
- Mía (để nguyên vỏ và chặt tùng khúc nhỏ độ 15cm).
- Bánh, kẹo, tiền mặt (tiền thật, các loại mệnh giá).
- Nước: 3 ly nhỏ, 3 cây nhang, 2 ngọn nến nhỏ.
Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến cáo không nên sử dụng vàng mã, tránh lãng phí. Đồng thời, Giáo hội cũng cấm đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự. Bởi vậy, các gia đình có thể cân nhắc hình thức này.
Minh Hoa (t/h)