Còn Mỹ, dù ở thời điểm nào, cũng coi đe dọa của Triều Tiên là nghiêm trọng. Cuối tuần trước, 3 máy bay ném bom B-2 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đã cất cánh từ Missouri tới tham gia tập trận với Hàn Quốc. Đây không phải chỉ là lời cảnh báo đối với ông Kim. Tướng Martin Dempsey, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân, thừa nhận rằng các cuộc tập trận của ông “chủ yếu là đảm bảo với các đồng minh của chúng tôi rằng họ có thể dựa vào chúng tôi”. Nói cách khác, Mỹ không chỉ lo ngại về Triều Tiên. Họ lo ngại về phản ứng của các nước láng giềng và cuộc chạy đua vũ trang ồ ạt đang diễn ra ở phương Đông.
Vai trò của Mỹ với tư cách là “cảnh sát” châu Á, được thiết lập kể từ Thế chiến 2, dường như đang bị lung lay. Từ Nhật cho đến Philippines, những vết thương cũ đang tấy lại. Trong khi đó, các đối thủ đang chơi trò “Nếu như” đầy nguy hiểm. Nếu Trung Quốc trở hành cường quốc hàng đầu khu vực, họ có bắt đầu chĩa vũ khí hạt nhân của mình vào các mục tiêu cụ thể? Nếu Nhật Bản quay trở lại chủ nghĩa quân phiệt cũ của mình? Và nếu một nước Mỹ đang nợ nần chồng chất, mệt mỏi vì chiến tranh, quyết định không còn thời gian và năng lượng đối phó với ông Kim? Sau suốt 5 thập niên phát triển trong hòa bình, châu Á có vẻ như đang xoay bánh lái về một cuộc xung đột.
Và một cột mốc đã được vượt qua trong năm nay: Chi tiêu quân sự châu Á hiện đã lớn hơn của châu Âu. Không chỉ là các nước NATO ở châu  mà là toàn lục địa này. Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), cơ quan theo dõi sát vấn đề này, cho hay “gia tăng cho chi tiêu ở châu Á rất lớn, trong khi chính sách thắt lưng buộc bụng quốc phòng của các quốc gia châu Âu siết chặt đến nỗi, bình địa sức mạnh quân sự đang chuyển gần nhanh bằng tài chính. Hầu hết của cải của thế giới hiện đang được tạo ra ở phương Đông và kho vũ khí quân sự thế giới hiện có thể đang chảy theo. Những nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong 5 năm qua nằm ở châu Á: gồm Ấn Độ,Trung Quốc, Pakistan, Hàn Quốc và Singapore.
Trung Quốc cứ 5 năm lại tăng gấp đôi chi tiêu quân sự một lần. Khi giới tư sản giàu mới nổi của Bắc Kinh tỏa ra khắp thế giới để mua đồng hồ, túi xách, thì quân đội Trung Quốc lại tự ‘đãi mình” bằng chiếc tàu sân bay đầu tiên. Trên thực tế, Trung Quốc sẽ trở thành nước mua vũ khí lớn nhất thế giới nếu họ không tự sản xuất rất nhiều vũ khí cho mình. Nhưng chính khả năng tự sản xuất của Trung Quốc mới khiến nhiều nước trong khu vực đứng ngồi không yên. Vũ khí được chuyển tới Malaysia tăng 8 lần trong nửa sau của thập niên. Singapore, quốc đảo bằng một nửa Shetland, đã trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ năm thế giới.
Không phải tất cả đều do ông Kim. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã buộc các nước láng giềng nhỏ hơn tái định hình lòng trung thành và tìm kiếm người bảo vệ, trong khi vẫn đảm bảo có đủ “bộ đồ chiến” để tự vệ, trong trường hợp cần thiết. Sau 4 thập niên phát triển kinh tế vượt bậc, các quốc gia châu Á hoàn toàn có khả năng mua nhiều hơn vài chiếc chiến đấu cơ lẻ tẻ. Và số tiền mới kiếm được của họ đã củng cố cho môi trường siêu cạnh tranh thường dễ lan từ kinh tế sang chính trị rồi quân sự. Điều này là đáng lo ngại bởi châu Á đã không cố gắng giải quyết các xung đột trong quá khứ như cách của châu Âu. Vết thương cũ vẫn rỉ máu và vẫn đang đóng góp vào việc thúc đẩy củng cố quyền lực ngày nay.
Một thời, ý tưởng Nhật tái phát hiện sở thích xung đột từng làm các nước láng giềng nhỏ hơn khiếp sợ. Giờ đây họ sợ chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh thậm chí còn thôi thúc hơn cả ông Abe. Thái độ bắt nạt các nước láng giềng của Trung Hoa đối với các tranh chấp lãnh thổ đã khiến Philippines, Việt Nam và Đài Loan kịch liệt phản đối và phải củng cố quân đội.
Ngoại trưởng Philippines gần đây cho biết ông “rất hoan nghênh” Nhật bỏ hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình, hiến pháp cấm sử dụng vũ khí trừ trường hợp tự vệ. “Chúng tôi đang tìm kiếm những nhân tố cân bằng trong khu vực”, ông cho hay. Dĩ nhiên, ông nói đến một cuộc chạy đua vũ khí.
Họ ngày càng thấy rõ một cuộc xung đột đang hình thành giữa các nước châu Á với nhau, chứ không phải là chống một kẻ thù phương Tây nào. Trong cuộc tấn công mạng quy mô gần đây nhằm vào các cơ quan truyền thông và ngân hàng Hàn Quốc, ngay lập tức người ta đã nghi ngờ thủ phạm là Triều Tiên hoặc Trung Quốc. Bắc Kinh không còn coi việc ủng hộ tự động cho Bình Nhưỡng nằm trong lợi ích chiến lược của mình mà đang nhìn sang người bạn mới thân Nga. Myanamar đang dần tách ra khỏi kiểm soát của Trung Quốc và đang nối lại hoạt động xuất khẩu gạo sang Nhật sau 45 năm. Rồi Nhật một lần nữa lại đang “ve vãn” Mông Cổ.
Dĩ nhiên, không ai (trừ ông Kim) đang thực sự chuẩn bị cho một cuộc chiến tổng lực, bởi hầu hết các quốc gia châu Á còn đang bận kiếm tiền. Nhưng có thể dễ thấy vì sao Mỹ bất an. Một nhóm nước vẫn còn “ôm hận cũ” và được trang bị tận răng có thể dễ trượt chân vào một cuộc xung đột thật sự. Như IISS nhận định, có “nguy cơ hiện hữu về một cuộc xung đột và leo thang bất ngờ”.
Thái độ ngày một bất kham của các nước phương Đông cho thấy họ đang tiến bước để hình thành những liên minh mới, nếu cần phải vậy. Ở trong một khu vực bạo về tiền, ngày càng có cảm giác Mỹ không còn được đáng tin như một người anh cả như đã từng thấy. Ấn Độ đã thẳng thừng từ chối đề nghị về một thỏa thuận an ninh 3 bên với Mỹ và Nhật.
Song cũng có cách hiểu khác: các cuộc chạy đua vũ khí là nhằm đảm bảo hòa bình hơn là gây chiến. Chiến tranh Lạnh và cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân kéo theo sau đó đã kết thúc mà không có nút đỏ nào được nhấn. Những gì được xem là củng cố quân sự có thể được xem là nhằm thuyết phục những người như ông Kim bình tĩnh. Cũng có khả năng 50 năm tới sẽ bình yên hơn 50 năm qua. Nhưng chúng ta phải nhìn về phương Đông, thay vì phương Tây, để tìm câu trả lời.
Theo Vũ Quý/Dân trí