Ngày định mệnh
Nhiều năm nay, người dân tại Thạch Thất ví chị như một cây xương rồng. Bởi, dù mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nhưng chị luôn kiên cường, bình thản đón nhận những cơn đau.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Hường luôn nhắc đến phương chấm sống “ung thư không bao giờ là dấu chấm hết”. Chị kể rằng tháng 1/2015 chị được nghỉ dạy và hẹn một người bạn đi khám sức khỏe. Đến phòng khám trên đường Giải Phóng, sau khi khám xong các bác sĩ ở đây khuyên chị nên vào viện K khám lại càng sớm càng tốt.
“Về nhà tôi cũng suy nghĩ nhiều và hơi lo, nhưng hôm sau tôi vẫn lên lớp dạy 2 tiết đầu xong mới vào viện huyện Thạch Thất chụp X quang Phổi. Bác sĩ lập tức bảo tôi phải chuyển tuyến vì u phổi. Thực ra lúc đó tôi chỉ nghĩ là có u thì mổ xong là khỏi, có sao đâu.
Hôm sau anh trai đưa tôi xuống bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, bác sĩ kiểm tra và yêu cầu nhập viện luôn, lúc này tôi bắt đầu lo lắng thực sự. Vào phòng bệnh nhân, tôi phát hoảng vì toàn người không tóc hoặc có thì tóc như đàn ông. Tôi được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính. Và đặc biệt lấy sinh thiết khối u phổi, tôi sợ hãi vô cùng”, chị Hường tâm sự.
Sau khi khám các bác sĩ ở bệnh viện Ung Bướu Hà Nội kết luận chị bị ung thư phổi, giai đoạn cuối, di căn màng phổi, tràn dịch màng phổi. Khi nhận được kết quả, chị không tin vào tai mình, khóc không thành lời. Khi ấy, chị chỉ nghe thấy chồng bảo: “Có bệnh thì chữa em ạ! Anh cần em, các con cần em, em phải vững tâm để vào viện điều trị bệnh, Y học giờ phát triển hàng ngày mà, em sẽ khỏi!”.
Từ tuyệt vọng đến... hồi sinh
Nhìn chồng con, nước mắt chị cứ thế tuôn rơi, chị cứ ngỡ như đó là một giấc mơ. Vì, các con của chị đều đang tuổi ăn tuổi học, con trai đang học lớp 11, còn con gái đang học lớp 8. Rồi sẽ ra sao đây nếu chị không còn trên thế gian này?
Sau những ngày chìm đắm trong bi lụy, cuối cùng người phụ nữ này đã quyết định phải cố gắng sống vì chồng, vì con và vì các em học sinh thân yêu, chị đã vào viện điều trị.
“Bác sĩ lên phác đồ điều trị, tôi chủ yếu phải truyền hóa chất, không xạ trị được. Lần truyền hóa chất đầu tiên, tôi phải nhập viện cấp cứu vì tràn dịch phổi, ho nhiều, rồi lần 2, lần 3… hóa chất tàn phá cơ thể tôi, tóc rụng, chân tay mỏi rời, da xanh xám, thiếu máu, thường xuyên bị hạ bạch cầu.
Thời gian đó tôi như bị tự kỉ, không thích gặp ai, cũng chẳng nói chuyện với ai. Nhiều lúc tôi còn trốn lên chùa tụng kinh niệm phật cho quên nỗi khổ đau bệnh tật, cho tâm được an”, chị Hường chia sẻ.
Những ngày tiếp theo, chị phải nghỉ dạy để đi điều trị bệnh, phải tạm dừng công việc mà chị say mê yêu mến. Hàng ngày, không được đứng trên bục giảng, chị nhớ trường, nhớ lớp, cứ mỗi lần thấy học sinh đi học chị lại khóc.
Nhưng khi bình tâm trở lại người phụ nữ này nghĩ, nếu như chị suy sụp, chồng và con chị sẽ khổ nhất. Lúc nào 2 đứa con cũng len lén dò thái độ buồn hay vui của mẹ. Chồng đi làm về tuy mệt nhưng luôn hỏi: “Em ổn chứ, cố lên em!”. Vậy là chị đã tự vực mình dậy.
Nhớ lại những ngày tháng đó, chị Hường không giấu được cảm xúc: “Tôi hay lần mò trên mạng tìm hiểu chế độ ăn cho người bệnh ung thư rồi cố ăn uống để bổ sung dưỡng chất. Tôi tập thiền cho tâm bất loạn, tập khí công… Và tôi lại tiếp tục những ngày tháng truyền hóa chất, cứ 21 ngày một lần đều đặn.
Đến tháng 8/2016 tôi xin đi dạy, điều này trong mơ tôi cũng không dám nghĩ, chỉ nghĩ mình chết chắc với hóa chất chứ dạy dỗ sao được. Nhà trường luôn động viên và cũng bố trí cho tôi dạy. Vào những ngày truyền tôi lại xin nghỉ, khỏe tôi lại ra với lớp, với trường, tôi thấy mình vui hẳn lên và quên đi nỗi đau bệnh tật”.
Cứ thế, chị như được hồi sinh, chị đã biến tuyệt vọng thành hy vọng. Chị bảo: “Nếu cứ thấy ung thư mà suy sụp tinh thần có nghĩa là mình đã đầu hàng với nó. Tôi nghĩ rằng, ung thư không phải là “án tử”, mọi người nên bỏ suy nghĩ đó đi. Hãy yên tâm chữa bệnh vì bên cạnh chúng ta còn có người thân động viên, giúp đỡ”.
Hiện giờ, chị đã lạc quan, lấy lại niềm tin trong cuộc sống và hơn hết, chị luôn đi gặp những người đang mắc “án tử” để nói với họ: “Ung thư không phải là dấu chấm hết”.