Cuộc đấu giành sự sống của những “chiến binh” chống lại cơn ác mộng ung thư

Cuộc đấu giành sự sống của những “chiến binh” chống lại cơn ác mộng ung thư

Mai Thị Thu Hằng

Mai Thị Thu Hằng

Thứ 3, 29/08/2017 10:53

Biết mình mang án tử, có lúc họ tuyệt vọng, định tìm đến cái chết để quên đi tất cả. Nhưng rồi, trong giây phút chới với, họ chợt nhận ra, nếu chết đi những người ở lại sẽ thế nào? Chính sự thức tỉnh trong suy nghĩ đã thôi thúc những bệnh nhân ung thư vươn lên giành giật sự sống từ tay tử thần.

Tương lai vụt tắt…

Khi biết mình mắc bệnh ung thư xương, em Nguyễn Thị Nga (17 tuổi, Lào Cai) ngất lịm. Với một cô bé đang ở tuổi nhiều mộng mơ, chưa một lần được bước chân vào giảng đường thì đây là cú sốc quá lớn.

Trò chuyện với PV, Nga cho biết, cuối năm 2016 Nga thấy cơ thể mình đau nhức, nhưng vì đang trong thời gian học nên em cũng không để ý lắm. Một thời gian sau đó, Nga thấy như có gì ăn vào xương mình và khó đi lại, bố mẹ vội vàng cho Nga đi khám thì bác sĩ kết luận Nga bị ung thư xương.

Em tâm sự: “Khi biết mình bị ung thư, em choáng váng, không tin vào tai mình. Bố mẹ, các anh chị trong nhà cũng hoảng loạn. Mọi thứ đóng sập lại trước mắt. Mẹ em đêm nào cũng khóc. Đối với em khi đó mà nói, lúc nào em cũng mang tâm trạng mình... sắp chết”.

Đời sống - Cuộc đấu giành sự sống của những “chiến binh” chống lại cơn ác mộng ung thư

Cô gái 17 tuổi với nhiều mơ ước phía trước

 Sau chuỗi ngày suy sụp, Nga dừng việc học để xuống viện K3 điều trị. Theo phác đồ đưa ra, mỗi tháng 2 lần Nga cùng chị dâu xuống Hà Nội.

“Em đau lắm, một ngày phải truyền bao nhiêu loại thuốc, cánh tay nhiều hôm đau nhức. Hóa chất làm mái tóc dài của em biến mất. Thời gian đầu, em không dám soi gương, chỉ lấy tay sờ sờ lên đầu rồi lại quay vào tường khóc. Sau này được đi học lại, không có tóc chẳng biết các bạn có trêu đùa hay không. Em chỉ muốn được khỏe mạnh để đến trường. Những ngày qua, em cũng đã đấu tranh tư tưởng rất nhiều, nhưng khi nghe đến hai từ “ung thư” em lại rùng mình vì nghĩ đến cái chết, nghĩ đến một tương lai tối tăm, vô định”, Nga nói trong tiếng nấc.

Chia sẻ với PV điện tử Người Đưa Tin, chị Vi Thị Tuyết (chị dâu của Nga) cho biết: “Tháng 3/2017 gia đình tôi phát hiện em gái mắc bệnh ung thư xương. Khi đó ai cũng sốc, không nghĩ rằng em gái còn nhỏ tuổi mà mắc phải căn bệnh này. Bố mẹ tôi cũng đã lớn tuổi rồi, khi biết bệnh tình của Nga, mẹ chồng tôi khóc suốt vì thương con gái út. Gia đình cũng không mấy khá giả gì nên việc điều trị cho em càng trở nên khó khăn hơn”.

Con nhỏ khát sữa đợi mẹ về

Cũng mắc căn bệnh ung thư quái ác, chị Nguyễn Thị Giang (25 tuổi, Thanh Hóa) kể: “Khi mang thai bé đầu lòng, tôi nhận thấy cơ thể mình thường xuyên đau nhức, đi lại khó khăn. Sau khi con chào đời, không thể chịu đựng hơn nữa, đi khám các bác sĩ kết luận tôi bị ung thư xương, phải nhập viện ngay để điều trị. Tôi giấu chồng, mẹ đẻ để được về nhà ở bên cạnh con trai mới sinh thêm một thời gian nữa. Nhưng bị ung thư xương thì không giấu được lâu, tôi không thể đi lại cũng như không còn sức mà chăm sóc cho con trai mình”.

Vậy là chị Giang phải xa đứa con mới sinh, ra Hà Nội để điều trị bệnh. Suy sụp về tinh thần, chị giảm hơn chục cân. Không chỉ có chị, mà chồng và mẹ đẻ chị cũng gần như tuyệt vọng khi biết chị mắc ung thư.

Trò chuyện với PV, chị Giang không ngừng nhắc đến đứa con trai tội nghiệp của mình. Bé chịu thiệt thòi khi thiếu hơi ấm của mẹ, không được mẹ chăm sóc nâng niu.

Đời sống - Cuộc đấu giành sự sống của những “chiến binh” chống lại cơn ác mộng ung thư (Hình 2).

Chị Giang ngày nào cũng nhớ đến con nhỏ

 Chị Giang nghẹn ngào: “Tôi biết, mình phải chấp nhận sự thật rằng mình bị ung thư. Nhưng cứ nghĩ đến con trai là tim tôi như nghẹn lại. Nhiều đêm nhớ con trai không ngủ được, tôi lại mang ảnh con ra ngắm. Hoặc bây giờ mỗi lần được về nhà, nhưng không thể đi lại được, không được bế con, ôm con vào lòng tôi thấy cuộc sống không còn ý nghĩa gì nữa. Giờ chỉ mong kéo dài được sự sống để có thể ở bên con trai thật lâu, được chứng kiến con trai trưởng thành”.

Từ ngày chị ra Hà Nội chữa bệnh, con trai chị gửi cho mẹ đẻ chăm sóc, chồng chị phải đi làm trong Sài Gòn để có tiền chữa bệnh cho vợ. Chị Giang được chị gái mình chăm sóc, chị Giang không thể đi lại được nữa nên mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào chị gái.

Còn với Nga, khi được hỏi về hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư, em khóc không thốt nên lời. Bởi, bố mẹ đã bán hết những gì đáng giá trong nhà để chữa trị cho Nga. Các anh chị em trong gia đình cũng đã dốc hết sức vì cô em gái út. Nhưng hy vọng vẫn chưa được nhen nhóm khi sức khỏe của Nga ngày một yếu đi.

Trao đổi với PV, bác sĩ Trần Văn Công – Trưởng khoa Nhi BV K3 Tân Triều (HN) cho biết: “Ngoài thuốc, các liệu pháp điều trị thì chúng tôi cũng động viên tinh thần cho các bệnh nhân rất nhiều. Chỉ mong mỗi bệnh nhân hãy cố gắng chiến đấu với căn bệnh này”.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.