Cáo buộc và im lặng
Theo Politico, một quan chức lãnh sự quán Mỹ đã bị các nhân viên an ninh mặc thường phục Trung Quốc bắt giữ trên đường phố Thành Đô vào tháng Một năm ngoái.
Theo Poltico an ninh Trung Quốc tin rằng người đàn ông mà họ bắt được là điệp viên của CIA. Sau khi bị thẩm vấn trong nhiều giờ, người này đã thú nhận tất cả.
Phải đến tận ngày hôm sau, giới chức ngoại giao Mỹ mới được thông báo về vụ việc và đến giải cứu người của mình trong tay đối tác Trung Quốc.
Politico dẫn lời một quan chức an ninh quốc gia giấu tên của Mỹ cho biết, ngay lập tức nhân vật nói trên được hộ tống rời khỏi quốc gia châu Á.
Thông tin này dù được xác nhận bởi nhiều quan chức, nhưng hai bên Trung Quốc và Mỹ đều giữ im lặng về vụ việc trước truyền thông. Không có một thông tin nào được báo chí đăng lên vào thời điểm đó
Giới phân tích cho rằng, lúc đó Mỹ muốn tránh một sự cố gây chấn động quốc tế diễn ra trong những ngày đầu của chiến dịch tranh cử Mỹ năm 2016.
Đằng sau hậu trường, các quan chức Mỹ đã phản đối kịch liệt trước vụ bắt cóc được thực hiện bởi các đối tác Trung Quốc.
Có nguồn tin cho biết, Washington đã đe dọa "lột mặt nạ" tất cả nhân viên tình báo của Bắc Kinh đang nằm vùng ở Mỹ và trục xuất về nước trong một phản ứng giận dữ của Nhà Trắng.
Trong suy nghĩ của mình, giới tình báo Mỹ coi vụ việc này là một hành động bất thường trong trò chơi gián điệp kéo dài âm ỉ giữa Washington và Bắc Kinh trong nhiều năm.
Nhưng trong mắt các chuyên gia, bản chất cuộc chiến tình báo giữa hai nước ngay từ đầu đã rất khốc liệt.
Trung Quốc thắng thế
Theo báo cáo từ tờ New York Times hồi đầu năm nay, Chính phủ Trung Quốc được cho là đã bắt giữ hàng chục điệp viên làm việc cho Mỹ ở Trung Quốc từ năm 2010 đến 2012.
Từ 10 năm trước, cơ quan an ninh mật của Trung Quốc bắt đầu theo dõi các công dân Mỹ có biểu hiện mờ ám và có liên hệ với Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh.
Thậm chí cho đến hiện tại, người của CIA trong Đại sứ quán phải nói thì thầm trong văn phòng của mình, vì sợ có thiết bị nghe lén.
Các báo cáo cho thấy, Chính phủ Trung Quốc đang tích cực dùng các loại biện pháp như mua chuộc, đe dọa và thu thập thông tin tình báo về mọi hoạt động của người Mỹ trên lãnh thổ của mình.
Dù liên tục bị Bắc Kinh lấn át, Chính phủ Mỹ vẫn nhất quán lập trường im lặng vì nhiều lý do, bao gồm cả chiến lược của Washington đối với Triều Tiên và những thiệt hại đối với các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc, nếu phản ứng công khai.
Theo Politico, Mỹ luôn dồn hết nguồn lực và thời gian để ứng phó trước các hoạt động gián điệp và tấn công an ninh mạng đến từ Nga. Thậm chí phô bày mối đe dọa đến từ Moscow ngập tràn trên báo chí. Trong khi với Bắc Kinh thì hoàn toàn không lên tiếng.
Lý do cho sự trớ trêu này là bởi các tập đoàn Mỹ không quan tâm tới nền kinh tế của Nga, nhưng rất chăm chút cho thị trường hơn 1 tỷ người tiêu dùng đầy tiềm năng của Trung Quốc.
Ký giả Robert Delaney từ tờ SCMP cho rằng, Triều Tiên cũng là lý do chính khiến Mỹ phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Bởi chỉ cần thông tin được lộ ra trên báo chí, Bắc Kinh sẽ tiếp tục làm khó Washington về vấn đề này.
Sự nhún nhường Washington cũng dẫn đến thái độ trên cơ của Bắc Kinh trong quá trình xử lý sự cố tình báo hai nước.
Dù liên tục dọa dẫm có động thái trả đũa, Mỹ hoàn toàn bất lực trong việc yêu cầu đối tác Trung Quốc cung cấp chi tiết về các vụ điệp viên bị bắt giữ ở quốc gia này.
Ngược lại, hoạt động gián điệp của Trung Quốc so với Mỹ lại dễ dàng hơn nhiều và nó đã được chứng minh trong nhiều bê bối được các phương tiện truyền thông phô bày trong vài năm qua.
Năm 2015, Trung Quốc bị cáo buộc tấn công mạng vào Văn phòng Quản lý Nhân sự (OPM) của Mỹ, thu được đầy đủ mọi thông tin, từ số an sinh xã hội cho đến từng chi tiết về mối quan hệ cá nhân của hàng triệu nhân viên liên bang và giao về các đơn vị tình báo của Bắc Kinh.
“Chúng tôi có những lỗ hổng lớn mà Trung Quốc rất giỏi trong việc khai thác”, Robert Daly, Giám đốc viện Nghiên cứu Trung Quốc và Mỹ tại trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington đánh giá. “Lúc nào Mỹ cũng thiếu những biện pháp bảo vệ và thiếu sự phối hợp đặc biệt giữa CIA và FBI”.
Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã lên án vụ việc nhưng cuối cùng, không có biện pháp trừng phạt nào được đưa ra và sự việc trôi vào quên lãng.
Vụ scandal phản bội của Candace Marie Claiborne, một cựu nhân viên bộ Ngoại giao Mỹ làm việc ở Trung Quốc cũng là một trong những bài học thương đau của Washington.
Claiborne đã nhận hàng chục ngàn đô la tiền mặt và quà tặng từ các quan chức Trung Quốc để trao cho cho tình báo Bắc Kinh các tài liệu quan trọng của Chính phủ Mỹ.
Trong khi Trung Quốc rất tích cực trong việc tiến hành các hoạt động tình báo, phản gián đầy hiệu quả, thì ngược lại, Washington đang quá lơ là trước nguy cơ đến từ cường quốc châu Á.
“Đó là một nỗ lực phức tạp hơn nhiều so với Nga”, ông Daniel Blumenthal, một chuyên gia về Trung Quốc tại viện Doanh nghiệp Mỹ nói về hoạt động chống gián điệp Trung Quốc. “Họ mạnh hơn, họ tham vọng hơn. Và có nhiều bên liên quan muốn có một mối quan hệ tích cực với Trung Quốc”.