Cuộc chuyển mình ở "vùng đất thép" trên cao nguyên

Cuộc chuyển mình ở "vùng đất thép" trên cao nguyên

Thứ 7, 16/11/2024 16:35

Từ một xã đặc biệt khó khăn, đến nay xã Khuê Ngọc Điền đã có nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội. Nhờ nỗ lực xây dựng nông thôn mới, cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng khởi sắc.

Cơ hội mới cho vùng căn cứ

Xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) được hình thành trước năm 1959 theo chính sách di dân của Mỹ - Diệm, đưa người dân các tỉnh Quảng Nam, Bình Định vào sinh sống. Khuê Ngọc Điền được ví như "vùng đất thép" của Nam Tây Nguyên, bởi trong giai đoạn 1965 – 1975, vùng đất Khuê Ngọc Điền là tuyến địa đầu kháng chiến của tỉnh Đắk Lắk.

Trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, quân xâm lược đã tìm cách biến Khuê Ngọc Điền thành "vành đai trắng", tổ chức hàng chục trận càn quét quy mô lớn. 

Thế nhưng, với ý chí kiên định, Đảng bộ, dân và quân xã đã "lấy hang đá làm nhà, rễ tranh làm muối, củ rừng thay cơm" để bám trụ và giữ vững căn cứ kháng chiến. Tháng 2/1965, người dân nơi đây đã phát động phong trào khởi nghĩa, đứng lên đấu tranh và giải phóng.

Cuộc chuyển mình ở "vùng đất thép" trên cao nguyên- Ảnh 1.

Nhiều tuyến đường nông thôn tại tỉnh Đắk Lắk được bê tông hóa.

Thông tin từ ông Hồ Thanh Lịch, Chủ tịch UBND xã Khuê Ngọc Điền cho biết, sau giải phóng, nhân dân xã Khuê Ngọc Điền vào rừng sống để tách khỏi sự kìm cặp của Ngụy – Quyền và cùng các lực lượng của các xã trên địa bàn huyện và của tỉnh kiên cường đấu tranh đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Sau năm 1975, dân số xã Khuê Ngọc Điền từ hơn 1.000 người giảm xuống chỉ còn 63 hộ với 217 người. Thực hiện chính sách kinh tế mới của Đảng và Nhà nước, xã tiếp nhận hàng nghìn người từ các tỉnh khác, chủ yếu là tỉnh Quảng Nam lên lập nghiệp. Tuy nhiên, đất đai nơi đây bị tàn phá nặng nề, với hố bom, mìn và giao thông khó khăn, khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều thử thách.

Ông Lịch nhớ lại: "Do ảnh hưởng của chiến tranh, sau ngày giải phóng, vùng đất Khuê Ngọc Điền rất hoang sơ, chủ yếu là rừng. Người dân chủ yếu trồng cây lương thực thực phẩm để mưu sinh, nhưng hằng năm thiên tai lũ lụt làm hư hại phần lớn diện tích hoa màu. Thêm vào đó, đường sá đi lại chủ yếu là đường đất lầy lội, các hoạt động cơ giới hóa chưa phát triển, cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào tự cung tự cấp, sản xuất nông nghiệp thô sơ, năng suất lao động không cao".

Cuộc chuyển mình ở "vùng đất thép" trên cao nguyên- Ảnh 2.

Cây mía đã giúp nhiều hộ dân ở xã Khuê Ngọc Điền nâng cao thu nhập.

Tuy nhiên, với sự đoàn kết, nỗ lực, nhân dân trên địa bàn xã từng bước thiết lập lại cuộc sống. Đến nay, xã Khuê Ngọc Điền có 12 thôn, hơn 1.700 hộ, với khoảng 7.700 nhân khẩu.

Từ một xã đặc biệt khó khăn, đến nay xã Khuê Ngọc Điền đã có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế phát triển theo hướng bền vững, nông nghiệp phát triển gắn với công nghiệp, dịch vụ. Cơ cấu giá trị sản xuất theo ngành kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 43%, giảm 7% so với đầu năm 2020; công nghiệp, xây dựng 25%, tăng 1,5% so với đầu năm 2020; thương mại - dịch vụ 32%, tăng 2,5 % so với đầu năm 2020.

Cuộc chuyển mình ở "vùng đất thép" trên cao nguyên- Ảnh 3.

Những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát.

Trong những năm gần đây, xã đã đưa vào trồng một số cây ngắn ngày như mía, bắp nếp, bắp ngọt, cây dưa và khoai môn. Từ đó, giúp nâng cao thu nhập và chuyển đổi sản xuất theo hướng đa canh hàng hóa. 

Đặc biệt, được sự quan tâm của huyện và tỉnh, xã được đầu tư 2 trạm bơm tại khu đồng Kỳ Vinh (dự kiến bàn giao trong năm 2024) và khu đồng Đồi Sơn (khởi công trong năm 2024 và dự kiến đưa vào hoạt động năm 2025). "Nếu 2 trạm bơm đi vào hoạt động, nông nghiệp của xã sẽ có nhiều khởi sắc. Nhân dân sẽ không phải lo lắng về tình trạng thiếu nước sản xuất nữa", ông Lịch cho hay.

Giá trị thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2024 đạt 53 triệu đồng/người/năm, tăng 23,8 triệu đồng/người/năm so với đầu năm 2020. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đến cuối năm 2024, tỉ lệ hộ nghèo hộ nghèo 106 hộ, chiếm tỉ lệ 6,1%; hộ cận nghèo 112 hộ, chiếm tỉ lệ 6,5%.

Xã nghèo thay "áo mới"

Ngoài những kết quả nói trên, cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã Khuê Ngọc Điền cũng được cải thiện rõ rệt. Những con đường nhỏ hẹp đã được thay thế bằng các tuyến đường bê tông. 

Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn xã đã xây dựng bê tông xi măng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, tổng chiều dài lên đến 31,47km đường. 

Người dân trên địa bàn đã tự giác đầu tư, nâng cấp nhà cửa, đường làng ngõ xóm, vận động hiến đất, góp tiền, góp công để xây dựng đường xá, hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

Theo chân một cán bộ xã, chúng tôi có mặt tại thôn 12 (xã Khuê Ngọc Điền) vào một ngày giữa tháng 11/2024. Không còn hình ảnh những con đường nhỏ hẹp, nắng bụi, mưa lầy như trước đây, giờ đây thôn 12 đã khoác lên mình diện mạo mới với các tuyến đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ.

 2 bên đường, nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên san sát, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ và đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.

Cuộc chuyển mình ở "vùng đất thép" trên cao nguyên- Ảnh 5.

Nhiều tuyến đường giao thông nội đồng được bê tông hóa.

Ông Võ Văn Chương, Trưởng thôn 12 cho biết: "Trước năm 2014, đường giao thông nông thôn ở đây hư hỏng, lầy lội, chi chít ổ voi, ổ gà, gây khó khăn cho việc đi lại của bà, đặc biệt vận chuyển nông sản từ ngoài đồng về nhà".

Trước thực trạng đó, những năm qua, ông Chương đã âm thầm đi đến từng nhà dân để tuyên truyền, vận động bà con hiến đất, di dời tài sản, công trình trên đất và đóng góp kinh phí phục vụ xây dựng đường.

Cuộc chuyển mình ở "vùng đất thép" trên cao nguyên- Ảnh 6.

Cánh đồng lúa ở xã Khuê Ngọc Điền.

Những năm qua, người dân trong thôn đã hiến khoảng 4.000m2 đất. Đồng thời, người dân cũng tự nguyện đóng góp kinh phí và ngày công để làm đường.

Đến nay, gần 2.000m đường bê tông trong thôn đã được xây dựng khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương buôn bán và phát triển kinh tế xã hội. Học sinh cũng không còn phải nghỉ học vào những ngày mưa như trước đây nữa, việc đến trường dễ dàng hơn. 

Đặc biệt, những tuyến đường giao thông nội đồng cũng được cứng hóa, giúp việc vận chuyển nông sản của nhân dân ngày càng thuận lợi, giảm chi phí sản xuất.

Cuộc chuyển mình ở "vùng đất thép" trên cao nguyên- Ảnh 7.

Ông Hồ Thanh Lịch, Chủ tịch UBND xã Khuê Ngọc Điền chia sẻ về những kết quả xây dựng nông thôn mới của xã.

Ông Hồ Thanh Lịch, Chủ tịch UBND xã Khuê Ngọc Điền thông tin, để đạt được những kết quả nói trên, chính quyền địa phương luôn giữ vững đoàn kết thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân để tạo thành sức mạnh tổng hợp trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đặc biệt, phải sâu sát và lắng nghe nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; phát huy vai trò làm chủ của người dân, tạo niềm tin trong nhân dân đối với chính quyền.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải cách bộ máy hành chính; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức...

Xã Khuê Ngọc Điền phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ đạt được 15/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2025.

Khánh Ngọc

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.