Sáng 7/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp với các chuyên gia y tế trước diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19 sau khi xuất hiện ca nhiễm thứ 17 ở Việt Nam.
Như tin đã đưa, tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhiều lần nhấn mạnh rằng dù Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt tình hình, các ca bệnh đều đã được chữa khỏi, nhưng diễn biến dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Nếu coi phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là một cuộc chiến thì chúng ta mới chỉ chiến thắng chiến dịch mở màn, do đó không được mất cảnh giác, chủ quan, lơ là. Chúng ta đã xây dựng các kịch bản chi tiết, lường trước khả năng xuất hiện thêm những ca nhiễm bệnh mới để sẵn sàng triển khai các giải pháp ứng phó.
Thực tế đã diễn ra như dự đoán của Ban Chỉ đạo và các chuyên gia y tế, tối qua (6/3), Việt Nam đã xuất hiện ca nhiễm thứ 17, là một người đi du lịch từ châu Âu về nước.
Để ứng phó với diễn biến mới, tại cuộc họp, các chuyên gia y tế đã tiến hành phân tích, đánh giá tình hình ca bệnh số 17. Nơi ở, nơi lưu trú, hành trình di chuyển của bệnh nhân, xác định những người tiếp xúc và khả năng lây nhiễm để tiến hành điều tra dịch tễ, rà soát các trường hợp nghi ngờ để thực hiện các giải pháp y tế theo quy định.
Nhận định đây là trường hợp người bệnh đầu tiên xuất hiện trong đô thị, do đó các chuyên gia đã phân tích chi tiết nhật ký trình di chuyển, tiếp xúc của người bệnh để xác định khu vực cần khoanh vùng tổ chức cách ly y tế, bởi nếu “khoanh vùng hẹp quá không an toàn, còn rộng quá lại không an dân”.
Đây là ca lây nhiễm hẹp, đến thời điểm hiện tại, các trường hợp nghi ngờ đã được cách ly y tế, khu vực sinh sống của bệnh nhân cũng đã được khoanh vùng và kiểm soát, giám sát chặt chẽ nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.
Về cơ chế lây lan, PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định ca bệnh vừa xuất hiện ở Hà Nội đã nằm trong kịch bản, đây là trường hợp bệnh xâm nhập, đi từ nước ngoài về. Ngay khi xuất hiện ca bệnh, Hà Nội đã rà soát, xác định các trường hợp tiếp xúc để tổ chức cách ly y tế theo quy định. Trường hợp này giống như đã xảy ra ở xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc nên chúng ta đã có kinh nghiệm ứng phó. Kiểm soát được những người tiếp xúc, chúng ta sẽ ngăn chặn được không để lây nhiễm rộng ra cộng đồng.
Cũng theo ông Trần Đắc Phu, người bệnh đi này máy bay về nước, khả năng lây lan trên máy bay hạn chế hơn so với lây nhiễm trong phòng kín hay tiếp xúc gần ở ngoài trời. “Tổ chức Y tế thế giới cũng đã khuyến cáo trong trường hợp có ca nhiễm trên máy bay chỉ cách ly y tế đặc biệt đối với người ngồi ở hàng ghế trước và hàng ghế sau”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Là người nghiên cứu lâu năm về virus, bà Lê Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, virus SARS-CoV-2 chỉ lây nhiễm khi bảo đảm 2 yếu tố. Thứ nhất, khả năng lây nhiễm chỉ xuất hiện khi nồng độ virus ở trong người bệnh lớn. Thứ hai là những người sức khoẻ yếu, nhiều bệnh nền thì dễ lây nhiễm hơn. Với người khoẻ mạnh có khả năng chống đỡ nên có tiếp xúc cũng chưa chắc đã mắc bệnh. Hiện ở Hà Nội, chúng ta cách ly chặt chẽ người bệnh và những người tiếp xúc nên đã kiểm soát được nguồn lây nhiễm.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Trên tinh thần chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng, Phó Thủ tướng và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chúng ta đã dự liệu tình huống xuất hiện ca bệnh mới lây nhiễm từ nước ngoài về và lên các giải pháp ứng phó. Tối qua (6/3), khi xuất hiện ca nhiễm này, vì đây là trường hợp đầu tiên, nên Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Hà Nội đã lập danh sách những người tiếp xúc để tổ chức cách ly ngăn chặn dịch bệnh theo quy định. Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ để thực hiện giám sát tại cộng đồng, khoanh vùng những trường hợp nghi ngờ, chuẩn bị các cơ sở vật chất để điều trị, tránh trường hợp tử vong vì bệnh dịch…
"Trên cơ sở làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội và kiểm tra khu vực cách ly, lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia y tế nhận định đến thời điểm hiện tại, mọi chuyện vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Người dân không nên hoang mang, lo lắng, thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế và cơ quan chức năng để chung tay ngăn chặn dịch bệnh”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Phát hiện ca nhiễm thứ 17
Trước đó, 21h30 ngày 6/3, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã thông báo kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19 đối với bệnh nhân N.H.N, 26 tuổi, đã đi thăm chị gái tại Anh và cùng chị gái qua Italy, Pháp du lịch và trở về Hà Nội 4h30 ngày 2/3 trên chuyến bay VN0054.
Bệnh nhân N.H.N làm quản lý khách sạn, có địa chỉ thường trú tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Bệnh nhân không khai báo y tế khi nhập cảnh từ châu Âu.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, bệnh nhân này xuất cảnh ngày 15/2 bay sang London (Anh), ngày 18/2 bay sang Milan (tỉnh Lombardy, Italy) du lịch. Tại thời điểm này, tại tỉnh Lombardy chưa ghi nhận dịch COVID-19 bùng phát. Ngày 20/2, bệnh nhân quay trở về Anh; ngày 25/2, bệnh nhân sang Paris, Pháp du lịch 1 ngày.
Ngày 29/2, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện ho, nhưng không đi khám. Đến ngày 1/3, bệnh nhân bị thêm đau mỏi người, không rõ sốt. Sau đó bệnh nhân lên máy bay trở về Việt Nam trên chuyến bay có số hiệu VN0054 của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 4h30 sáng ngày 2/3.
Do bệnh nhân lúc này không sốt, không khai báo tình trạng sức khỏe của mình nên đã được nhập cảnh. Bệnh nhân được lái xe riêng của gia đình đưa về nhà riêng tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình. Kể từ khi về nước, bệnh nhân biết mình bị bệnh nên đã chủ động tự cách ly tại phòng riêng, hạn chế tiếp xúc với người trong gia đình, không đi đâu ra khỏi nhà, chủ động đeo khẩu trang kể cả khi ở trong nhà.
Bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện sốt nhẹ ngày 2/3. Ngày 5/3 bệnh nhân xuất hiện sốt liên tục (38 độ C) kèm theo ho nhiều, có đờm, mệt mỏi. Bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện Hồng Ngọc cơ sở 55 Yên Ninh, Ba Đình, được chẩn đoán viêm phổi (phim chụp XQ có hình ảnh đám mờ ở đáy phổi phải). Do có tiền sử đi từ nước ngoài về, nên bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung để theo đõi điều trị.
Lúc 18h ngày 5/3, bệnh nhân nhập viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, đang được cách ly, theo dõi sức khỏe nghiêm ngặt tại phòng áp lực âm của bệnh viện.
Rà soát chặt chẽ, khoanh vùng dập dịch
Ngay sau khi ghi nhận thông tin về ca nghi nhiễm, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, Chủ tịch UBND quận Ba Đình và các lực lượng của ngành y tế và quận Ba Đình đã trực tiếp xuống khu vực nhà bệnh nhân để chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống dịch.
Cụ thể, Hà Nội đã tiến hành lập sơ đồ khoanh vùng khu vực có bệnh nhân, lập chốt tại 2 đầu khu phố Trúc Bạch, đóng cửa các hàng quán tại khu vực.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cử 3 đội đáp ứng nhanh phối hợp với đội đáp ứng nhanh của Trung tâm Y tế quận Ba Đình và các đơn vị liên quan tiến hành điều tra dịch tễ lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân và những người tiếp xúc với người tiếp xúc gần tại khu vực nhà bệnh nhân đang sinh sống; tại Bệnh viện Hồng Ngọc (55 Yên Ninh) nơi bệnh nhân đến khám ban đầu; tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cơ sở 2 và hồi cứu quá trình nhập cảnh tại sân bay Nội Bài của bệnh nhân.
Theo đó, đã làm rõ những thông tin sau: Chuyến bay VN0054 có tổng cộng 201 hành khách và 4 phi công và 12 tiếp viên. Hiện Vietnam Airlines đang phối hợp để rà soát, kiểm soát. Tại nhà riêng của bệnh nhân có 8 người tiếp xúc gần là bố và bác bệnh nhân, 5 người tạp vụ và 1 lái xe riêng. Hiện tại sức khỏe của những người này đều bình thường, không ai có biểu hiện sốt, ho.
Tại Bệnh viện Hồng Ngọc có 17 người tiếp xúc với bệnh nhân. Hiện tại sức khỏe của những người này đều bình thường, không ai có biểu hiện sốt, ho và đã được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.
Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức phun khử khuẩn bằng Cloramin B tại nhà bệnh nhân và khu vực lân cận, Bệnh viện Hồng Ngọc và nhà những người tiếp xúc gần.
Toàn bộ những người tiếp xúc gần đã được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để cách ly tập trung và lấy mẫu xét. Còn lại những người tiếp xúc gần với những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân được thống kê lập danh sách và yêu cầu thực hiện cách ly y tế tại nơi ở theo quy định.
Hà Nội cũng đề nghị Bộ Ngoại giao làm việc các cơ quan ngoại giao của Anh, Pháp để thông tin về lịch trình, nơi ở để họ có biện pháp kiểm soát.
Trần Mạnh-Đình Nam/Baochinhphu.vn