Theo nhận định của các chuyên gia quân sự Nga, Syria, cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang dần tới hồi kết. Trong khi Nga, Syria và đồng minh đều có những mục tiêu riêng, Mỹ vẫn loay hoay với chiến lược của mình.
Tờ Defense One cho rằng, sau khi cuộc chiến chống IS tại Syria chấm dứt, Mỹ sẽ phải đối mặt với 4 câu hỏi lớn sau:
1. Washington sẽ hỗ trợ các phiến quân “đối lập ôn hòa” trong bao lâu?
Liệu Mỹ có còn tiếp tục quan hệ với các đồng minh Arab và người Kurd, những lực lượng đã chiến đấu và mất đi những chiến hữu của họ, nhằm giải phóng Raqqa? Mỹ sẽ hỗ trợ những gì? Súng, tiền bạc hay thừa nhận tính hợp pháp?
Tuần trước, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford đã triệu tập một cuộc họp với sự tham gia của gần 75% thành viên trong số các đối tác nước ngoài của ông, những tướng lĩnh quốc phòng đang cùng nỗ lực chống lại chủ nghĩa bạo lực cực đoan toàn cầu.
“Bước đi quan trọng và hiệu quả nhất để chống lại chủ nghĩa cực đoan chính là tận dụng hành động của các lực lượng địa phương. Những gì chúng ta nói tới ngày hôm nay chính là cho phép những liên quân địa phương tự giải quyết thách thức đó”, ông Dunford nói.
Đặc nhiệm Mỹ đang chiến đấu tại Syria nói rằng, họ muốn tiếp tục hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) mà họ đã cùng huấn luyện và chiến đấu. Trên thực tế, SDF được Mỹ dùng làm “lá chắn sống” để chống lại sự ảnh hưởng của Iran và các lực lượng tôn giáo tại khu vực.
Hiện tại, Raqqa đã được giải phóng, các chiến binh của phiến quân Syria này đã giành được sự tín nhiệm và những lời khen từ các nhà lãnh đạo Mỹ.
“Tôi nghĩ chúng ta cần tự cấu trúc để đạt được cam kết xây dựng đối tác dài lâu tại khu vực này. Đó chính là những gì chúng ta rút ra được (sau giải phóng Raqqa) nhưng quyết định vẫn thuộc về các nghị sĩ”, Thiếu tướng Paul Funk, chỉ huy liên quân chống IS ở Iraq và Syria nói.
Trong khi đó, Tướng James Jarrard, chỉ huy lực lượng đặc biệt của Mỹ trong cuộc chiến chống IS, nói với các phóng viên tại Lầu Năm Góc hồi tuần này, ông hy vọng lính Mỹ sẽ tiếp tục duy trì liên hệ với các phiến quân Syria ở mức độ nào đó. Nhiệm vụ của người Mỹ vẫn chưa kết thúc.
“Tôi có thể nói rằng chúng ta cam kết hỗ trợ SDF trong chiến dịch quân sự chống IS. Tuy nhiên, còn cả một quá trình dài phía sau đó nữa: Đảm bảo an ninh tại khu vực, giúp những người dân di cư trở về quê hương. Đó mới là toàn bộ quá trình diệt tận gốc IS. Chúng ta nhất trí hỗ trợ SDF từ đầu chí cuối”, Tướng Jarrard nói.
Theo Defense One, lời cam kết trên dường như vượt quá giới hạn của một sứ mệnh quân sự, trong đó Mỹ đưa quân tới giúp các phiến quân đối lập. Những gì ông Jarrard nói sẽ khiến Washington phải mất nhiều tháng, thậm chí trên thực tế là nhiều năm mới đạt được.
Washington đang đưa kịch bản cũ của cuộc chiến đã kết thúc tại Iraq cũng như cuộc chiến đang tiếp diễn tại Iran để áp dụng vào Syria.
Nếu đó thực sự là những điều mà chính quyền Washington đang tính toán, họ sẽ hỗ trợ những phiến quân này tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm trong bao lâu? “Vài năm, vài thập kỷ hay cả một thế hệ?” – tờ Defense One đặt câu hỏi.
2. Kế hoạch của ông Trump là gì, nếu Nga và chính quyền Assad tiến tới?
Mỹ sẽ làm gì, nếu xe tăng Syria với sự hỗ trợ đắc lực của tiêm kích Nga sẽ chọc thủng những thị trấn mà các lực lượng do Washington hậu thuẫn và SDF đang chiếm giữ?
“Mọi người biết đấy, đó là quyết định mang tính chính sách, việc chúng tôi sẽ hỗ trợ cho SDF trong bao lâu không phải là điều tôi có thể trả lời”, Tướng Jarrard nói. Ông cũng không khẳng định liệu Mỹ có để lực lượng vũ trang Syria và Nga cưỡng chiếm lãnh thổ SDF đang trấn giữ hay không.
Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hình dung về một kịch bản mà trong đó, chính quyền Syria “sẽ nắm giữ những khu vực riêng của mình và không cố gắng tái chiếm hay vượt qua vùng lãnh thổ do các lực lượng khác giải phóng”.
Nhà Trắng cần có một kế hoạch. Ông Trump phải đặt ra những lằn ranh đỏ. Hay liệu đây là tình huống trong đó các sự kiện diễn ra đã vượt ngoài kế hoạch và các nhà làm luật Mỹ muốn chờ đợi xem Syria sẽ làm gì tiếp theo với sự hỗ trợ của Nga?
Nghị sĩ Mỹ dường như không còn hứng thú với việc sa chân vào một cuộc chiến ở Trung Đông, đặc biệt là ở một cuộc đấu mà ít người Mỹ muốn chống giữ.
Đối với những chiến binh đã trực tiếp đứng ra chống IS và liều mạng sống ở tiền tuyến Raqqa, hay giờ là Deir ez-Zor thì họ đang chờ đợi xem đồng minh Washington của họ sẽ làm gì, nếu Chính phủ Syria cố tái chiếm đất mà họ đang sở hữu.
3. Con đường dẫn tới hòa bình Syria là gì, ai chịu trách nhiệm?
Khi nào nội chiến Syria sẽ kết thúc và lực lượng nào sẽ ngồi trên bàn đàm phán tiến tới hòa bình ở quốc gia Trung Đông này, luôn là câu hỏi lớn đối với Mỹ.
Mọi người nói rằng cuộc chiến sẽ kết thúc tại Geneva, nhưng liệu nó có “đi qua” Washington? Hay nói cách khác, Lầu Năm Góc có đủ lực để trở thành một đại diện ngồi trên bàn đàm phán?
Ngoại trưởng Mỹ Tillerson và các quan chức quân sự hàng đầu nước này đã nói về sự cần thiết của giải pháp ngoại giao cho xung đột.
Tuần trước, ông Tillerson tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với hòa đàm Geneva, dự kiến tiếp tục vào ngày 28/11 tới.
Dù đưa ra cam kết như vậy nhưng Mỹ vẫn chưa hiện thực hóa điều đó, kể cả sau khi chiến dịch Raqqa đã thắng lợi.
Ông Trump không tự đặt mình phải tham gia vào tiến trình hòa bình ở Syria. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn ý thức được vai trò của Moscow trong các vòng đàm phán.
Giới quan sát cho rằng, phải chăng Washington đã chịu lép vế trước sự thể hiện mạnh mẽ của Nga và các đồng minh.
4. Vai trò của Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh ở đâu?
Liệu Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh có sẵn sàng chi tiền giúp Syria trong quá trình tái thiết đất nước thời hậu chiến tranh? Việc nên làm của ông Trump lúc này là thúc đẩy các quốc gia vùng Vịnh thực hiện điều đó.
Quan hệ giữa ông Trump và Saudi trong thời gian qua đã ấm lên đáng kể. Đây là thời điểm thích hợp để chính quyền Mỹ thúc đẩy sự tham gia của đồng minh vào tiến trình hòa bình của Syria, gia tăng sự ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực.
Tuần trước, Tướng Mỹ Dunford từng lưu ý rằng “những tiếng nói có trọng lượng” của các quốc gia Hồi giáo vùng Vịnh là yếu tố quan trọng, hiệu quả trong quá trình đối phó với IS.