Tháng 5/2005, James B. Comey - người khi đó là Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ tiết lộ trước một số nhân viên thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) ở Ft. Meade, Maryland rằng, 14 tháng trước ông đã có cuộc tranh cãi nảy lửa với Tổng thống George W. Bush tại Nhà Trắng về chương trình do thám công dân Mỹ dưới danh nghĩa chống khủng bố của NSA, điều mà ông cho là vi phạm Hiến pháp Mỹ.
Comey đã nói "không" trước yêu cầu của Tổng thống Bush khi đó, đồng thời khẳng định Bộ Tư pháp sẽ không thông qua chương trình này. Ông đã sẵn sàng từ chức và lôi kéo giám đốc FBI ra đi cùng với mình.
Theo bình luận Tim Weiner từ tờ Reuters, nếu mọi chuyện bị vỡ lở ra ngoài, chính quyền Bush sẽ gặp không ít khó khăn trong năm bầu cử khi đó. Tuy nhiên cuộc tranh cãi đã được giấu kín và chỉ được tiết lộ trong bài phát biểu lần này của ông Comey.
"Rất khó để là một Bộ trưởng Tư pháp tận tâm trong cộng đồng tình báo", ông Comey chia sẻ với các sĩ quan NSA. "Bạn sẽ thường phải nghe những câu nói dạng như:" Nếu chúng ta không làm điều này, mọi người sẽ chết; "Nếu chúng ta không cung cấp điều này...", "nếu chúng ta không thu thập loại thông tin này...", hay "nếu chúng ta không sử dụng kỹ thuật này" v.v... "Công việc của một người đứng đầu bộ Tư pháp giống như việc phải đối mặt với một đoàn tàu chở hàng", Comey thừa nhận.
Ông chia sẻ trước các nhân viên rằng: "Ngay giữa tâm bão của cuộc khủng hoảng, sự từ chối vẫn cần phải đưa ra dù phải đối mặt với những áp lực ồn ào xung quanh. Tuy nhiên nó cần đến tư duy pháp lý nhạy cảm, tính chất đạo đức và tầm nhìn xa trông rộng. Trong đó hiểu được những tác hại mà nếu sự gật đầu bất cần có thể gây ra. Cần phải hiểu rằng về lâu dài, hoạt động tình báo theo pháp luật là cách làm bền vững duy nhất ở đất nước này".
Giờ đây khi trở thành giám đốc của FBI, James Comey và cơ quan của ông đang phải bắt đầu một cuộc điều tra nhạy cảm mới mà "đoàn tàu chở hàng" ở đây chính là Nhà Trắng. Cụ thể hơn là những lùm xùm xung quanh một thành viên trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump, người hồi đầu tuần này vừa miễn nhiệm khỏi vị trí Cố vấn an ninh quốc gia - Michael Flynn.
FBI và các đồng nghiệp của họ tại CIA đang tìm hiểu về phạm vi và mức độ ảnh hưởng của Điện Kremlin trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, một hoạt động bí mật mà Thượng nghị sĩ John McCain mô tả là "động thái gây chiến". Đồng thời xác định bản chất mối liên hệ giữa Moscow và các chiến dịch trong và sau ngày bầu cử của ông Trump. Cuối cùng, họ sẽ phải tìm hiểu dược xem ngài tổng thống đã biết gì và biết từ khi nào về sự can thiệp này.
Tim Weiner gọi tình hình hiện tại là một cuộc chiến tranh giữa ông Trump với FBI và CIA khi tổng thống gần đây lên tiếng tố cáo các cơ quan này đang làm rò rỉ bất hợp pháp thông tin của cuộc điều tra.
Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi Tổng thống Donald Trump sa thải quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates, cấp trên của ông Comey. Bà Yates là người đã thông báo cho Nhà Trắng về cuộc hội thoại bí mật giữa ông Flynn với đại sứ Nga, điều mà nhân vật này cảnh báo rằng sẽ khiến cho trợ lý của ông Trump dễ bị phía Moscow nắm thóp.
Sự việc được đẩy lên cao trào khi Bộ trưởng Tư pháp mới Jeff Sessions, một nhân vật hàng đầu trong ê kíp của ông Trump nói rằng ông sẽ không rời mắt trong việc giám sát các cuộc điều tra của FBI.
Tất cả điều này đặt Comey cùng Tổng thống Donald Trump vào một tình thế giống với cuộc đối đầu của ông Bush trước đó. Theo Tim Weiner, ông Trump không thể sa thải giám đốc FBI vào thời điểm hiện tại. Bởi điều này sẽ bị coi là "động thái chính trị phi pháp", thậm chí bị coi là hành vi cố tình cản trở công lý.
Tuy vậy, ông Comey không thể tiến hành điều tra một cách tự do nếu không nhận được sự chấp thuận từ Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions - nhân vật thân cận với ông Trump. Mâu thuẫn này khiến cho hai bên có thể lâm vào bế tắc.
Nếu Bộ trưởng Tư pháp yêu cầu FBI đình chỉ cuộc điều tra bằng mọi cách, hoặc bản thân ông Trump sử dụng quyền lực yêu cầu điều đó, bí mật này sẽ không giữ được lâu dài, mọi chuyện sẽ vỡ lở chỉ sau hai tuần hoặc hai ngày.
Theo Weiner, giám đốc FBI James Comey có khả năng sẽ từ chức để phản đối, cùng hàng loạt các quan chức FBI khác cũng rũ áo đi theo.
Trong "Cuộc thảm sát đêm thứ Bảy" năm 1973, khi Tổng thống Nixon sa thải công tố viên đặc biệt điều tra vụ Watergate, cả Thứ trưởng lẫn Bộ trưởng Tư pháp Mỹ đều đồng loạt từ chức để phản đối, khởi đầu cho sự kết thúc triều đại của Nixon năm đó.
Tổng thống George W. Bush, trong hồi ký của mình cũng từng thừa nhận rằng một kịch bản tương tự đã nảy lên trong tâm trí của ông hồi năm 2004 khi Nhà Trắng đối đầu với Comey.
Giám đốc FBI James Comey đang phụ trách một trong những cuộc điều tra phản gián tinh vi nhất và có khả năng nguy hiểm nhất trong lịch sử 108 năm tồn tại của FBI.
Weiner cho rằng bằng mọi giá ông Comey sẽ không bao giờ tiết lộ chi tiết về cuộc điều tra cho công chúng Mỹ vào thời điểm này.
Thực tế FBI vẫn đang giải quyết một loạt những câu hỏi bao trùm trong đội ngũ chiến dịch của ông Trump, tuy nhiên mọi thứ sẽ cần phải dè chừng hơn khi toàn bộ ê kíp của ông Trump đang nắm giữ nhiều vai trò trong nhánh hành pháp nước Mỹ.
Mặc dù vậy, cây bút này cho rằng đến một thời điểm nào đó, Thượng nghị sĩ John McCain - người đang nắm giữ vai trò chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ sẽ thực thi quyền lực điều tra của mình, đồng thời thuyết phục một số các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa khác cùng tham gia.
Trong ngắn hạn, các chi tiết quan trọng nhất của cuộc điều tra có thể sẽ chỉ thảo luận bí mật trong các phòng họp của Quốc hội Mỹ, hay trong các cuộc họp quan trọng được bảo đảm riêng tư bởi FBI.
Nhưng nếu xét theo lịch sử các đời tổng thống Mỹ từ John F. Kennedy cho đến cuộc khủng hoảng hiện tại của Tổng thống Donald Trump, có thể nhận thấy rằng không bí mật nào tồn tại mãi theo thời gian, Weiner kết luận.
Đọc thêm>>> Vì sao ông Trump đủ sức 'cứu' nhưng vẫn để Michael Flynn ra đi?
Quốc Vinh