Chiến lược của Nga
Đầu tháng 3/2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhấn mạnh cam kết chung về lệnh ngừng bắn ở Libya trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo.
Sự xác nhận của Nga về một giải pháp chính trị ở Libya đã tái khẳng định vị thế trung gian quan trọng của nước này. Tuy nhiên, sự ủng hộ của Nga trong việc dàn xếp hòa bình ở Libya đã khiến nhiều quốc gia tỏ ra nghi ngờ.
Tập đoàn Wagner - một tổ chức bán quân sự Nga - bị phương Tây cáo buộc đã triển khai từ 1.400 đến 2.000 lính đánh thuê đến hỗ trợ cho Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của tướng Khalifa Haftar trong cuộc tấn công chống lại Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) ở Tripoli.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, chiến lược của Moscow hoàn toàn không chỉ hướng đến sự ủng hộ LNA mà có sự cân bằng với cả GNA. Nga có thể đang ngầm ủng hộ cho tướng Haftar để tăng ảnh hưởng địa chính trị tại các khu vực do LNA kiểm soát, nhưng Nga cũng đang cố gắng thể hiện mình như một trọng tài ngoại giao trên bình diện khu vực và bảo đảm các hợp đồng tái thiết quốc gia sau này.
Hiện tại Nga đã cân bằng quan hệ tích cực với GNA và LNA. Không giống như UAE và Ai Cập, Nga không hoàn toàn ủng hộ tướng Haftar vì không tin rằng LNA đủ khả năng hợp nhất Libya dưới quyền lực của mình.
Thay vào đó, Nga chỉ ủng hộ cuộc tấn công của tướng Haftar để giúp LNA đạt được thành công quân sự ở mức vừa phải, đủ để củng cố tầm vóc trong các cuộc đàm phán ngoại giao.
Moscow hy vọng rằng việc hợp pháp hóa quyền kiểm soát của LNA đối với miền Đông và miền Nam Libya sẽ đảm bảo nước này có được sự ưu ái trong việc đầu tư vào các mỏ dầu mỏ do lực lượng của tướng Haftar nắm giữ và khôi phục các thỏa thuận từ thời chính quyền Gaddafi trên bờ biển Địa Trung Hải.
Do sự ưu tiên của Nga đối với chiến dịch của LNA chỉ là hữu hạn và sự không chắc chắn về khả năng lãnh đạo của tướng Haftar, Moscow đã duy trì một kênh hậu thuẫn ngoại giao với GNA.
Khi cuộc tấn công của Haftar tiếp tục, Nga vẫn duy trì mối quan hệ tích cực với LNA và tăng cường vai trò trọng tài ở Libya.
Vào ngày 13/1, Nga đã tổ chức các cuộc đàm phán ngoại giao về vấn đề Libya, nhưng các cuộc đàm phán này đã thất bại, khi tướng Haftar rời Moscow mà không ký thỏa thuận ngừng bắn. Mặc dù không thành công trong bước đầu tiên, Nga vẫn thường xuyên tham gia với các nhà lãnh đạo châu Âu về tiến trình hòa bình Libya.
Nga cũng hy vọng rằng những đóng góp của mình cho tiến trình hòa bình sẽ xoa dịu các quan chức GNA.
Bên cạnh việc tướng Haftar từ chối chấp nhận lệnh ngừng bắn đã làm suy yếu các nỗ lực ngoại giao của Nga, chiến lược của Điện Kremlin tại Libya cũng trở nên phức tạp hơn bởi những động thái mới nhất từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Những lo ngại của Nga về sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Libya đã thành chủ đề nổi bật trong cuộc gặp của ông Putin với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào ngày 8/1.
Sau cuộc gặp đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã môi giới lệnh ngừng bắn tạm thời ở Libya vào ngày 12/1. Nhưng bất chấp sự hợp tác của Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, căng thẳng leo thang giữa hai nước đã lan rộng từ Idlib tràn sang Libya.
Đối thủ cũ, người bạn mới
Sau khi Nga, Thổ Nhĩ Kỳ xoa dịu căng thẳng trên lãnh thổ Syria sau lệnh ngừng bắn ngày 5/3 ở Idlib, cuộc chiến ngầm giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya cũng tạm dừng.
Nhưng bất chấp tình hình được kiểm soát, triển vọng hợp tác Nga-Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya là rất xa vời, vì cả hai nước đều không đồng ý với vai trò của tướng Haftar trong tương lai chính trị ở Libya.
Với Thổ Nhĩ Kỳ, nước này không coi chính quyền của tướng Haftar là hợp pháp và phụ thuộc vào sự hỗ trợ quân sự bên ngoài. Trong khi phía Nga cho rằng việc tướng Haftar kiểm soát một phần quá lớn lãnh thổ Libya là lý do khiến lực lượng này không thể bị loại bỏ ra khỏi bàn cờ chính trị, trong khi GNA bị cáo buộc đã mất tính hợp pháp khi liên minh với các chiến binh cực đoan.
Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố tích cực có thể giúp đổi mới sự hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu Mỹ vẫn đứng ngoài cuộc xung đột Libya và các cường quốc châu Âu vẫn tiếp tục thúc đẩy các chương trình nghị sự xung đột ở Libya, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhìn thấy một cơ hội để làm cho phương Tây tổn thương thông qua một dàn xếp hòa bình tay đôi ở Libya. Tiến trình Astana ở Syria cung cấp một mô hình cho hình thức hợp tác ngoại giao này.
Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp khó khăn khi có làn sóng phản đối trong nước về việc triển khai lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đến Libya, trong khi Nga cũng đang bận rộn với những thách thức kinh tế xã hội khác. Do đó, cả hai nước sẽ có thiện chí tham gia vào nỗ lực giảm leo thang nói trên.
Quay trở lại Syria, cuộc đối đầu giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib vẫn là trở ngại nghiêm trọng nhất khi nói đến hợp tác song phương ở Libya. Khi Nga coi sự xâm phạm và cố chấp của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria là điều không thể chấp nhận được, nước này có thể khuyến khích tướng Haftar trả đũa các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya nếu như Ankara tấn công các mục tiêu quân sự ở Syria.
Việc LNA bắn hạ máy bay không người lái Thổ Nhĩ Kỳ và tấn công căn cứ không quân Mitiga của Thổ Nhĩ Kỳ ở Tripoli vào ngày 3/3 giữa lúc Ankara mở chiến dịch quân sự mới ở Syria cho thấy Nga hoàn toàn có khả năng làm như vậy.
Tiếp tục hợp tác với Ankara sẽ thúc đẩy chiến lược của Nga ở Libya, nhưng cuộc đối đầu mới với Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria có thể miễn cưỡng kéo Nga vào một cuộc can thiệp quân sự kéo dài ở Libya.