Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho hay, đài thiên văn tia X Chandra đã chụp được những hình ảnh cho thấy một đám mây khí khổng lồ được tạo ra khi một thiên hà lùn đâm vào thiên hà lớn hơn hình xoắn ốc, được đặt tên NGC 1232, theo Nature World News.
Đám mây khí tím bao phủ một phần thiên hà xoắn ốc NGC 1232 - Ảnh: NASA/ESO
Trong hình, đám mây khí ở dạng màu tím, trong khi màu xanh dương và trắng tạo ra thiên hà xoắn ốc.
Nếu được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên một vụ xung đột thiên hà được phát hiện bằng tia X, và từ đó các nhà khoa học biết thêm kinh nghiệm về hậu quả của các “trận chiến” như vậy.
Giới chuyên gia ước tính vụ đụng độ đã tạo ra các luồng sóng xung kích mang theo nhiệt độ lên đến 3,33 triệu độ C.
Sự kiện trên tạo ra sóng chấn động mạnh mẽ đến nỗi kích hoạt chuỗi hình thành sao, giải thích cho sự hiện diện của các cụm sao sáng gần khu vực va chạm bên góc phải của thiên hà xoắn ốc.
Theo Thanh niên