Cuộc đánh ghen dai dẳng nhất trong lịch sử đã chấm dứt?

Cuộc đánh ghen dai dẳng nhất trong lịch sử đã chấm dứt?

Thứ 2, 11/02/2013 11:16

Mấy năm trở lại đây, người dân xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội chứng kiến hiện tượng rất lạ, mùa mưa, nước lũ không còn dâng ngập ruộng đồng như những năm trước. Họ cho rằng, cuộc đánh ghen đời đời kiếp kiếp giữa Thủy Tinh và Sơn Tinh đã chấm dứt. Xung quanh câu chuyện của quá khứ này, có nhiều điều thú vị để giới trẻ tò mò.

Cuộc đánh ghen ở "Núi Tản sông Đà"

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, cuộc đánh ghen giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh diễn ra ở núi Ba Vì (Hà Nội):  "Với người Mường, không gian lấy vùng quanh núi Tản Viên, nơi tụ cư cổ của họ, với trung tâm là núi Tản Viên làm không gian chính. Trong những ghi chép trung đại của người Kinh, không gian mở rộng ra toàn Bắc bộ và cũng lấy đỉnh núi Ba Vì làm đỉnh điểm".

Ông Đinh Công Chỉnh, SN 1934, trú tại thôn Lặt, xã Minh Quang (Ba Vì, Hà Nội) là người có nhiều năm nghiên cứu về vùng văn hóa cổ Ba Vì cho rằng, nguồn gốc của cuộc đánh ghen liên quan đến việc gả con gái của vua Hùng: "Vua Hùng Vương thứ 18 sinh được một nàng công chúa xinh đẹp tuyệt trần. Nhà vua hết mực yêu thương, muốn kén cho con một người chồng thật xứng đáng. Một hôm, Sơn Tinh và Thủy Tinh cùng đến cầu hôn. Cả hai chàng đều tài giỏi, vua không biết sẽ chọn ai, bèn phán: Nếu ai đem đủ sính lễ gồm: Một trăm ván cơm nếp, hai trăm nệp bánh trưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao đến sớm hơn thì được rước dâu về. Sáng hôm sau, Sơn Tinh mang đầy đủ đồ thách cưới đến sớm nên đã rước Mị Nương về. Thủy Tinh đến sau, không cưới được vợ nên tức giận, dâng nước đánh Sơn Tinh".

Xã hội - Cuộc đánh ghen dai dẳng nhất trong lịch sử đã chấm dứt?

Nhà Nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ

Trong cuốn "Sơn Tinh và vùng văn hóa cổ Ba Vì" có ghi: "Sức mạnh của Thủy Tinh thật ghê gớm. Hắn phá tung cả những dãy gò đồi ở phía Bắc Ba Vì tạo thành suối Di, kể cả ruộng đồng ở phía Đông núi cũng thành sông Tích. Hắn húc nghiêng cả hòn Chàng Rể án ngữ phía Tây dãy Ba Vì, đến nỗi trái núi này bây giờ vẫn còn "gù lưng", không ngẩng lên được nữa. Thủy Tinh và bộ hạ của hắn đã gây cho dân vùng này biết bao tai họa và khủng khiếp đến mức hàng năm, dân phải ném xuống sông cống nạp cho chúng những người con gái còn trinh như các truyện kể ở vùng Tây Đằng, Vật Lại, Cam Thượng, Đường Lâm".

Thủy Tinh còn hung hãn dâng nước lên tận Ao Vua và Khoang Xanh ở ngang sườn núi Tản. Nước lũ dâng cao đã cướp đi nhiều gà, lợn, trâu, bò... gây thiệt hại lớn cho nhân dân. Sơn Tinh nghĩ ra trăm phương nghìn kế để chiến thắng Thủy Tinh, từ việc cắm chông trà ở bãi Đá Chông, thả rong rào, giăng lưới ở vùng Suối Cái, cho quân gieo hạt thành rừng xung quanh ngọn U Bò, ném lạt tạo thành lũy tre dày ở vùng Ngòi Lạt rồi lao gỗ đá từ trên núi xuống đánh tan quân của Thủy Tinh, vỡ chạy thành 16 ngả ở vùng Đầm Đượng. Trên bãi chiến trường của Sơn Tinh vẫn còn đó dấu vết của những tàn binh, bại tướng của Thủy Tinh như rùa, cá sấu ở Vân Sơn; rắn và giải ở Phụ Khang; thuồng luồng  ở cầu Hang vùng sông Tích và thủy quái ở Ghềnh Bợ trên dải sông Đà. Xác quân lính của Thủy Tinh biến thành đá, thành đồi. Số tàn binh sống sót tìm khu vực sâu ẩn nấp, chờ chủ tướng rồi hàng năm lại trở về quấy đảo trong mùa nước lũ.

Năm nào Thủy Tinh cũng dâng nước đánh Sơn Tinh. Vào khoảng thời gian tháng 4 và tháng 5, nước ngập mênh mông khắp đồng ruộng, mùa màng mất trắng. Người dân nơi đây lại cất vó, quăng chài đánh bắt thủy sản. "Chưa thấy ở vùng nào có nhiều cá, ba ba, ếch, nhái, lươn, trạch... như ở vùng này" - ông Chỉnh cho hay.

Xã hội - Cuộc đánh ghen dai dẳng nhất trong lịch sử đã chấm dứt? (Hình 2).

Ngày nay nơi đây đã biến thành ruộng ngô xanh ngắt

Những kiến giải thú vị 

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho hay: "Những nghiệm sinh của người Mường cổ trên địa bàn xung quanh núi Ba Vì, về cảnh quan, địa vực, thời  tiết, kinh nghiệm sống, quá trình tụ cư mà đã hình thành nên những kí ức bản quán của họ, thể hiện trong tín ngưỡng, tục lệ và huyền thoại. Nhà dân tộc học Từ Chi, qua nhiều năm sống và nghiên cứu người Mường đã có những lí giải sâu sắc về vấn đề này trong các công trình của cụ. Quan niệm về thế giới với mường bằng và mường nước cùng những xung khắc ảnh hưởng đến đời sống cư dân; tín ngưỡng thờ núi, thờ đất của họ; trực quan và kinh nghiệm lũ lụt và chống lũ lụt để bảo toàn cộng đồng...  đã tạo nên những huyền thoại về thần Bua Bà Ví (hay Đức Thánh Đản sau này) của người Mường. Trong đó, cuộc đấu tranh (mang nội dung tín ngưỡng) đã trực tiếp làm cốt lõi cho tình huống "đánh ghen".

Tiếp đến, khi quốc gia Đại Việt được thành lập, kinh thành Thăng Long được xác lập, các nhà sử học, các trí thức ái quốc đã lấy núi Ba Vì làm linh sơn của quốc gia, cư dân Mường là một thành phần quan trọng của quốc gia đó, huyền thoại của người Mường được coi như là sử liệu của nguồn cội dân tộc và đã được ghi chép, sáng tạo thêm qua văn xuôi chữ Hán. Lúc này, không gian câu chuyện mở rộng ở địa vực quốc gia lúc đó, con đường đánh ghen, không gian đánh ghen mở từ cửa sông Đáy cho đến toàn bộ sông ngòi Bắc bộ, Thủy Tinh được ý thức từ biển mà tiến vào. Nó đi vào sử kí quốc gia.

Bước thứ ba, với người Kinh, quanh chân núi Ba Vì (càng ngày càng đông), truyền thuyết này biến cải trong tục thờ tự và lễ hội dân gian, càng ngày càng mang màu sắc Nho giáo, cuộc thách cưới vừa lãng mạn nhưng cũng khá "thiên vị" được gia giảm vào cho nó "mộng". Bước thứ tư, từ "thần" Tản Viên trở thành "thánh" Tản Viên là có sự tham gia của Đạo Mẫu Liễu Hạnh, một tôn giáo bản địa hình thành thế kỉ XVI và phát triển cho đến hiện đại. Tản Viên được coi là một trong cái gọi là "Tứ bất tử" của người nước Nam. Chi tiết thách cưới "voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao", mang cảm quan đạo giáo, xuất hiện.

Hiện nay, sách giáo khoa trong nhà trường, chủ yếu coi cuộc đánh ghen này như thành quả trị thủy, khắc phục thiên tai, chống bão lụt của dân tộc Việt Nam.

Cuộc đánh ghen ngàn đời đã chấm dứt?

Hai năm trở lại đây, người dân xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội đã chứng kiến một hiện tượng rất lạ. Nước lũ không còn ngập các cánh đồng, mùa màng tốt tươi. Một số người cho rằng, cuộc đánh ghen giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh đã chấm dứt.

Cô Lê Thị Lan, xóm Víp, thôn Lặt, xã Minh Quang cho hay, có thể là do việc xây dựng, tu bổ khu di tích đền thờ Tản Viên nên thủy quái đã không dám đến hành dân chúng. Ngày nay những bãi bồi ven sông đã tạo thành những bãi bồi phù sa thuận lợi cho cày cấy, trồng trọt. Chúng tôi có thể cấy được  2 - 3 vụ/năm, thóc lúa đầy bồ. Những ruộng ngô xanh, cho bắp to, hạt mẩy, chắc... Cuộc sống của người dân ấm no, hạnh phúc".

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, khu vực này là nơi hợp lưu của con sông Đà và sông Lô nên mùa mưa nước lũ sẽ dâng cao. Từ khi đắp đập sông Đà, năm 1979, nước vùng này đã rút xuống do lưu lượng nước của các con sông lớn đã giảm.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ lý giải: "Khoa học có lý giải của khoa học, dân gian có niềm tin của dân gian. Dân gian không thể sáng tạo ra đập thủy điện sông Đà hoành tráng và kỳ vĩ. Nhiều trí tuệ bác học đã làm việc, sáng tạo, thậm chí hi sinh cho công trình vĩ đại này. Lũ lụt được khống chế một phần là nhờ nó. Nhưng huyền thoại dân gian thì vẫn cứ sống đời sống lấp lánh, duy cảm của mình, làm đẹp nên đời sống tinh thần của chúng ta. Chúng ta tôn trọng những "lý giải" hùng hậu đó. "

Có rất nhiều nguồn tài liệu viết về cuộc đánh ghen giữa Thủy Tinh và Sơn Tinh

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, "Sách ghi lại câu chuyện này thì nhiều lắm, có thể kể đến như: Lĩnh Nam chích quái, Đại Việt sử kí toàn thư, Tân đính Lĩnh Nam chích quái, một số thần tích thần phả... rồi đến những diễn ca lịch sử chữ Nôm thời trung đại như Việt sử diễn âm, Thiên Nam ngữ lục, Đại nam quốc sử diễn ca... Những sưu tầm truyện cổ hiện đại cũng không thôi ghi chép câu truyện này như Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi, các tài liệu sưu tầm của các nhà nghiên cứu và của sinh viên hai trường đại học Sư phạm và đại học Tổng hợp trong những năm 1960, những sưu tầm của các nhà nghiên cứu Trung ương và địa phương trên không gian Mường - Việt sau này... Có thể chia theo chữ viết thành 3 loại: Ghi chép bằng chữ Hán, diễn ca bằng chữ Nôm và sưu tầm hoặc dịch thuật bằng chữ quốc ngữ. Mỗi một tài liệu, cung cấp cho chúng ta những thông tin thú vị về truyền thuyết dân gian này".

Lê Anh - Hoàng Thế Tào

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.