Cuộc cạnh tranh ngầm đầy khốc liệt
Bất cứ điều gì cũng có hai mặt. Thế giới giải trí không chỉ có vậy, nó có muôn vàn khuôn mặt mà người trong thế giới này sẽ phải học cách thích ứng và thích nghi theo sự thay đổi từng ngày đó. Kpop thực sự là một nơi lung linh, mang đầy màu sắc. Nó vừa ngọt ngào, quyến rũ, vừa là con dao sắc lẹm đối với người nghệ sĩ. Chúng ta thường thấy hình ảnh các ca sĩ xuất hiện trong dung mạo xinh gái, đẹp trai với những bộ đồ đắt tiền, bắt mắt. Thoạt đầu, ai cũng nghĩ, giới nghệ sĩ nước Hàn đều như sống trong thế giới màu hồng, tách biệt hẳn với bên ngoài.
Tuy nhiên, cuộc chiến giữa các nghệ sĩ, các nhóm nhạc và các công ty chủ quản dường như còn khốc liệt hơn bất cứ đâu. Tất cả những gì xấu xí đang diễn ra sau hậu trường luôn được che giấu một cách cẩn thận và tỉ mỉ đến mức khi công chúng nhận ra thì nó đã trở thành những vụ động trời, gây chấn động làng giải trí của đất nước. Những lúc như thế, người hâm mộ mới đứng về hai phía cãi nhau, bảo vệ thần tượng, các công ty quản lý đối đầu nhau, còn các ngôi sao thì vẫn tiếp tục "thân thiện" với nhau trước máy quay. Những nụ cười, những cái bắt tay hay thậm chí là những cái ôm có thật sự mang lại hòa bình? Đó có thực sự là nhã ý của đôi bên? Câu trả lời là không. Ở bất kỳ làng giải trí nào, cạnh tranh mới tồn tại được nhưng đấy lại là điều chúng ta không dễ dàng nhận ra giữa các ngôi sao Kpop.
Không một nơi nào trên thế giới có nhiều nhóm nhạc như ở Hàn Quốc. Có thể nói, Hàn Quốc là cái nôi nuôi dưỡng các nhóm nhạc tài năng và tất nhiên, họ đã thành công. Không chỉ vậy, Hàn Quốc còn dạy các nhóm nhạc, các ngôi sao phải biết đến hai từ "cạnh tranh" và "không lùi bước". Khi đã bước chân vào làng giải trí, nhất là Kpop, các nhóm nhạc nói chung và các ca sĩ nói riêng phải xác định, nếu họ không tiến thì sẽ bị đào thải. Đó là quy luật muôn đời được đúc kết từ bao lâu nay. Các nhóm nhạc không cùng công ty chủ quản dĩ nhiên sẽ phải cạnh tranh nhau từng chút một, còn đã ở một nơi cũng như có cùng một mẹ thì phải yêu thương và đùm bọc nhau.
Tuy nhiên, Kpop lại hoàn toàn khác, dù cùng công ty chủ quản hay cùng một thầy dạy nhảy, các nhóm nhạc vẫn phải cạnh tranh đến cùng. Bạn cho rằng cạnh tranh này là bất hợp lý vì 2 nhóm nhạc cùng công ty, không đối đầu nhau và khi hợp tác, tất cả thành viên sẽ tỏ ra thân thiết như anh em ruột thịt. Thế nhưng, điều này không bao giờ xảy ra trong thế giới Kpop. Ví dụ điển hình là CNBlue và F.T.Island cùng cạnh tranh để tranh ngôi vị số một trong công ty, đồng thời vươn lên vị trí thứ nhất Kpop.
> Đọc thêm: Gia đình Lã Thanh Huyền 'xử ép' con dâu?
Super Junior có lượng dân cư đông nhất Kpop
Hay như Big Bang và DBSK, hai nhóm nhạc hiện tại không còn phải quá e dè với nhau nữa nhưng khán giả của 5 năm về trước, không ai biết rằng có cuộc chiến ngầm giữa hai nhóm nhạc này. Các công ty quản lý dĩ nhiên không mong muốn bất kỳ nhóm nào "ngang cơ" với con cưng của họ trong công cuộc chinh phục trái tim khán giả. Mặc dù chưa có cuộc chiến "đẫm máu" diễn ra nhưng nếu có, đó là một trận đối đầu về chất lượng, dữ dội và thu hút nhiều sự chú ý nhất, hai nhóm nhạc này liên tục tung ra thị trường những bài hát và nhảy dễ dàng trở thành trào lưu và khiến giới trẻ phát cuồng mỗi lần bật bài hát của họ. Đến nay, mỗi nhóm này đã tạo được chỗ đứng riêng của mình trong Kpop, không cần phải quá lao vào cuộc chiến thứ hạng như trước nữa.
Năm 2012 là năm đánh dấu sự ra đời của nhiều nhóm nhạc nhất ở Hàn Quốc. Các tân binh đã tham gia vào trận chiến không có hồi kết và dần cảm nhận thấy "màu đen" trong thế giới màu hồng của Kpop. Mỗi tân binh đều cố tạo một phong cách riêng nhưng rồi chỉ sợ một ngày, họ lại đi vào lối mòn của các anh chị đi trước, mải mê cạnh tranh và dẫn đến tan nhóm. Điển hình là JYJ và DBSK. Hai nhóm nhạc tuy một mà hai. Vì cụm từ "cạnh tranh" đã khiến các cá nhân trong nhóm không còn là một nữa, họ tách ra, trở thành hai nhóm riêng biệt, đi theo hai con đường riêng. Người hâm mộ không muốn điều này xảy ra và rất mong muốn 5 chàng trai tái hợp dù rằng điều này là không thể. Kpop là chiến trường, dù không muốn thì họ vẫn phải đối đầu nhau, mặc cho nửa nào chiến thắng cũng sẽ bóp nát trái tim của người hâm mộ.
Cạnh tranh ngay trong nhóm
Với mục đích thu hút hơn nữa lượng người hâm mộ, các công ty chủ quản liên tục nghĩ ra các phương án có lợi. Một trong số đó là việc lập nhóm nhỏ trong nhóm lớn. Trào lưu nhóm nhỏ thực ra đã được công ty SM - công ty khá lớn ở Hàn Quốc khởi xướng cách đây rất lâu với hàng loạt "mini Super Junior", tuy nhiên mới đây nó mới trở thành một xu hướng thịnh hành trong showbiz xứ Hàn. Nhóm nhỏ sẽ giúp cho các thành viên có thêm nhiều đất diễn và cơ hội để tỏa sáng, đồng thời sự thành công của nhóm nhỏ cũng sẽ cho nhóm lớn được "thơm lây", đẩy mạnh sự cạnh tranh lên cao hơn.
Những người đam mê âm nhạc xứ Hàn đều biết, các nhóm nhạc trong Kpop thường có lượng "dân cư" khá đông như Super Junior với 13 người, SNSD với 9 người, After School là 9 thành viên. Nhóm nhỏ trong một nhóm lớn như vậy chính là thiên đường cho các thành viên. Điển hình là nhóm K.R.Y của Super Junior. Nhóm này chủ yếu tập trung vào giọng hát của ba thành viên Kyuhyun, Ryeowook, Yesung và họ đã tạo được thành công vang dội tại Nhật.
Cũng nhờ nhóm nhỏ này, danh tiếng của Super Junior lên như diều gặp gió. Đây là trường hợp hiếm hoi cho việc nhóm nhỏ đưa nhóm lớn cùng vươn xa. Còn trường hợp của nhóm Orange Caramel - nhóm nhỏ của After School. Nhóm này thành công đến mức nổi trội hơn cả nhóm lớn và người ta chủ yếu nhớ đến Orange Caramel chứ không còn nhắc nhiều đến After School nữa. Orange Caramel nhanh chóng vượt qua cả nhóm lớn bởi sự lựa chọn phong cách dễ thương kết hợp hài hước, các cô gái được khán giả đón nhận nồng nhiệt với ca khúc đầu tay Magic girl. Sau những ca khúc thành công ở quê nhà, nhóm chuyển hướng Nhật tiến và đạt được những thành tích đáng khen ngợi.
Việc tạo nhóm nhỏ đối với After School không phải là một thất bại của công ty quản lý nhưng đây là một minh chứng cho việc cạnh tranh ngay chính trong nhóm của họ. Việc lập nhóm nhỏ không phải là việc giúp các nghệ sĩ nổi tiếng hơn mà là cách đưa cả nhóm nhỏ và nhóm lớn cùng đi lên. Nếu không có hướng đi riêng rõ ràng và độc đáo, nhóm nhỏ hay nhóm lớn cũng khó lòng thành công. Rainbow Pixie là một ví dụ điển hình. Ra mắt cùng Hoi Hoi, Rainbow Pixie không thực sự khiến người ta thấy sự khác biệt so với Orange Caramel, nhất là khi Orange Caramel đã quá nổi tiếng. Thế là Rainbow Pixie cứ chìm dần chìm dần, không đọng lại một chút ấn tượng trong lòng người hâm mộ Kpop.
Như vậy, chúng ta đã nhìn thấy rõ hơn cái chìm ẩn trong cái nổi của Kpop - thế giới màu hồng diễm lệ. Cạnh tranh là từ treo lơ lửng trên đầu mỗi nghệ sĩ trong làng nhạc. Bất cứ sai sót nào cũng có thể khiến từ "cạnh tranh" rơi xuống và khiến họ bị thương, tạo thành vết sẹo trong họ và trong lòng của những người hâm mộ.
Lợi nhuận vẫn là mục tiêu chính Những cuộc chiến phía sau hào quang của Kpop chưa bao giờ thực sự diễn ra trước mắt công chúng bởi bản chất vốn lung linh và hiền hòa của thế giới Kpop. Dù hầu hết các cuộc chiến sẽ khiến làng nhạc Hàn thêm thú vị và sống động, nhưng phần lớn những người đứng đầu lại không mong đợi điều này. Họ chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để thu về lợi nhuận cao nhất. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không có cạnh tranh. Để tối đa hóa sự chú ý và tối thiểu chi phí, các nhóm nhạc vẫn được sắp xếp lịch trình hoạt động gần thời gian quảng bá với đối thủ mạnh nhất. Còn lên sàn cùng lúc là điều không thể bởi những trận đối đầu thực sự không có tiềm năng tạo ra lợi ích về mặt kinh tế cho những người đứng đầu Kpop. |
> Đọc thêm: Kelly Brook bị đồng nghiệp tung ảnh 'thả rông' vòng 1
Hồng Nhung (Theo Seoul Beats)