Mùa đông năm 1966, thuyền trưởng Peter cùng thủy thủ đoàn của mình đang lênh đênh trên đại dương thì phát hiện những cột khói bất thường trên hòn đảo Ata.
Ata cách thủ đô Nuku'alofa những gần 170 km theo đường chim bay, chỉ có những cồn cát trắng, đá và cây cọ, gần như không thể sống được.
Cả đoàn sững sờ hơn khi đập vào mắt họ là hình ảnh của những đứa trẻ trần truồng nhảy xuống nước và kêu cứu.
Cậu bé hét lớn: "Tên cháu là Stephen. Bọn cháu có khoảng 6 người, chúng cháu đã mắc kẹt trên đảo khoảng 15 tháng rồi".
Con thuyền lớn cập đảo, 6 cậu bé ở độ tuổi từ 13 đến 15 trần như nhộng lần lượt bước ra, chúng giới thiệu chúng là Stephen, Sione, Kolo, David, Luke và Mano. Tất cả đều là học sinh tại trường nội trú ở Nuku'alofa, thủ đô Tongan và bị mắc kẹt trên đảo sau khi đánh cắp một chiếc thuyền của một ngư dân và trốn ra biển chơi.
Mọi chuyện tồi tệ khi những đứa trẻ gặp một cơn bão biển, chiếc buồm của chúng bị sóng đánh vỡ tan, bánh lái bị gió biển thổi lên cao mất dạng, sau đó những đứa trẻ trôi dạt đến hòn đảo không có người này.
Thuyền trưởng Peter đã không tin, ông liền gọi điện tới Nuku'alofa. 20 phút sau, người trực tổng đài đã lên tiếng đầy vui mừng: "Ông đã tìm được chúng rồi. Gia đình những câu bé đã bỏ cuộc, họ cho rằng con mình đã chết, tang lễ cũng đã được tổ chức. Thực sự phép màu đã xảy ra".
Câu chuyện bắt đầu được những cậu bé kể lại.
Sau khi trôi dạt đến đảo, 6 cậu bé bị mắc kẹt trên biển mà không có thức ăn hoặc nước uống trong 8 ngày.
Khi lênh đênh trên biển, chúng phát hiện ra hòn đảo Ata và tiến về phía đó, không ngờ đó lại là nhà của mình trong 15 tháng tiếp theo.
Không hề sợ hãi hòn đảo hoang vắng, những đứa trẻ bắt đầu cuộc sống tiếp theo với hy vọng một ngày nào đó chúng được người dân tìm thấy.
Chúng phân chia công việc bài bản, làm việc theo nhóm 2 người theo từng nhiệm vụ: làm vườn, nấu ăn và canh gác.
Hàng ngày, những đứa trẻ dành thời gian để cầu nguyện và hát hò vào buổi sáng và buổi tối. Đã có những cuộc cãi vã, nhưng sau đó chúng tìm cách ngồi lại với nhau để giải quyết.
Thuyền trưởng Peter kể lại: "Khi chúng tôi đến đảo Ata, lũ trẻ đã thiết lập một cộng đồng sơ khai với khu vườn; máng nước làm từ thân cây để chứa nước mưa; một sân đánh cầu lông tự chế; một cái lò lửa cháy liên tục... Tất cả đều được làm bằng những bàn tay thô ráp với một con dao cũ, cộng thêm sự kiên cường hiếm thấy".
Thậm chí Peter còn tìm thấy xác của một chiếc bè mà những đứa trẻ tự làm với mong muốn trở về đất liền.
Tuy nhiên hòn đảo Ata thật sự khắc nghiệt với những cơn bão không báo trước. Những đứa trẻ ấy đã sống thật sự chật vật và thiếu thốn.
Vì không có nước, nên những đứa trẻ ấy buộc phải uống máu của những con chim biển. Các cậu bé ban đầu sống sót nhờ cá, dừa, chim hoang dã và trứng chim biển, nhưng sau khi phát hiện ra một miệng núi lửa cổ trên đỉnh đảo, chúng đã tìm thấy khoai môn, chuối và gà.
Trong một lần lấy thức ăn, Stephen bị trượt chân rơi xuống vách núi. Cậu bé đã bị gãy chân.
Không bỏ mặc bạn, 5 đứa trẻ còn lại đã chữa khỏi cho cậu bạn bằng gậy nẹp và lá cây. Khi chúng trở về nhà, các bác sĩ đã rất ngạc nhiên vì đôi chân của Stephen được chữa lành rất hoàn hảo.
Sau khi được giải cứu vào ngày 11/9/1966, 6 cậu bé đã bị ông lão Taniela Uhila kiện chúng với hành vi "mượn thuyền" rồi làm tan nát luôn "cần câu cơm" của lão. May mắn lại mỉm cười, chính thuyền trưởng Peter đã trả 150 USD cho ông lão ngư dân và bảo vệ các cậu bé khỏi tội trộm cắp.
Sau đó, Peter đã thuê tất cả 6 đứa trẻ này làm thuỷ thủ đoàn và cho chúng cơ hội mở rộng tầm mắt ở nhiều vùng biển trên thế giới.
Câu chuyện của 6 đứa trẻ sống trên đảo hoang trong vòng 15 tháng đã gây chấn động, các hãng tin tức hàng đầu đều đưa tin và kể về câu chuyện của chúng trong sự ngưỡng mộ và ngạc nhiên.
Câu chuyện ly kỳ về cuộc phiêu lưu ấy trở thành nguồn cảm hứng cho những bài học kĩ năng sống tuyệt vời trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Quả là một điều kì diệu!
Ông Mano chia sẻ: "Đó là một quãng đời đáng nhớ. Chúng tôi đã rất sợ hãi. Mọi người thường nghe câu chuyện phiêu lưu của chúng tôi thật sống sống nhưng thực tế vô cùng khắc nghiệt. Chẳng ai vui được khi không biết mình đang ở đâu, không có bất cứ thành viên gia đình nào bên cạnh, không biết ngày mai mình còn sống hay đã chết... Thế nhưng chúng tôi đã không ngừng hy vọng và đó vẫn là một trải nghiệm khó quên".
Đoàn Thanh (Nguồn The Guardian)