"Một kịch bản lộn xộn"
Các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn ở Syria đã tiến vào Raqqa, thủ phủ của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Thành công ở Raqqa cùng với những gì lực lượng Mỹ đang làm được ở Mosul được coi là dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cực đoan.
Nhưng ngay cả khi kết cục của cuộc xung đột ở Iraq và Syria sắp đến hồi ngã ngũ, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn loay hoay trong việc đưa ra chiến lược cho mục tiêu ổn định khu vực.
Lầu Năm Góc lập luận, họ chỉ đánh bại IS và không có ý định bị kéo vào cuộc xung đột với Iran. Ông Mattis tỏ ra thận trọng đối với nhiệm vụ mà ông mô tả là “đáng lo ngại”. Thay vào đó, người đứng đầu bộ Quốc phòng Mỹ ủng hộ việc thiết lập các “vùng giảm xung đột” giống như quan điểm của Nga.
"Chúng tôi từ chối tham gia vào cuộc nội chiến ở Syria", ông nói với các phóng viên ngày 26/6 sau cuộc họp với NATO.
Mattis thừa nhận kế hoạch và hoạt động quân sự đã trở nên khó khăn hơn ở phía đông Syria với sự hiện diện của các lực lượng Syria, Iran và Nga ở một bên. Bên kia là quân đội Mỹ và phiến quân do nước này hậu thuẫn.
"Bạn thực sự phải chơi trò này một cách cẩn thận. Chúng ta muốn có được càng nhiều thì mọi thứ lại càng phức tạp", ông nhấn mạnh.
Hai ngày sau, McMaster đưa ra một quan điểm khác. Ông kêu gọi cuộc chiến chống lại IS là "một phần trong chiến dịch rộng hơn" nhằm mục đích tận diệt gốc rễ của các nhóm khủng bố xuyên quốc gia.
Phát biểu tại Trung tâm An ninh New America, ông lập luận, chính sách của Mỹ trong giai đoạn hậu IS sẽ tập trung ngày càng nhiều vào việc cô lập Tehran và ngăn chặn nước này mở rộng ảnh hưởng.
Quan điểm mơ hồ
AP dẫn lời quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết, phe “diều hâu” ở Nhà Trắng đang muốn châm ngòi cho một cuộc chiến với Iran, trong khi bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc đang nỗ lực để tránh sự đối đầu trực tiếp.
"Miền Đông Syria là nơi chính quyền Trump sẽ dính líu tới Iran”, Robert S. Ford, cựu Đại sứ Mỹ ở Syria năm 2014 cho hay. "Câu hỏi đặt ra cho chính quyền mới là họ sẽ đối đầu với Iran ở đó như thế nào. Đó có phải là đúng nơi, đúng thời điểm?".
Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng không cho thấy quan điểm rõ ràng về việc họ ủng hộ hay chối bỏ Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Không giống như chính quyền của Tổng thống Obama, ông Trump cho thấy một quan điểm mơ hồ khi không ủng hộ, cũng không phản đối việc Tổng thống Assad tiếp tục nắm quyền và thực hiện một nỗ lực ngoại giao quan trọng để thuyết phục các bên tham chiến tiến hành đàm phán.
"Tôi không thể đoán nổi Mỹ đang muốn đẩy cuộc xung đột Syria lên tới đỉnh điểm, hay muốn tiến tới một lệnh đình chiến lâu dài", Robert S. Ford chỉ rõ. Về cơ bản, chiến lược của Tổng thống Trump đối với Syria đến hiện tại vẫn là số không.
Đọc thêm>>> Thượng đỉnh Trump-Putin: Dự báo lạ về cuộc gặp đấu trí đỉnh cao
Quốc Vinh