Rằm tháng Giêng còn được coi là Tết muộn, bởi những gia đình khá giả vẫn tiếp tục ăn Tết, vui chơi. Còn với những người đi làm ăn xa, thường ở lại qua ngày Rằm tháng Giêng mới lên đường trở lại với công việc quen thuộc. Bởi thế, trong tiềm thức của người Việt, Rằm tháng Giêng có ý nghĩa gần giống như ngày Tết cổ truyền.
Vào ngày Rằm tháng Giêng người dân thường đi lễ chùa, cầu mong bình an, may mắn cho gia đình, người thân. Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn chủ động làm mâm cúng tại nhà để thể hiện tấm lòng thành kính. Tuy cúng Rằm tháng Giêng được xem là phổ biến dù thế không phải ai cũng biết cúng đúng cách.
Cúng Rằm tháng Giêng thế nào mới đúng?
Bên cạnh việc đến chùa cầu bình an, các gia đình cũng chủ động chuẩn bị mâm cúng ở nhà để đón Tết Nguyên tiêu. Thông thường các gia đình sẽ chuẩn bị hai lễ.
1.Lễ cúng Phật: Thông thường là lễ chay tinh khiết và hương hoa, đèn nến. Phật tử có thể tụng một thời kinh Dược Sư hoặc kinh Phổ Môn trước bàn thờ Phật để cầu bình an cho gia đạo, hoặc dâng hương và đọc bài ca công đức của Đức Phật.
2.Lễ cúng gia tiên có thể là mâm lễ mặn hoặc chay. Thường vào Tết Nguyên tiêu bắt buộc phải có bánh trôi (chè trôi). Tương truyền khi cúng bánh trôi, người Việt sẽ gửi gắm ước nguyện của mình về một năm mới hanh thông, trôi chảy.
Về cội nguồn của Tết Nguyên Tiêu (Rằm tháng Giêng) dân gian có nhiều giải thích.
Truyền thuyết thứ nhất kể rằng: Ngày xửa ngày xưa có một con thiên nga từ trên thiên đình bay xuống hạ giới đã bị một người thợ săn bắn chết. Để trả thù cho con thiên nga, Ngọc Hoàng đã sai một đội quân thiên đình đúng ngày 15 tháng 1 xuống hỏa thiêu toàn bộ con người và động vật dưới hạ giới. Rất may cho loài người là có một số vị thần trên thiên đình không đồng ý với quyết định có phần hơi nặng tay của Ngọc Hoàng. Họ đã liều mình xuống hạ giới để hiến kế cho chúng sinh.
Thế là vào ngày đó, nhà nhà treo đèn lồng và bắn pháo hoa để trên thiên đình tưởng rằng nhà cửa của họ đã bị phóng hỏa. Nhờ đó mà loài người mới thoát khỏi cảnh diệt vong.
Cũng có truyền thuyết khác cho rằng: Vào thời Hán Vũ Đế, có một cô gái trẻ sống trong cung bị cấm về thăm cha mẹ vào ngày 15 tháng 1 đã có ý định lao xuống giếng để tự vẫn. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của cô gái, một vị quan cận thần đã nghĩ ra một kế để giúp cô. Ông tâu với Hán Vũ Đế rằng, ngày 16 tháng 1, thiên đình sẽ sai hỏa thần xuống thiêu rụi kinh thành. Để tránh tai họa đó, mọi người phải treo đèn lồng trước cửa nhà mình và ngoài đường vào ngày 15.
Theo lệnh của Hán Vũ Đế, ngày đó mọi nhà đều treo đèn lồng, nhân lúc mọi người đang mải ngắm những chiếc đèn xinh xắn đó, cô gái trẻ đã trốn về nhà thăm cha mẹ mà không hề ai biết.
Những truyền thuyết trên lý giải khá thú vị về nguồn gốc ra đời của lễ đèn lồng trong đêm rằm đầu tiên của năm mới. Một số học giả cho rằng, lễ hội này bắt nguồn từ truyền thống dùng lửa để xua đuổi xui xẻo và kỷ niệm ngày lễ hội đầu xuân của người dân.
Phương Vy (t/h)