Sáng 18/6, công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News) đã đăng đàn công bố bằng chứng các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Sendo đã tiếp tay tiêu thụ sách giả, sách lậu vi phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News nói: “Nguyên nhân khiến sách giả có "đất" tiêu thụ trên không gian mạng là bởi khi truy cập vào sàn thương mại điện tử, khách hàng luôn chọn sản phẩm được giảm giá nhiều nhất. Chính chúng tôi đã đặt 128 đơn hàng mua sách ngẫu nhiên trên tất cả các sàn thương mại điện tử và kết quả tất cả đều là sách in lậu, sách giả”.
Ngoài 128 đơn hàng này, First News cũng tuyên bố có trên 500 chứng cứ bán sách giả, sách in lậu của các công ty, các sàn thương mại điện tử trong cả nước do bạn đọc gửi về.
“First News hiện có khoảng 1.000 đầu sách nhưng đã phát hiện 686 đầu sách bị in lậu, bị làm giả, bị xâm phạm, bị vi phạm bản quyền dưới mọi hình thức. First News có 1.000 tựa sách nhưng phải chiến đấu với trên 3.000 phiên bản sách lậu, sách giả khác nhau tìm mọi cách để tiêu thụ công khai cạnh tranh với sách thật. Và với trình độ in ấn cao, các nhà sách, đại lý và bạn đọc khó nhận biết được nếu không so sánh với một cuốn sách thật đặt ngay bên cạnh, so từng trang”, ông Nguyễn Văn Phước cho hay.
Đại diện First News cũng khẳng định, họ đã gửi cảnh báo nhiều lần đến tất cả các sàn thương mại điện tử nhưng dường như không được quan tâm. Các sàn này cho biết chỉ cho thuê cửa hàng và không chịu trách nhiệm ai bán sách giả hay bất cứ hàng hóa giả khác.
Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch hội Xuất bản Việt Nam, hành vi in giả và buôn bán sách giả được coi là vi phạm pháp luật hình sự. Do đó, cuộc đấu tranh chống lại sách giả cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà xuất bản, đơn vị làm sách, cơ quan chức năng, luật sư…
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Vũ Quốc Tuấn, Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam cho biết: “Chúng tôi chưa nhận được phản ánh chính thức của công ty First News về vấn đề này. Họ cho biết đã mua hàng và phát hiện sách giả thì phải nói rõ chi tiết về đơn hàng để chúng tôi kiểm tra. Còn nếu họ nói nhưng không có bằng chứng thuyết phục thì chúng tôi xin không bình luận”.
Luật sư Châu Huy Quang, đoàn Luật sư TP.HCM đánh giá: “Hệ thống luật pháp về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã rất đầy đủ. Tuy nhiên, vấn đề thực thi qua nhiều năm không có sự cải thiện, thiếu sự phối hợp của các cơ quan liên quan. Các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam đã ký kết đều nêu rõ vai trò về bảo hộ quyền tác giả, thực thi vấn đề sở hữu trí tuệ. Chúng ta đã có cam kết nhưng cần "nội địa hóa" cam kết sao cho có hiệu quả lại là vấn đề còn cần bàn tới nhiều”.
Nhiều ý kiến cho rằng hệ thống pháp lý cần điều chỉnh theo hướng có quy định và chế tài xử lý mạnh tay hơn bởi tình trạng làm giả sách đã đến mức báo động, ảnh hưởng lớn đến uy tín của người làm sách.