Đặc biệt lưu ý đến những thành viên Biệt động Sài Gòn. Trong vô vàn “mưu sâu kế hiểm”, những cố vấn Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) cùng mật thám ngụy đã cho ra đời chiến dịch “Phượng hoàng thiên nga”.
Dùng gái đẹp làm “mồi nhử”
Chiến dịch mang Phượng hoàng triển khai rầm rộ vào giai đoạn từ năm 1968 - 1975. Mục đích của chiến dịch này nhằm dùng mọi thủ đoạn để vô hiệu hoá chiến sĩ cách mạng, người thân của các chiến sĩ.
Ông Phan Văn Hôm (tự Bảy Hôm), chiến sĩ Đội 5 Biệt động Sài Gòn cho biết anh em bộ đội thường gọi chiến dịch trên với cái tên mỹ miều là chiến dịch “Phượng hoàng thiên nga”. Lý do bởi địch chủ yếu sử dụng dàn mỹ nhân người Việt để thâm nhập, quyến rũ, qua đó chiêu hồi những người nhẹ dạ cả tin, hoặc vì hám lợi mà sa bẫy.
Cựu chiến sĩ Biệt động Sài Gòn Bảy Hôm kể về chiến dịch thâm độc “Phượng hoàng thiên nga”. |
Ông Bảy Hôm nhớ lại, ở chiến khu, có lần giặc dùng máy bay trực thăng chở quân đổ bộ đón đầu. Lần đầu tiên trong đời, các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đối mặt với một tình huống “trớ trêu”: Đội quân toàn những "nữ quái". Trơ trẽn hơn, những con “phượng hoàng, thiên nga” tự lột bỏ hết quần áo để khiêu khích, khơi gợi dục vọng.
Thay vì bóp cò súng, các chiến sỹ bẻ cành cây làm roi, quất tới tấp vào người “lũ mất nết”. Đám "nữ quái" kêu oai oái, bỏ chạy tán loạn.
Còn với những người đã bị bắt, địch sử dụng “đội quân chân dài” tiếp cận, lả lơi dùng tình cảm mua chuộc, cộng với vô vàn lời hứa hẹn như từ bỏ cách mạng sẽ có nhà cao cửa rộng để ở, có vợ đẹp hầu hạ.
Sự thâm độc của chiến dịch “phượng hoàng thiên nga” còn thể hiện qua chiêu thức chúng điều tra lý lịch từng người, cử người về tận quê gốc, tiếp cận thân nhân những người bị tình nghi tham gia hoạt động cách mạng, gây sức ép, đe dọa đủ điều…
Lòng kiên trinh với cách mạng của vợ con Biệt động Sài Gòn
Chiến dịch này còn nhắm đến các nữ chiến sĩ biệt động, vợ con của lính Biệt động Sài Gòn. Tương tự chiêu thức “mỹ nhân kế”, những tên Việt gian được giao nhiệm vụ tiếp cận, gạ gẫm thân nhân các chiến sĩ. Chúng rêu rao khắp nơi, châm biếm rằng: “Muốn sang thì lấy cảnh sát, muốn làng nhàng thì lấy nhảy dù, muốn ở tù lấy chồng Việt cộng”.
Chúng cũng không tiếc lời “bêu xấu” các chiến sĩ rằng gầy ốm tong teo, lấy vợ sinh con rồi lại phó mặc tất cả cho vợ để đi biền biệt.
Hai người con của Anh hùng Liệt sĩ Lê Tấn Quốc. |
Chị Lê Thị Liên, con gái Anh hùng Liệt sĩ Lê Tấn Quốc nhớ lại, sau khi cha hy sinh trong trận đánh Dinh Độc Lập, mẹ cũng là một nữ biệt động bị bắt, một nhóm cảnh sát Nguỵ về đóng chốt ngay trong nhà chị. Mục đích của chúng nhằm dụ dỗ những người con trong nhà từ bỏ con đường cha mẹ mình đã chọn.
Cứ thế suốt mấy năm ròng, chị Liên co mình sống giữa bao lời trêu ghẹo, quấy rối. “Chúng hứa sẽ đưa em trai tôi sang Mỹ học, rồi sau này có cuộc sống ấm no chứ không khổ cực như đi theo cộng sản. Sợ quá, tôi phải gửi em về dưới miền Tây nhờ bà con nuôi nấng”, chị Liên kể lại.
Để thoát khỏi đám cảnh sát Ngụy “ăn vạ” trong nhà, thiếu nữ luôn tìm cách tránh mặt, hạn chế tiếp xúc. Ban đêm chị dẫn em trai ra nghĩa địa gần nhà ngủ chứ không ngủ chung nhà với đám lính luôn chầu chực hau háu.
Đang tuổi dậy thì, muốn không bị mấy tên cảnh sát dòm ngó, thiếu nữ phải dùng nhọ nồi bôi khắp mặt mũi, tóc xõa rối bời. Thiếu nữ còn dùng dây vải bó sát ngực, ăn mặc luộm thuộm, cố tạo cho mình bộ dạng dơ bẩn, xấu xí.
Anh Lê Thanh Tòng, em trai chị Liên nhớ lại, hồi đó chỉ mới 12 tuổi nhưng ngày ngày cậu bé đã biết giấu con dao thái chuối vào người, đến công ty dệt đón chị gái lúc tan ca.
Phân tích tính thâm độc của chiến dịch “Phượng hoàng thiên nga”, các cựu chiến binh cho hay, địch dùng mọi cách, thậm chí cả dụ dỗ xác thịt để lôi kéo vợ, chồng hoặc con của những gia đình cách mạng.
Trường hợp nào mua chuộc không thành, chúng sẵn sàng thủ tiêu. Khi các nữ biệt động bị bắt, chúng cho lính Ngụy vào hỏi cung rồi giở trò đồi bại như hôn môi, sờ soạng khắp mình mẩy.
Tương tự, với nam biệt động, địch cho những nữ quái trẻ đẹp đến lân la buông lời đường mật dụ dỗ, rồi rình mò chụp hình. Giặc sử dụng những hình ảnh nhạy cảm này gửi về gia đình, làm lung lay ý chí của người nhà, từ đó chia rẽ nội bộ từng gia đình chiến sĩ, rồi ép người “tay lỡ dính chàm” phải làm nội gián cho chúng.
Cuộc chạy trốn khỏi “phượng hoàng thiên nga”
Như đã kể, từ khi cha hy sinh, mẹ đi tù, những đứa con của Anh hùng Liệt sĩ Lê Tấn Quốc phải gồng mình nương tựa vào xóm giềng vượt qua mọi cạm bẫy kẻ địch giăng.
Năm 1973, vợ của liệt sĩ được tự do trong một đợt trao trả tù binh. Nhưng bà không thể trở về miền Nam ngay mà ra Bắc. Mãi đến những ngày cuối năm 1974, bà mới theo con đường bí mật, về Nam tìm hai con.
Thời gian trước đó, người con gái kiên quyết không rời xa ngôi nhà có hồ rau muống gắn liền với tên tuổi của cha. Trước lúc ra trận, người mẹ đã tính tới phương án gia đình ly tán, căn dặn con gái trường hợp nào cũng phải ở lại căn nhà cũ, đợi mẹ về đón.
Chị Liên nhớ rõ, ngày nọ có người phụ nữ trung niên lặng lẽ bước vào nhà, đưa tấm hình có mặt chị, nói khẽ là do má chị cử đến. Thiếu nữ một mặt nhờ người nhắn tin họ hàng dưới Kiên Giang đưa em trai lên Vĩnh Long chờ sẵn, mặt khác vờ bàn bạc chuyện mua bán rau muống, hai người lấy chợ làm điểm hẹn thường xuyên.
Vài ngày sau, lừa lúc toán cảnh sát mất cảnh giác, thiếu nữ chạy ra bến xe Chợ Lớn đón xe về Vĩnh Long. Tại đây hai con được của Anh hùng Liệt sĩ Lê Tấn Quốc được đưa thẳng vào chiến khu đoàn tụ với mẹ. Chị Liên khẽ lau nước mắt, xúc động cho biết đó là cuộc hội ngộ sau hơn 8 năm mẹ con xa cách. Hai chị em sống cùng mẹ trong chiến khu cho đến lúc Sài Gòn giải phóng mới trở lại ngôi nhà xưa.
TheoXa lộ pháp luật