Cuộc chiến trong phòng giam

Cuộc chiến trong phòng giam

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Lời khai của Hà Minh Trí đã đánh trúng điểm yếu của chính quyền Ngô Đình Diệm, có tác dụng gián tiếp đến cuộc đảo chính của tướng lĩnh trong quân đội lật đổ chế độ gia đình trị họ Ngô sau này. Để giữ lời khai và nhân chứng, kẻ thù không giết anh, nhưng chúng đã dùng anh để thử nghiệm tất thảy những cuộc tra tấn hết sức dã man mà chỉ có ở thời trung cổ. Chúng muốn anh phải trả giá cho phát súng ám sát Tổng thống.

Phía sau phát súng

Tuân thủ đúng mệnh lệnh của tổ chức trước khi hành động, Hà Minh Trí đã khai thiếu tướng Mai Hữu Xuân - tổng giám đốc Nha An ninh Quân đội và lực lượng Cao Đài liên minh đứng sau vụ này. Mai Hữu Xuân vốn là một phần tử thân Pháp. Sau khi Pháp rút, Diệm đã dùng Xuân bởi thành tích tàn sát dân trong chiến dịch Bình Xuyên do Diệm chủ trương. Lực lượng Cao Đài liên minh đang nghi kị người của Diệm đã bắn chết một lãnh đạo bên ấy. Hai lực lượng này đều tỏ rõ sự chống đối Diệm ra mặt nên lời khai của anh là để cho bọn chúng đánh giết lẫn nhau.

Thế giới - Cuộc chiến trong phòng giam

Niềm vui mỗi ngày của Mười Thương hiện nay là chăm sóc cây cảnh.

Vừa nghe xong lời khai của Trí, Ngô Đình Nhu ra lệnh cho tất cả những người có mặt tại phòng hỏi cung phải giữ bí mật tuyệt đối. Bọn chúng chỉ hỏi anh một câu duy nhất rồi bước ra như đã hiểu một điều gì đó sâu xa trong lời khai ấy. Trí bị giải sang Ty cảnh sát bắt đầu những màn tra tấn dã man như thời trung cổ. Anh cũng chuẩn bị tinh thần để bước vào trận chiến khốc liệt này. Trận chiến mà ta và kẻ thù cận kề nhau, đối diện nhau ở giữa là một ranh giới mỏng manh thắng bại. Vũ khí của kẻ thù là những màn tra tấn "thừa sống thiếu chết" còn bên này, người chiến sĩ cộng sản chống lại bằng tinh thần và thể xác. Chúng đánh anh chết đi sống lại. Vừa đánh, chúng vừa tra hỏi. Tất cả những nhân vật, giáo phái có liên quan đến lời khai của anh đều được gọi đến đối chất, nhưng bằng tài phán đoán, thông minh, anh tự tin đối phó với các chiêu trò của kẻ thù...

Vài ngày sau, chúng áp giải người ám sát Ngô Tổng thống về Sài Gòn trên một chiếc máy bay quân sự. Về tới Sài Gòn, Trí bị đẩy vào phòng biệt giam. Buổi ra mắt tại nơi giam mới, anh được "làm quen" bằng trò chích dây điện vào hai vành tai khiến mắt nổ đom đóm, toàn thân tê dại. Tiếp đến là trò đè anh nằm ngửa, đắp khăn lên mặt rồi đổ xà phòng cho đến vừa ngưỡng chết ngạt thì dừng lại giậm chân lên bụng cho ói nước ra. Hết tốp tra tấn này mệt lại đổi tốp tra tấn khác cứ liên tục, không kể ngày lẫn đêm. Chúng đánh rất dã man khiến anh lay lắt giữa ranh giới sự sống và cái chết.

Trí không sợ chết, nhưng anh sợ những lúc lay lắt ấy, đầu óc mê muội sẽ nói ra sự thật. Để giữ vững lời khai, giữ vững tinh thần nên xen giữa cơn mê, anh lẩm bẩm đọc lời khai của mình cho thật thuộc, thật quen. Bị tra tấn liên miên, Trí không còn biết khái niệm về thời gian nữa, cứ mỗi lần lơ ngơ nghe tiếng gà gáy là anh ráng bấm móng tay lên góc tường để ghi nhận một ngày mới sắp đến. Trí có thói quen ca hát, ngày trước học ở trường Đạo, anh là một cây văn nghệ nổi tiếng... Nay ở trong nhà giam, dù đau đớn đến mấy, anh cũng "tập thể dục buổi sáng" bằng một bài hát cách mạng để chuẩn bị cho một ngày chiến đấu.

Mỗi lần thẩm vấn, chúng không cho anh có thời gian suy nghĩ. Câu hỏi nối tiếp câu hỏi cứ quấn lấy nhau thành một mớ lộn xộn trong đầu. Đến lúc, cơ thể đã "nhờn" với các đợt tra tấn thì Trí không còn ý thức được là mình đang bị đánh hay không. Anh sợ lúc mê man có thể sẽ buột miệng nói ra nên đã nghĩ đến cái chết. Dù sao nhiệm vụ cũng hoàn thành rồi, chỉ có chết mới giữ được điều bí mật đang cất giấu trong lòng. Nghĩ vậy, anh đặt lưỡi giữa hai hàm răng, nghiến mạnh. Để không bị phát hiện, anh nuốt tất cả máu trào ra vào bụng. Vừa lúc đó một tên lính vào, hắn bóp miệng anh và hiểu chuyện gì đang xảy ra. Vậy là ý định tự vẫn không thành.

Để dập tắt tư tưởng muốn chết trong anh, chúng đưa một cây sắt bắc ngang miệng anh chống hai hàm răng cao lên để khỏi đụng lưỡi. Từ đó, bọn chúng ít đánh đập anh hơn. Không phải là sợ anh tự tử lần nữa mà dường như những lời khai của anh suốt một tháng 3 ngày qua vẫn không hề thay đổi. Và để chắc chắn cho kết luận điều tra, chúng cho anh lên máy kiểm tra sự thật do một người Mỹ hỏi cung. Tuy nhiên, tất cả những câu hỏi không ngoài mục đích khai thác thông tin từ anh đều vô hiệu hóa, anh đã học thuộc lòng bản hỏi cung những lần trước. Và, dù có máy đo sự thật đi chăng nữa vẫn không thể thắng được ý chí và tinh thần kiên gan của người cộng sản.

Phạm nhân đặc biệt

Hà Minh Trí không ngờ lời khai của mình lại có tác dụng sâu sắc đối với chính quyền Ngô Đình Diệm đến như vậy. Ngay khi hoàn tất phần thẩm tra, lấy lời khai của người ám sát Tổng thống đúng một tháng 3 ngày, Ngô Đình Nhu (cố vấn của anh trai Ngô Đình Diệm) tìm cách "loại bỏ" bớt quyền bính trong tay một số nhân vật có liên quan đến lời khai của Hà Minh Trí. Vốn tính đa nghi, để "sạch sẽ" bộ máy, Diệm loại luôn một số tay chân có hơi hướng với kẻ "dính dáng". Nhiều tên tỏ thái độ bất mãn, chán nản ra mặt, chính quyền Diệm đang tự đào hố chôn sống mình.

Về phần Hà Minh Trí, chúng đưa anh về tổng nha Cảnh sát giam giữ biệt lập với các phòng giam khác. Đây là một căn phòng đặc biệt dành cho phạm nhân đặc biệt. Chúng có hẳn 10 điều áp dụng cho phạm nhân này mà từ lính canh đến trưởng ngục đều phải thuộc lòng: "Canh gác nghiêm ngặt, không để phạm nhân tự tử, vượt ngục; ghi sổ cụ thể giờ giấc những người đưa cơm, dẫn phạm nhân đi vệ sinh; không trò chuyện với phạm nhân và không để phạm nhân trò chuyện với bất kì ai; chìa khóa phòng phạm nhân do giám đốc Tổng nha giữ"... Mỗi lần anh muốn đi vệ sinh thì một tên lính gác ấn chuông điện báo hiệu cho giám đốc xuống mở cửa và đến giờ cơm giám đốc trại tận tay đưa cơm, kiểm tra thức ăn trước.

Thời gian ở tổng nha Cảnh sát không bị tra tấn và hỏi cung, lại không được nói chuyện với bất kì ai khiến Trí thấy trống vắng vô cùng. Anh nung nấu ý định vượt ngục để về gặp anh em trong chiến khu. Sau này, ở khu vực gần phòng giam của anh, bọn chúng xây thêm một dãy phòng B làm nơi giam cầm những người tù chính trị khác, anh được chuyển sang giam ở phòng số 10. Chỗ ở mới dễ thở hơn, không có lính giám sát như phòng cũ, anh được gặp gỡ, nói chuyện vời các bạn tù. Cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn, khi buồn anh hát, thấy đồng chí mình bị tra tấn, anh cũng hát động viên họ. Giọng hát của anh bay bổng, ấm áp len lỏi vào các phòng giam của anh chị em để khích lệ, động viên các bạn tù kiên trung, giữ khí tiết.

Một hôm, Trí được đưa lên văn phòng tổng nha mà ở đó có đầy đủ bộ dàn lãnh đạo cao nhất của Tổng nha Cảnh sát. Tại đây, khi anh còn chưa kịp định hình được điều gì sẽ xảy ra với mình thì một tên đại tá đưa ra những câu hỏi dồn dập: "Tại sao anh giết Tổng thống? Sau khi hành động, biết Tổng thống không chết anh có tiếc không? Anh có vợ chưa?”. Câu trả lời cũ được anh lặp lại.

Vẫn ba câu hỏi quen thuộc, chúng lại đưa anh trở lại phòng giam. Anh không thể hiểu tại chúng gọi anh lên trước một bộ sậu lãnh đạo cao cấp như vậy lại chỉ hỏi có ba câu chẳng đâu vào đâu. Về tới phòng, anh kể lại cho mọi người nghe. Một số anh em có kinh nghiệm biết ngay đó là Tòa án quân sự đặc biệt của chính quyền Ngô Đình Diệm. Tòa án bí mật, không thầy cãi, không tranh luận. Chúng muốn kết án bao nhiêu năm hay tử hình đều được. Không cần căn cứ vào bất cứ thứ luật nào, tội mưu sát Tổng thống của Hà Minh Trí thì chỉ có tử hình thôi.

Hoa Nguyên - Hương Lam

Kỳ 6: Sài Gòn soán đổi ngôi chủ


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.