Chết lặng khi biết con mang... "án tử"
Trở về sau chiến tranh, trong tâm trí ông Phùng Đình Triệu không thể ngờ rằng, có một lúc nào đó ông lại day dứt, đau đớn với nỗi thống khổ như hiện tại. Ông đau nỗi đau của con khi biết cô con gái út Phùng Thị Thu Hằng (SN 1983) đang đếm sự sống từng ngày trên ngón tay vì căn bệnh suy thận quái ác.
Khi nghe ông nói cô con gái vừa bị suy thận, vừa phải mưu sinh kiếm thêm tiền thuê nhà, lòng tôi cảm thấy rưng rưng, bởi dường như Hằng không giống như những người nghèo khó thường bám víu lấy lòng từ tâm của xã hội như chiếc phao cứu sinh mà cô biết cách để tự cứu lấy mình.
> Đọc thêm kỳ 1: Ký ức oai hùng về những ngày sống ở 'địa ngục trần gian'
Ông Triệu đang kể chuyện về cô con gái út.
Giọng nghẹn ngào, ông Phùng Đình Triệu chia sẻ với chúng tôi về tình cảnh bệnh tật của con gái út: "Tôi thương nó lắm! Giờ sự sống của nó chỉ còn trông vào "trời định", trời kêu ai người nấy dạ mà thôi nhà báo ạ!. Nó mắc căn bệnh này năm năm rồi nhưng chưa khi nào tôi thấy nó than vãn đau đớn mà chỉ cắn răng chịu đựng...".
Theo lời kể của ông Triệu, năm 2008, Hằng tốt nghiệp khoa kế toán (ĐH Kinh tế Quốc Dân) với tấm bằng loại khá trên tay. Những tưởng nó sẽ mở ra chuỗi ngày tốt đẹp với con gái và gia đình ông vì cô con gái có thể tự lập, nhưng bất hạnh đã ập xuống.
Một ngày như bao ngày bình thường khác, Hằng đang làm việc tại một siêu thị bỗng cô bị ngất và được đưa vào bệnh viện Đống Đa (Hà Nội). Hai vợ chồng ông tá hoả xuống thăm con và được các bác sỹ thông báo là con gái ông bị mắc chứng thận hư và cần được chuyển đến bệnh viện Bạch Mai làm các xét nghiệm chuyên sâu.
Khi ấy, vợ chồng ông Triệu cũng chỉ nghĩ rằng chuyển sang khoa Thận (bệnh viện Bạch Mai), con gái ông sẽ được chăm sóc và điều trị để nhanh khỏi bệnh. Thế nhưng, khi ông được bác sỹ thông báo và nói rõ về tình trạng bệnh tật của con gái, hai ông bà thật sự không tin nổi vào tai mình nữa.
Cả bầu trời tối sầm như sụp xuống trước mắt. Cô con gái 25 tuổi của ông mắc chứng suy thận độ 3. Đây là một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, chi phí điều trị rất tốn kém và nếu không thường xuyên được lọc máu thì sự sống sẽ bị đe dọa.
“Di ảnh” mà ông Triệu đã phóng khi biết hung tin Hằng khó qua khỏi cơn bạo bệnh vào năm ngoái.
Bà Bình (vợ ông Triệu) kể cho chúng tôi hành trình suốt một năm ròng rã cõng con gái từ khu nội trú lên tầng 4 của khu chạy thận nhân tạo. Bà nhớ được từng bậc thang, từng khu nhà trong dãy nhà điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh thận. Lúc ấy, chỉ có bà ở bên cạnh Hằng còn sức khỏe của ông Triệu cũng không thể chạy đôn đáo ở bệnh viện được.
Sức khỏe có hạn, cùng với đó số tiền bao năm vợ chồng ông tích cóp cũng chỉ đủ cho một lần cấp cứu đầu tiên cho con gái, chừng 30 triệu đồng. Những lần tiền triệu sau mỗi lần vào viện, ra viện trong suốt gần hai năm đầu, ông bà cũng không nhớ hết nữa. Chỉ biết, kinh tế eo hẹp, năm 2011, ông bà và các con không đủ sức cáng đáng, đành phải bán đi một phần đất của gia đình. Số tiền 260 triệu đồng bán đất, đến giờ cũng đã cạn kiệt.
Giờ cả ông Triệu cũng phải dựa vào sự chăm sóc của vợ. Năm ngoái, một mình bà Bình phải chạy đôn chạy đáo vừa lo cho chồng mổ cấp cứu vì đông máu não ở khoa Ngoại, vừa phải chạy sang chăm sóc con gái cấp cứu vì bị nhiễm trùng màng bụng ở khoa Thận (bệnh viện Bạch Mai). Hiện tại, đều đặn mỗi tuần, vào thứ 3, 5, 7, Hằng lại phải nằm bốn tiếng để lọc máu duy trì sự sống.
Bán nước rong kiếm tiền chạy thận
Trò chuyện với chúng tôi, bà Bình không thể kìm nén cảm xúc của mình. Nhắc đến con, bà khóc nhiều lắm. Hiện cô con gái út của bà đang phải sống ở xóm chạy thận, một thân một mình phải tự lo cho sức khoẻ cuộc sống. Không những thế, trừ quãng thời gian vào viện chạy thận, Hằng còn phải mưu sinh bằng việc bán nước dạo ở cổng số 4, khoa Tim, bệnh viện Bạch Mai kiếm vài chục nghìn đồng/ngày để có thêm tiền thuê nhà. Mỗi lần xuống thăm con, vợ chồng ông Triệu không cầm nổi nước mắt khi chứng kiến con vật lộn với những cơn đau mà vẫn quyết tâm mưu sinh kiếm sống.
Bà Bình ngậm ngùi nói: "Cũng may mà từ đầu năm 2010, gia đình tôi được chính quyền địa phương chứng nhận là hộ nghèo nên cũng tiết giảm được chi phí chữa bệnh cho con. Tính sơ sơ mỗi tháng, một bệnh nhân chạy thận cũng phải chi phí hết hơn 4 triệu đồng.
Chi phí đắt đỏ ở thành phố cùng tiền viện phí cao làm bệnh nhân chạy thận khó khăn lại càng khó khăn hơn. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp vào xóm trọ con gái tôi đang ở, chạy thận được một thời gian thì hết tiền, đành phải về nhà nằm chờ chết".
Bà Nguyễn Thị Bình xúc động khi kể về cô con gái.
Bà Bình bảo rằng, giờ Hằng đã quen với cuộc sống "độc thân" ở xóm chạy thận. Mặc dù phải chống chọi với căn bệnh suy thận quái ác nhưng vì hoàn cảnh gia đình neo người, mẹ phải chạy đi chạy lại chăm sóc bố và Hằng nên cô đã ngỏ ý với mẹ được sống một mình và tự chăm sóc bản thân. Những lúc trái gió trở trời, đau yếu, Hằng nương tựa vào những người bạn trong xóm chạy thận này để gắng sống và đùm bọc lấy nhau.
Khi sức khoẻ của Hằng khá hơn, cô lại tranh thủ về nhà thăm bố mẹ một ngày. Và, trong suốt quãng thời gian chạy thận ở bệnh viện Bạch Mai, Hằng có một cậu bạn thân cùng học thời phổ thông thường xuyên đến thăm nom và đưa cô về nhà mỗi khi cô cần. Nghe ông Triệu nói mà chúng tôi thấy sống mũi cay cay.
Trao đổi với PV, ông Triệu bảo rằng: "Giờ con bé đã chuẩn bị tâm lý cho mình rồi. Nó bảo "còn nước còn tát", sống thêm được ngày nào nó sẽ vui vẻ sống, không oán trách. Sau lần ốm "thập tử nhất sinh" năm ngoái, vợ chồng tôi cứ ngỡ con bé sẽ bỏ chúng tôi mà đi. Khi nó nằm trên giường bệnh, vợ chồng tôi đã chụp ảnh để làm di ảnh cho con". Nghe ông Triệu nói mà chúng tôi thấy sống mũi cay cay
Nói đến đây, ông Triệu mặt bần thần như mất hồn. Ông nhớ lại, khi mới biết tin con gái bị suy thận, vợ ông đã ngất lên ngất xuống bao phen. Nhưng khi ấy, Hằng vẫn có thể điều trị bằng lọc màng bụng, nên bác sỹ cho về nhà điều trị tại nhà. Vợ chồng ông Triệu đã thiết kế một phòng riêng và máy lọc thận để tiện việc điều trị, chăm sóc cho con.
Nhưng, về nhà tự điều trị được một năm, Hằng bị nhiễm trùng màng bụng và phải đưa xuống bệnh viện Bạch Mai điều trị tích cực. Từ đó đến nay, cô phải lắp máy lọc cố định và chạy cầu tay. Thế nhưng, dẫu có nhiều đêm không thể ngủ vì cơn đau hành hạ nhưng chưa một lần nào Hằng kêu ca, than vãn với mẹ. Hằng cắn răng chịu đựng, chịu đựng...
Nghe ông Triệu nói, trong đầu tôi trộm nghĩ, ai trong chúng ta chẳng có những phút giây muốn quỵ ngã trước khó khăn hay trông chờ ở một vận may nào đó đến từ bên ngoài. So với những người đang mang trong mình căn bệnh quái ác mà vẫn khát khao được làm việc, được cống hiến sức lực để đổi lấy những đồng tiền chân chính đó, có phải chúng ta yếu đuối bé mọn hơn nhiều?
Gặp Hằng ở xóm chạy thận, tôi không thể cầm được nước mắt. Hằng một cô gái "mỏng mày hay hạt", da trắng ngần và đôi mắt rất sắc. Hằng nói với tôi rằng: "Chị đừng viết về em, còn có bao nhiêu người có "thâm niên" chạy thận dài hơn em gấp nhiều lần, họ đã chạy thận cả chục năm, thậm chí 20 năm rồi..."
Tôi ước gì mình có thể gánh bệnh thay con Hai dòng nước mắt lăn trên gò má cùng giọng nói ngậm ngùi, bà Nguyễn Thị Bình, vợ ông Triệu chia sẻ: "Lúc nhận được thông báo của bác sỹ, con gái tôi đã leo lên tầng 5 của bệnh viện để tự tử. Rất may lúc đó có bệnh nhân đi ngang qua đã lôi được con bé lên. Lúc đó, tôi cũng chỉ biết ngửa mặt lên trời mà trộm nghĩ, giá như mình có thể nhận thay phần bệnh tật của con. Nó mới 25 tuổi, mới bắt đầu bước ra cuộc sống tự lập. Nó còn nhiều hoài bão còn dang dở. Nó sợ nó là gánh nặng cho vợ chồng chúng tôi nên mới tìm đến cái chết". |
Hương Lan - Đỗ Thơm