Khi hai đối thủ về chung một nhà
Hiện, cả công ty Cổ phần Thế Giới Di Động (TGDĐ) và công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh (Trần Anh) đều đã xác nhận việc sát nhập tới đây. Theo dự kiến, đầu tháng 9 sẽ có những công bố chính thức, đồng nghĩa với việc hoàn tất thương vụ giữa hai bên, Trần Anh sẽ trở thành công ty con của TGDĐ. Việc “hai ông lớn” về cùng một nhà đã dấy lên mối lo ngại với nhiều doanh nghiệp bán lẻ khác không phải là không có căn cứ.
Hiện tại, TGDĐ đang sở hữu chuỗi 1.500 cửa hàng, thuộc 3 lĩnh vực gồm điện thoại, điện máy và bách hóa ở cả 3 miền. Tuy nhiên, đơn vị này không thực sự mạnh ở thị trường miền Bắc, đặc biệt là ở Hà Nội. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) thì thị phần “ đứa con cưng” Điện Máy Xanh của TGDĐ ở Hà Nội mới chỉ chiếm khoảng 15%, ở thế chân kiềng với Trần Anh và Media Mart.
Trong khi đó, khu vực phía Bắc (từ Đà Nẵng trở ra) lại là sân chơi chính của Trần Anh với chuỗi 39 siêu thị lớn tại Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh,… Với ưu điểm có vị trí đẹp, quy mô lớn, mặt hàng đa dạng,… Trần Anh đã chứng tỏ được chiến lược phát triển đúng đắn của mình trong suốt thời gian vừa qua.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, suốt một thời gian dài, Trần Anh và TGDĐ (cụ thể là “con cưng” Điện Máy Xanh) cùng Media Mart đã tạo thành một thế chân kiềng với nhau trên thị trường khu vực phía Bắc. Việc TGDĐ và Trần Anh hợp nhất đồng nghĩa với việc phá vỡ thế cân bằng cạnh tranh này. Biến TGDĐ trở thành không có đối thủ trên thị trường bán lẻ tại Việt Nam.
Một số liệu khác cũng đáng được quan tâm là doanh thu quý I/2017 của Trần Anh đạt 1.049,4 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 2,6 tỷ đồng. Doanh số bán hàng cao nhưng lợi nhuận lại siêu thấp là tình trạng không chỉ diễn ra với Trần Anh mà còn với nhiều đơn vị bán lẻ khác nữa. Nguyên nhân dẫn đến là do việc cạnh tranh khốc liệt thời gian vừa qua của các nhà bán lẻ. Để thu hút khách hàng, họ không ngừng phải tung ra những chương trình khuyến mãi lớn, dẫn đến lợi nhuận từ đó bị giảm sút nhiều. Việc phá vỡ thế cạnh tranh này sẽ đem đến cho các nhà bán lẻ sống sót những đặc quyền về giá.
“Các đơn vị bán lẻ không đủ sức cạnh tranh sẽ tự rời khỏi cuộc chơi. Chỉ còn lại những kẻ mạnh. Lúc này, giá bán lẻ có thể sẽ được điều chỉnh lại theo hướng có lợi cho họ”, đại diện một đơn vị bán lẻ cho biết.
Đối tác ngoại ồ ạt "thôn tính" thị trường điện máy Việt
Ngay từ cuối 2014, các chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ điện máy đã dự đoán ngầm về một xu hướng thu mua, sát nhập của các doanh nghiệp trong thị trường này với nhau. Đến đầu năm 2015, điều này đã được khẳng định khi tập đoàn bán lẻ của Thái Lan Central Group đã thành công trong việc thông qua Power Buy mua lại 49% cổ phần ở Công ty Đầu tư Phát Triển Công nghệ và Giải pháp mới NKT- đơn vị sở hữu điện máy Nguyễn Kim. Đến tháng 6/2016, tập đoàn này lại thành công trong việc thâu tóm hệ thống siêu thị điện máy Pico của Việt Nam. Như vậy, Central Group hiện đã nắm quyền chi phối ít nhất hai “đại gia bán lẻ điện máy” trong nước. Ngoài chuỗi các siêu thị điện máy, tập đoàn này còn giành quyền kiểm soát, mua lại nhiều doanh nghiệp nội địa ở các lĩnh vực khác nhau.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam sẽ là một xu hướng tất yếu. Điều này sẽ là thử thách thực sự lớn với các doanh nghiệp trong nước để tồn tại và phát triển.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, điểm yếu nhất hiện nay của các doanh nghiệp bán lẻ ở Việt Nam là khâu hậu mãi, chăm sóc khách hàng. Thông thường, sau khách thanh toán xong, doanh nghiệp đã thở phào nhẹ nhõm coi như hoàn tất một quá trình bán hàng. Tuy nhiên, ở những nước phát triển, đây mới chỉ được coi là khởi đầu.
Thực tế, việc bảo hành, bảo dưỡng, tư vấn hậu bán hàng của các đơn vị bán lẻ điện máy ở Việt Nam vẫn còn gặp phải nhiều phàn nàn từ phía khách hàng. Điểm này sẽ trở thành bất lợi khi chúng ta bị đặt cùng sân chơi với những "ông lớn" nước ngoài. "Việc bán hàng cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là giữ chân khách hàng và hiệu ứng lan tỏa thu hút khách, điều này doanh nghiệp Việt Nam cần phải suy nghĩ lại", chuyên gia này cho biết.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong thị trường bán lẻ điện máy thì thời gian tới, những thương vụ mua bán, sát nhập sẽ còn tiếp tục với những diễn biến khá bất ngờ. Điều này tất nhiên cũng sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp tới người dùng.
(còn tiếp)
Đỗ Huệ