Trải nghiệm với người Mông, với tấm lòng và sự nhiệt tình của mình, các luật sư đã lấy lại được “cái lý H’mông” cho thân chủ, nhưng lẩn khuất phía sau đó vẫn là câu chuyện dài về cái lý, cái tình của những người dân tộc vùng cao.
Cán bộ văn hóa bắn chết nghi phạm
Theo lời kể của luật sư Nguyễn Thế Truyền- giám đốc công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh, câu chuyện một người Mông ở bản Vua, xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) 15 năm đi tìm công lý là vụ án để lại trong anh nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Luật sư Truyền vẫn nhớ như in hành trình quay lại hiện trường vụ án và nỗi lòng của vị thân chủ đặc biệt. Luật sư Truyền “tường thuật” lại vụ án mà anh đã tham gia. Vụ án xảy ra cách đây 15 năm. Hôm đó, vào khoảng 8h tối ngày 14/1/1993 âm lịch, khi mà mọi người còn đang tận hưởng những dư vị của ngày tết Nguyên đán còn sót lại, khi những cành hoa mận, hoa đào vùng núi Tây Bắc còn chưa kịp khoe hết hương sắc của núi rừng, ngoài trời đêm thời tiết giá rét lạnh buốt, có hai người trong đội văn hóa xã phụ trách công tác nhổ, phá cây thuốc phiện, đã theo chỉ thị của ông Giàng A Páo - Chủ tịch xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa tỉnh Điện Biên truy tìm kẻ bị tình nghi trộm một con trâu của bản. Nghi phạm là Giàng A Bua đang xuất hiện tại nhà Giàng A Kỷ.
Hai cán bộ lúc đó là Giàng A.D. và A.P. Khi hai cán bộ bước vào nhà thì Giàng A Bua vẫn đang ngồi bên bếp lửa cùng với bố, chú của Giàng A Kỷ và nhiều người khác trong gia đình A Kỷ. Giàng A.D. và A.P. đã lao vào áp sát ngay Giàng A Bua và A.D. quát Giàng A Bua: “Mày đi với tao về ủy ban để điều tra việc mất trâu”. Giàng A Bua vẫn ngồi im ở ghế cạnh bếp lửa. Lúc này, A.P. cán bộ đi cùng chạy lại chỗ bàn thờ nhà Giàng A Kỷ giành lấy hai khẩu súng kíp đang để cùng đống đồ nghề dụng cụ sản xuất mà theo phong tục của người H’mông mỗi khi tết đến đều được lau chùi sạch sẽ, đưa vào thờ cúng trong những ngày đầu năm với mục đích, năm sau sản xuất tăng gia tốt hơn năm trước.
Khi đã cầm trên tay hai khẩu súng kíp, A.P. đưa cho Giàng A.D. một khẩu, còn bản thân cầm một khẩu chĩa thẳng vào lưng Giàng A Bua. Lúc này Giàng A.D. nói A Bua: “Mày mà chạy là tao bắn chết”. A Bua sợ quá đứng bật dậy chạy ra phía cửa trước. Giàng A.D. đứng gần cửa nhất đã giương súng kíp lên nhằm thẳng vào lưng của A Bua và bóp cò, A Bua gục ngay tại chỗ trước cửa nhà Giàng A Kỷ. Lúc này, mọi người trong nhà Giàng A Kỷ đều rất sợ hãi, không ai dám lên tiếng.
Giàng A.D. còn dọa bố của Giàng A Kỷ: “Nó là tội phạm, ông chứa chấp nó, ông cũng phạm tội”. Bố A Kỷ sợ quá không nói được một lời nào. Sau đó, chính Giàng A.D. yêu cầu gia đình Giàng A Kỷ lấy một bộ quần áo người H’mông thay cho A Bua và ra lệnh cho gia đình Giàng A Kỷ gọi thêm người làm cáng để khiêng Giàng A Bua đi trạm y tế cách đó 15km ở xã Xá Nhè.
Khi 4 người trong họ hàng nhà A Kỷ đã làm cáng khiêng A Bua đi rồi, Giàng A.D. còn yêu cầu gia đình nhà A Kỷ làm một mâm cơm để các cán bộ đã làm việc ăn uống tại nhà A Kỷ đêm hôm đó.
Con đường từ xã Tủa Thàng đến xã Xá Nhè khoảng chừng 15km. Thời điểm đó, toàn bộ là đường rừng, chỉ đi bộ hoặc ngựa thồ mà chưa có đường lớn để ô tô hay xe ngựa loại có bánh xe đi được. Nhóm người trong gia đình A Kỷ đã đưa được Giàng A Bua đến trạm xá của xã Xá Nhè nhưng do khoảng cách bị bắn quá gần, toàn bộ số đạn ghém chì đã găm hết vào phần lưng và hông của Giàng A Bua. Máu mất nhiều (do vết thương rộng, cộng với bị chất độc của chì phá huỷ), thời gian di chuyển quá lâu cộng với điều kiện khó khăn của một trạm xá xã vùng cao heo hút như xã Xá Nhè và Tủa Thàng, “thần chết đã nhẹ nhàng” cướp đi sinh mạng của Giàng A Bua.
Ngay sau khi có án mạng xảy ra, phía gia đình của Giàng A Bua đã có đơn khiếu nại, yêu cầu các cấp chính quyền và cơ quan điều tra vào cuộc, nhằm bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi người dân. Lúc này, phía chính quyền sở tại được sự chỉ đạo của công an huyện Tủa Chùa đã có những động thái cụ thể như: Tiến hành gặp người nhà gia đình nạn nhân để thỏa thuận bồi thường. Lúc đó, Bí thư xã Tủa Thàng đã cùng Giàng A.D. đến gặp Giàng A Sử là em trai của Giàng A Bua để thỏa thuận việc bồi thường cho gia đình nạn nhân.
Kể đến đây, luật sư Truyền thở dài: “Tất nhiên, việc thỏa thuận bồi thường giữa Giàng A.D. với em trai Giàng A Bua đạt kết qủa”. Gia đình nạn nhân đã nhận 3 triệu đồng và có văn bản cam kết, gia đình phía Giàng A Bua không khiếu kiện gì nữa. Phía công an huyện Tủa Chùa lúc đó cho rằng việc Giàng A.D. thi hành công vụ đã vô ý làm chết người và phía gia đình nạn nhân đã có đơn bãi nại cùng với cam kết hòa giải không khiếu kiện gì nữa làm cơ sở pháp lý để cơ quan công an huyện Tủa Chùa không khởi tố bị can đối với Giàng A.D. và khởi tố vụ án vô ý giết người trong khi thi hành công vụ”.
Việc này, có một câu hỏi lớn được đặt ra cho cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể là cơ quan điều tra công an huyện Tủa Chùa. Giàng A.D. tại thời điểm đó là cán bộ văn hóa xã, thành viên của đội nhổ, phá cây thuốc phiện tại các xã vùng cao có trồng cây thuốc phiện. Giàng A.D. được phân công đi truy bắt đối tượng tình nghi trộm cắp trâu bò trong xã là Giàng A Bua và không được cấp chỉ huy phát súng cho sử dụng. Giàng A.D. gặp đối tượng Giàng A Bua tại gia đình A Kỷ, Giàng A Bua không có hành vi phản kháng, không có vũ khí để chống cự.
Cũng theo luật sư Truyền, em trai Giàng A Bua đã nhận tiền bồi thường mà không hề thông qua ý kiến của vợ Giàng A Bua là sai. Trong trường hợp này, người trực tiếp có đầy đủ thực quyền để tiến hành thương lượng, thỏa thuận việc bồi thường, giải quyết vụ án phải là vợ Giàng A Bua (hàng thừa kế thứ nhất). Và, quan trọng hơn nữa, sau này, chính bản thân người đã tham gia tiến hành thỏa thuận, hòa giải là em trai Giàng A Bua lại không giao lại số tiền 3 triệu đồng trên cho vợ Giàng A Bua, dù chỉ là một đồng. Như vậy, em trai Giàng A Bua đã chiếm đoạt phần tài sản thừa kế của vợ anh trai làm của riêng mình mà đáng ra người thừa kế duy nhất là vợ A Bua.
15 năm cùng trời cuối đất đòi “cái lý H’mông”
Trở lại câu chuyện A Kỷ, người đã viết đơn kêu cứu khắp nơi cho gia đình suốt 15 năm. Khi vụ việc xảy ra, A Kỷ lúc đó mới 12 tuổi, đang theo học lớp 3 xóa mù chữ của huyện. Chính vì được đi học mà con người này đã không hề mệt mỏi suốt 15 năm theo khiếu kiện từ huyện lên tỉnh không biết bao nhiêu lần. Giàng A Kỷ còn lặn lội về tận Hà Nội đến các cơ quan tiếp dân của Chính phủ, đoàn Luật sư Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước với một danh sách các cơ quan tại Hà Nội, kín trang A4 chỉ nhằm một mục đích duy nhất là đòi bồi thường danh dự, chi phí, phí tổn do việc giết người của Giàng A.D. đã gây ra cho gia đình Giàng A Kỷ.
Khi ấy, lý giải cho những khoản đòi bồi thường nêu trên, A Kỷ bảo rằng, hai khẩu súng kíp là vật dụng sử dụng hàng ngày của người H’mông trên vùng cao phục vụ cho việc săn bắn và bảo vệ nương rẫy. Theo tục lệ của người H’mông, trong ngày Tết, những vật được thờ cúng ở nơi trang trọng nhất trong gia đình là tất cả các vật dùng hàng ngày như cuốc, liềm, dao, cày bừa và súng kíp. Việc hai khẩu súng kíp bị Giàng A.D. lấy trong lúc đang được thờ cúng là một điều kiêng kỵ của người H’mông mà khẩu súng đó đã được sử dụng để giết người thì người H’mông không bao giờ chấp nhận. Đó là lý do, suốt 15 năm ròng, chàng trai Mông đã đi đòi “một bữa cơm” để cúng Giàng, tạ lỗi với thần linh.
Vị thân chủ đặc biệt
Luật sư Truyền chia sẻ, trong gần 20 năm sống ở vùng núi Tây Bắc, anh đã hàng ngày tiếp xúc với rất nhiều người dân tộc thiểu số như Thái, Tày, Nùng, Dao và H’mông, anh nhận thấy người H’mông hiền lành, chân chất và cách sống sòng phẳng nhất. Với anh, Giày A Kỷ là một thân chủ đặc biệt, là người kiên trì nhất trong những người H’mông anh đã gặp.
Luật sư Truyền nhớ lại: “Chúng tôi đã có buổi làm việc khá chân tình, cởi mở với thanh tra Công an tỉnh Điện Biên về nội dung vụ việc trước đó. Các anh đều biết khá rõ vụ việc và đã nhiều lần trả lời khiếu nại của Giàng A Kỷ. Khi chúng tôi đưa ra đề nghị có một buổi làm việc thì phía thanh tra công an tỉnh đã có thái độ rất cầu thị, không vì vụ việc đã được giải quyết bằng các công văn chỉ thị mà từ chối tiếp như cách các cơ quan công quyền khác thường làm.
Đang nói chuyện, luật sư Truyền quay sang phía phóng viên đặt câu hỏi: “Vậy, chúng tôi lên đó để làm gì khi vụ việc đã xảy ra cách đây 15 năm? Khi đã có câu trả lời, các quyết định của cơ quan có thẩm quyền về vụ việc trên? Chúng tôi sẽ làm được gì để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho thân chủ?”. PV chưa kịp phản ứng, luật sư Truyền tiếp lời: “Có lẽ khoan hãy nói về việc của luật sư, vì không có căn cứ, cùng với niềm tim nội tâm thì cũng chả bao giờ chúng tôi dám nhận vụ việc dù là miễn phí giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số, hạn chế hiểu biết, đói khổ về vật chất và nghèo nàn về tinh thần thì cũng phải làm cho tới cùng, đảm bảo sự thật khách quan được công nhận, công lý được thực thi và quyền, lợi ích hợp pháp của người dân được bảo đảm. Cái mà tôi muốn nhắc đến là cái lý, cái tình của người dân tộc vùng cao”.
Kẻ giết người đã làm chủ tịch xã
Kể về chuyện quay lại hiện trường vụ án sau 15 năm, luật sư Truyền vẫn không thể nào quên sự khó khăn, vất vả khi “tác nghiệp” như nhà báo nơi vùng cao. Con đường dẫn vào xã vắt qua núi, chỉ là đường mòn, chỗ rộng nhất khoảng 50cm còn chỗ bé nhất thì đặt vừa năm đầu ngón chân. Trời mưa nhẹ hạt, đường đi thì dựng đứng chân người bước phải chọn đúng chỗ lỗ chân trâu, đá tai mèo nhọn hoắt chĩa thẳng lên trời.
“Sau 3 giờ vừa leo vừa nghỉ cả đi lẫn về thì chúng tôi cũng hoàn thành việc tham quan hiện trường. Dù đã được sự giúp đỡ tận tình của ông chú họ của A Kỷ, cùng với toàn bộ khả năng cẩn thận vốn có của mình, tôi cũng “vồ ếch” vài lần, may mà bám kịp vào cành cây mà không bị lăn lông lốc. Tôi chỉ bị thương nhẹ chút ít nhưng toàn thân đau ê ẩm”, luật sư Truyền nhớ lại.
Là một xã vùng giáp biên với 99% là người dân tộc H’mông, cơ sở vật chất của UBND xã Tủa Thàng cũng như bao nhiêu xã khác trong cùng điều kiện. Một dãy nhà xây cấp 4 trên khoảng đất rộng, cũng có tường rào, cột cờ đầy đủ. Đi cùng chúng tôi, ngoài Giàng A Kỷ còn có bố của A Kỷ và vợ của Giàng A Bua. Sau khi đưa giấy giới thiệu cho một anh là công an viên và ngồi chờ trong phòng Chủ tịch xã, khoảng 30 phút sau thì Chủ tịch xã từ phòng bên cạnh sang. “Chúng tôi quá sững sờ khi được giới thiệu Chủ tịch xã là Giàng A.D.”, luật sư Truyền nói.
“Ngay khi vừa bước vào phòng, Giàng A.D. đã liến thoắng nói một tràng tiếng H’Mông. Theo “phiên dịch viên” của chúng tôi thì Giàng A.D. bảo rằng: “Mọi việc đã được giải quyết rồi, đã viết giấy không khiếu nại gì nữa rồi, sao còn kiện cáo mãi thế?”.
Khi luật sư Truyền đặt câu hỏi: “Anh là Giàng A.D.? Chủ tịch xã Tủa Thàng này à? Lúc này Chủ tịch xã Giàng A.D. đi vào đằng sau tủ gỗ để tài liệu của mình có chiếc giường cá nhân và ngồi luôn trong đó không chịu ra, cũng không trả lời câu hỏi của luật sư. Luật sư Truyền phải theo vào và hỏi: “Anh có làm việc với chúng tôi không?” thì Giàng A D. gặng hỏi lại: “Các anh do công an tỉnh giới thiệu xuống à?”. Luật sư Truyền đáp: “Tôi nói ở dưới Hà Nội- đoàn Luật sư thành phố Hà Nội lên đây, tôi đã làm việc với công an tỉnh, chắc anh biết chúng tôi xuống đây vì việc gì rồi, vậy bây giờ anh có làm việc không?”. Khi ấy, Giàng A.D. ngập ngừng: “Nếu Công an tỉnh bảo xuống thì tôi làm việc còn không thì thôi!”.
Nói đến đây, A.D. quay sang nói tiếng H’mông với A Kỷ và nhận được sự phản kháng quyết liệt từ A Kỷ. A Kỷ bảo rằng: “Mày phải bồi thường vì mày đã làm những điều sai trái”.
“Chen ngang cuộc “đấu khẩu” của Chủ tịch Giàng A.D. và A Kỷ, chúng tôi từ tốn giải thích và Giàng A.D. đã chấp thuận bồi thường A Kỷ. Số tiền được yêu cầu trả nợ cũng chẳng đáng là bao nhiêu nhưng nó không chỉ là danh dự của người Mông, mà còn là sự nhẫn nại đến lạ kỳ của họ trước một sự việc, cạnh đó là sự tôn trọng của họ đối với khách”, luật sư Truyền bộc bạch.
Các bên muốn được tự thỏa thuận với nhau và việc thỏa thuận cũng rất căng thẳng kéo dài đến gần một giờ chiều mới đi đến được thống nhất. Giàng A.D. sẽ bồi thường cho gia đình nhà A Kỷ tổng số tiền là 3,5 triệu đồng và A Kỷ cũng đồng ý sau khi bàn bạc với bố và vợ của Giàng A Bua với điều kiện “phải thanh toán ngay”.
Dưới trời mưa tầm tã, dáng điệu hấp tấp, quần xắn móng lợn…, Giàng A.D. cầm ô chạy ra cửa hàng tạp hóa của cặp vợ chồng quê Thái Bình để vay tiền, có lẽ là hình ảnh chiến thắng mà Giàng A Kỷ và gia đình đã phải 15 năm trông đợi.
Chiều hôm đó, khi về nhà của Giàng A Kỷ, luật sư Truyền và đồng nghiệp được vị thân chủ đặc biệt tiếp đãi rất thịnh soạn, bằng một bữa mèn mén. Họ hăm hở ăn thử. Chẹp! Cho vào mồm thấy nó khô, cứng, nhai lạo xạo, bột bột đầy mồm. Bữa tiệc thịnh soạn ấy khiến luật sư không bao giờ quên.
Khi về đến thành phố Điện Biên, luật sư Truyền gặp lại một cán bộ Thanh tra công an tỉnh đã giúp đỡ anh và đồng nghiệp tiếp cận được hiện trường vụ án. Vị cán bộ này chân tình nói: “Các anh đi rồi, xong việc rồi, chắc hiểu rõ địa phương hơn. Gần như 100% là người H’mông, trình độ cao nhất là Giàng A Kỷ ở cái xã này đấy. Bản thân Chủ tịch xã Giàng A.D. cũng chỉ học hết lớp 3, lấy đâu ra người làm, nếu chúng tôi cứ xử lý nghiêm theo pháp luật?”.
Ngân Giang