Cúng Rằm tháng Giêng thế nào cho đúng?
Theo các chuyên gia lý giải “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm, Tết Nguyên tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. Theo dân gian, Tết Nguyên tiêu còn được gọi là Tết Thượng Nguyên, vì sau đó còn có Tết Trung Nguyên (rằm tháng bảy) và Tết Hạ Nguyên (rằm tháng mười).
Với người Việt, Tết Nguyên tiêu rất quan trọng, người ta vẫn kháo nhau rằng “Lễ Phật cả năm không bằng cúng Rằm tháng Giêng”. Vì thế, trong ngày này, người thường đến chùa lễ Phật, cầu bình an, khoẻ mạnh, hạnh phúc… cho gia đình, người thân.
Ngoài ra, nhiều người cho rằng, đây là ngày lễ quan trọng khởi đầu cho một năm mới an lành, nên họ rất coi trọng lễ cúng tại nhà. Thông thường các gia đình thường sắm hai lễ cúng Rằm tháng Giêng, một là cúng Phật, hai là cúng gia tiên.
Tuy nhiên, hiện nay do điều kiện cuộc sống, mỗi gia đình lại tùy biến linh động cúng vào ngày, giờ khác nhau, nhưng đều thể hiện tinh thần chung là tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, thần thánh.
Mâm cúng Rằm tháng Giêng gồm những lễ nào?
1. Cúng Phật, cúng thần linh. Cúng Phật là mâm lễ chay tinh khiết cùng hương hoa đèn nến.
2. Cúng gia tiên vào giờ Ngọ.
Cúng gia tiên là mâm lễ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn tinh khiết của ngày Tết.
Mâm lễ mặn gồm có:
5 lạng thịt vai luộc;
1 bát canh măng;
1 đĩa xào thập cẩm;
1 đĩa nem;
1 đĩa rau xào;
1 đĩa giò;
1 đĩa xôi gấc,
Ngoài 7 món cơ bản trên, các gia đình nên chuẩn bị thêm một đĩa hoa quả. Tùy theo sự sáng tạo của mỗi gia đình để làm sao mâm cúng Rằm tháng Giêng trở nên đầy đủ và tinh tươm nhất.
Đặc biệt trong mâm lễ phải có bánh trôi (chè trôi nước). Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày Tết Nguyên tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy. Ngoài ra còn có hương hoa, đèn nến, trầu cau, một ít vàng mã, rượu.
Phương Vy (t/h)