Theo giáo lý nhà Phật, trong dịp lễ Vu Lan, người dân nói chung và bà con Phật tử ngoài việc lên chùa cài hoa hồng, tụng kinh cầu siêu, cúng dường trai tăng… còn thiết mâm lễ cúng cho những vong hồn chưa được siêu thoát (còn gọi là lễ xá tội vong nhân).
Theo đó, lễ cúng cô hồn và lễ Vu Lan cùng thực hiện trong một ngày nhưng mang ý nghĩa khác nhau. Một bên là để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, một bên là để bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng kiếng.
Thông thường bàn thờ tổ tiên của người Việt thường có 3 bát hương: Bát hương ở giữa là thờ Phật, bát hương bên phải là thờ thần linh thổ công, bát hương bên trái thờ gia tiên. Lễ cúng Phật được đặt ở nơi cao nhất, sau đó là lễ thần linh và cuối cùng là mâm lễ gia tiên.
Người làm lễ, sau khi cúi đầu lạy phật, dâng lễ, tạ ơn, cầu xin và hứa nguyện có thể tụng kinh niệm phật. Nếu ai chưa biết tụng kinh niệm phật thì đọc bài kinh Vu Lan, đây là bài kinh được nhiều người biết, sách viết về kinh Vu Lan được bán nhiều tại các chùa.
Tiếp đến là lễ cúng tạ ơn các thần linh và dâng mâm cơm tưởng nhớ ông bà tổ tiên để cầu nguyện cho các vong hồn siêu thoát, cầu bình an cho gia đình.
Trình tự gồm:
Cúng Phật: Trước tiên, đó là ngày lễ Vu Lan, xuất phát từ tích kể đức Mục Kiền Liên xả thân cứu mẹ. Sắp một mâm cơm chay hoặc đơn giản hơn là mâm ngũ quả để cúng Phật rồi thụ lộc tại nhà.
Khi cúng, tốt nhất là đọc một khoá kinh - Kinh Vu Lan - để hiểu rõ về ngày này, hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh. Kinh Vu Lan khá dài, nhưng không đến mức quá dài, lại thuộc thể thơ song thất lục bát nên đọc cũng nhanh.
Cúng thần linh và gia tiên: Ngày Rằm tháng Bảy, theo tín ngưỡng dân gian, còn là ngày mở cửa ngục, các vong nhân được xá tội nên có lễ cúng Cô Hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa, không nơi nương tựa.
Một số người Việt Nam tin rằng Lễ Xá tội vong nhân bắt nguồn từ công việc đồng áng của người nông dân trước kia. Hằng năm, cứ đến tháng 6-7 âm lịch là vào vụ thu hoạch mùa màng. Để công việc được may mắn, không gặp trắc trở, người dân thường cầu xin thần linh, thổ địa... bắt giam những yêu ma, oan hồn lại cho khỏi quấy nhiễu.
Người Việt vẫn thường dạy con cháu, lễ cúng thần linh thường cúng gà trống để nguyên con và xôi (hoặc bánh chưng bóc hết lá nhưng không cắt thành miếng. Lễ đầy đủ phải có thêm rượu, trái cây và bình hoa. Lễ cúng gia tiên nên có một mâm cơm, có thể là món mặn, có thể là món chay tùy vào hoàn cảnh và căn cơ của người đang sống.
Trên mâm cúng gia tiên bày đặt một mâm cỗ mặn, tiền vàng và cả những vật dụng dành cho người cõi Âm làm bằng giấy tượng trưng từ những vật truyền thống (giống như đồ thật) như quần áo, giày dép, áo bào, cung điện, ngựa, các vật dụng trang sức..., mũ kepi, người giúp việc ... đến những vật hiện đại: nhà cao tầng, xe ô tô, xe máy, điện thoại... để cho người cõi Âm có được một cuộc sống tiện nghi giống như người Dương trần.
Cúng chúng sinh: Cuối cùng là lễ cúng chúng sinh hay còn gọi là cúng bố thí cho các cô hồn khi tại thế thất cơ lỡ vận, không nơi nương tựa và chịu nhiều oan trái ở kiếp trước... Những vong hồn này rất đáng thương vì không được ai thờ cúng, hoặc chết đường chết chợ lang thang vạ vật không tìm được đường về với tổ tiên.
Trên mâm cúng chúng sinh lễ vật gồm có: Quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng...), các loại bỏng ngô, chè lam, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh quế, cháo, tiền vàng, cốc nước lã hoặc rượu (có thể thêm nước ngọt, bia nếu có điều kiện), cốc gạo trộn lẫn với muối (cốc này sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong), ngô, khoai lang luộc, cháo hoa... và những lễ vật khác dành cho những cô hồn, ma đói không nơi nương tựa.
Lễ cúng chúng sinh nên cúng ngoài trời, hoặc trước cửa chính ngôi nhà. Gia chủ có thể khấn nôm theo tâm nguyện và rải lòng thương của mình đối với các cô hồn, mong linh hồn giải thoát khỏi những bám víu trần thế đau khổ, rồi chỉ đường cho cô hồn nương nhờ chốn cửa chùa.
Phương Anh (Tổng Hợp)