Người dân Moldova hôm 20/10 đã đi bỏ phiếu bầu nhà lãnh đạo tiếp theo cho quốc gia nhỏ bé nằm ở Đông Âu.
Cuộc bầu cử, quyết định liệu đương kim Tổng thống "thân EU" Maia Sandu có được bầu lại hay không, diễn ra đồng thời với cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý để xem tham vọng gia nhập EU của Moldova có được đưa vào hiến pháp hay không.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Moldova, bà Sandu phải đối mặt với 10 ứng cử viên, trong đó chính trị gia "thân Nga" Alexandr Stoianoglo của Đảng Xã hội Moldova và cựu Thị trưởng theo chủ nghĩa dân túy Renato Usatii dẫn đầu.
Đây là cuộc bầu cử Tổng thống trực tiếp thứ 3 của nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ nghèo nàn này, trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với tình trạng phân cực trong nước và cuộc xung đột đang diễn ra ở quốc gia láng giềng Ukraine.
Cuộc trưng cầu dân ý do bà Sandu đề xuất, hỏi công dân Moldova trong và ngoài nước rằng liệu họ có "ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp nhằm mục đích đưa Cộng hòa Moldova gia nhập Liên minh châu Âu" hay không.
Hai cuộc bỏ phiếu có thể cung cấp những bài học giá trị cho các đồng minh của bà Sandu và phe đối lập trước thềm cuộc bầu cử quốc hội vào mùa hè năm sau, và cũng là "cuộc trưng cầu dân ý" về 4 năm cầm quyền của Đảng Hành động và Đoàn kết (PAS) mà bà Sandu thành lập cách đây 8 năm.
Tổng thống Moldova nắm giữ quyền lực trực tiếp hạn chế, nhưng bà Sandu đã chuyển thông điệp ủng hộ phương Tây và đòn bẩy của mình thông qua Đảng PAS cầm quyền thành các cải cách cần thiết để giành được tư cách ứng cử viên EU cho nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Một trong những động thái tham vọng nhất của Tổng thống Moldova là xóa bỏ sự phụ thuộc của Chisinau vào khí đốt Nga kể từ khi xung đột quân sự bùng phát ở Ukraine, nhưng điều đó đã góp phần gây ra lạm phát và khó khăn kinh tế khác cho nhiều người trong số 2,4 triệu cư dân Moldova.
Cuộc thăm dò gần đây cho thấy bà Sandu đạt 30-35% sự ủng hộ, vượt xa con số 9% mà cựu Tổng công tố Stoianoglo đạt được, và 6% của cựu Thị trưởng Usatii, người cho biết ông muốn có sự cân bằng hơn giữa phương Đông và phương Tây trong chính sách đối ngoại.
Nếu không có ứng cử viên nào nhận được hơn 50% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử ngày 20/10, vòng bỏ phiếu thứ hai sẽ được tổ chức vào ngày 3/11 giữa 2 ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất.
Những tuần gần đây đã chứng kiến một loạt động thái ngoại giao rõ ràng cho mục tiêu ủng hộ EU tại Moldova, nổi bật là thông báo của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen về khoản đầu tư gần 2 tỷ USD của EU để giúp tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế nước này trong một thập kỷ.
"Tôi khuyến khích người dân Moldova sử dụng lá phiếu bày tỏ sự lựa chọn tự do của mình… Tất nhiên, với tư cách chủ tịch Ủy ban châu Âu, tôi tin rằng vị trí của Moldova nằm trong Liên minh châu Âu của chúng tôi", bà Von der Leyen nói với các phóng viên tại Chisinau hôm 10/10 khi đề cập đến cuộc trưng cầu dân ý.
Tuần trước, ông Denis Cenusa, một nhà phân tích của Expert-Grup tại Đại học Giessen, cho biết tại một sự kiện của Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA) rằng cuộc trưng cầu dân ý có thể là một nỗ lực để Chisinau chấm dứt nhiều năm "dao động giữa hai hướng", trong đó một hướng là về hội nhập sâu rộng hơn vào EU và hướng còn lại gần như chắc chắn sẽ dẫn đến mối quan hệ chặt chẽ hơn với Moscow.
Ít nhất 1,1 triệu cử tri Moldova phải tham gia cuộc trưng cầu dân ý để cuộc trưng cầu dân ý có hiệu lực.
Một phiếu "không" trong cuộc trưng cầu dân ý sẽ không loại trừ tư cách thành viên EU của Moldova trong tương lai, nhưng nó sẽ giáng một đòn nghiêm trọng vào bà Sandu và các đồng minh ủng hộ EU của bà và gần như chắc chắn sẽ ngăn chặn các nỗ lực gia nhập trong nhiều năm tới.
Kết quả chính thức của các cuộc bỏ phiếu dự kiến sẽ được công bố vào đầu ngày 21/10.
Minh Đức (Theo RFE/RL)