Cuộc chuyển giao quyền lực giữa "nữ tướng" PNJ và sếp cũ DongABank

Cuộc chuyển giao quyền lực giữa "nữ tướng" PNJ và sếp cũ DongABank

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 2, 18/06/2018 18:40

Rời "ghế nóng" CEO của PNJ sau 14 năm nắm quyền điều hành, bà Cao Thị Ngọc Dung quyết định chuyển giao quyền lực cho một người mà bà nghĩ có thể tạo ra “cú nổ lớn” (big bang) cho PNJ sau năm 2020.

Dùng lại cấp phó của chồng

Cuộc chuyển giao quyền lực tại công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) sau đại hội Cổ đông 2018 vừa rồi gây được sự chú ý của dư luận.

Theo đó, từ ngày 21/4/2018, ông  Lê Trí Thông - Phó Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) PNJ sẽ đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc thay cho bà Cao Thị Ngọc Dung, người đã giữ cương vị này 14 năm.

Cuộc chuyển giao quyền lực giữa 'nữ tướng' PNJ và sếp cũ DongABank

Ông Lê Trí Thông, người từng làm cấp phó của cựu Tổng Giám đốc ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình, nay làm Giám đốc PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung

Tân Tổng Giám đốc PNJ Lê Trí Thông là con trai của ông Lê Văn Trí - nguyên Phó Tổng giám đốc công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam (CSM), và anh trai của "cô gái vàng" Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang.

Theo hồ sơ lý lịch lưu tại PNJ, ông Thông sinh năm 1979, là kỹ sư công nghệ hóa học (đại học Bách Khoa Hà Nội), sau đó theo học và tốt nghiệp chương trình MBA tại đại học Oxford (vương quốc Anh).

Ông Thông cũng từng gia nhập ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) và giữ vị trí Phó Tổng giám đốc thường trực từ năm 2008 đến năm 2013.  Thời kỳ này ông Trần Phương Bình – chồng bà Cao Thị Ngọc Dung - là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc DongABank.

Ông Thông là người từng được ông Trần Phương Bình nhắm vào vị trí Tổng Giám đốc tương lai nhà băng này, nhưng đã bất ngờ chia tay ngân hàng từ 15/2/2014.

Một năm rưỡi sau đó, DongABank rơi vào tình trạng bị ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt vì những sai phạm trong quản lý, dẫn tới việc dàn lãnh đạo bị khởi tố, bắt tạm giam.

Rời DongABank, ông Thông tiếp tục đầu quân cho Prudential Vietnam, làm Phó Tổng giám đốc chiến lược.

Và ngày 27/4/2017, ông Thông gia nhập PNJ với vị trí Phó Chủ tịch HĐQT, sau đó được bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc hôm 21/4/2018.

Vì sao chọn ông Lê Trí Thông?

Là người gắn bó với PNJ 30 năm qua, biến một đơn vị kinh tế nhỏ cấp quận thành doanh nghiệp nữ trang quy mô hàng đầu Việt Nam như ngày nay, bà Cao Thị Ngọc Dung từng "đau đầu" trong việc tìm kiếm người kế vị chiếc ghế nóng Tổng Giám đốc.

Cuộc chuyển giao quyền lực giữa 'nữ tướng' PNJ và sếp cũ DongABank (Hình 2).

Bà Cao Thị Ngọc Dung đặt nhiều kỳ vọng vào tân Tổng Giám đốc Lê Trí Thông sẽ làm PNJ đột phá sau năm 2020 (ảnh: PNJ)

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông 2017, bà Dung từng chia sẻ, trong 5 năm qua, công ty đã có kế hoạch đào tạo nhân sự cấp cao để chuẩn bị cho việc chuyển giao “ghế nóng”. PNJ đã lần lượt nhắm tới  2 nhân sự song cuối cùng đều bất thành.

Cuối cùng, PNJ chọn ông Lê Trí Thông.

Bà Dung chia sẻ, ngành bán lẻ đang chứng kiến những thay đổi mang tính sáng tạo và đào thải cao. “PNJ bây giờ mặc dù tăng trưởng mạnh nhưng nếu không có ý thức về việc tiếp cận công nghệ 4.0 thì một vài năm nữa thôi đường sin đang đi lên sẽ đi xuống” – "nữ tướng" PNJ nói.

Do đó, một chiến lược mới được "nữ tướng" này đề ra cho dàn điều hành mới trong giai đoạn 2018 – 2022 để chuẩn bị cho đường sin tiếp đi lên của PNJ là chuyển đổi số hóa để trở thành nhà bán lẻ chuyên nghiệp.

Quá trình chuyển đổi mang tính bước ngoặt như vậy cần có người thực hiện. “Đây là thời đại 4.0, thời đại của kinh doanh thế giới. Các vị lãnh đạo lâu năm tại PNJ có thể làm CEO nhưng để tạo ra ‘cú nổ lớn’ (big bang) thì không có. Thông hội đủ điều kiện” - bà Dung giải thích về việc chọn một người từ bên ngoài vào vị trí lãnh đạo ở PNJ. 

PNJ sẽ bán cả đồng hồ

“Định hướng chiến lược của PNJ khi chuyển đổi thành một nhà bán lẻ chuyên nghiệp nghĩa là không chỉ bán hàng của mình, mà còn bán thêm một số sản phẩm khác… Trước mắt là đưa sản phẩm đồng hồ bán tại 100 cửa hàng PNJ”

(Cao Thị Ngọc Dung)

Năm 2017, doanh thu của PNJ đạt 11.049 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 724 tỷ đồng, tương ứng mức tăng lần lượt là 28% và 61%.

Trong đó, doanh thu mảng bán lẻ trang sức tăng gần 39%, chiếm hơn một nửa cơ cấu doanh thu, là động lực tăng trưởng chính.

Tính đến cuối năm 2017, PNJ sở hữu 269 cửa hàng, trở thành công ty có hệ thống cửa hàng nữ trang quy mô lớn nhất Việt Nam và nằm trong tốp 3 nhà bán lẻ châu Á do tạp chí chuyên ngành nữ trang thế giới Jewelry News Asia bình chọn.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.