Nếu như người ta muốn thử một trong những trò chơi chữ sực nhớ ra trong mối liên quan đến tên của tờ báo Zeit [Thời Gian] thì tôi ủng hộ cho ‘hợp thời’ (hợp Thời Gian). Nó đúng nhất. ‘Phi thời gian’ không còn phù hợp nữa, ngay cả khi các ông thánh của nhà này, chân dung của họ trang trí cho hành lang dẫn đến phòng của tổng biên tập, không thích nghe như thế.
Marion Gräfin Dönhoff và Gerd Bucerius có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng được, rằng trang bìa báo của họ có lần được tô điểm bởi một cái túi chườm nước nóng được nhét vào trong một cái áo len có vạch đủ màu. Nhưng có lẽ, không phải, chắc chắn là họ sẽ dịu xuống khi nhìn đến con số báo bán được hiện nay. Vì tất nhiên là họ cũng biết rõ rằng làm báo tốt, độc lập, là không thể có nếu như không có thành công về kinh tế.
“Trong khoảng khắc mà một tờ báo lâm vào tình cảnh khó khăn về kinh tế thì các điều kiện thay đổi ngay lập tức và rất mạnh”, Giovanni di Lorenzo nói, người chịu trách nhiệm cho cái hình bắt mắt kỳ lạ đó. “Người ta không còn đi theo chiều sâu được nữa, vì thiếu tiền cho các cuộc điều tra. Người ta không còn tiếp cận một cách thư giãn đến các câu chuyện được nữa, vì áp lực đã tăng lên. Nỗi lo sợ bị cho thôi việc lẫn quất trong bầu không khí của ban biên tập. Và điều tồi tệ nhất: có thể là người ta sẽ bắt đầu nhân nhượng điều này hay điều khác và qua đó mà đánh mất đi một phần của sự tự chủ.”
Giovanni di Lorenzo nắm vận mệnh của tờ Zeit từ tám năm nay. Trong khi trước đây mười năm người ta đã rung chuông báo tử cho tờ tuần báo này thì di Lorenzo đã biết cách không những chận được xu hướng đi xuống mà còn làm tăng con số phát hành lên thêm hai mươi phần trăm nữa.
Với trên 500.000 số báo bán được, tờ ‘báo trí thức’ ở Hamburg là tờ báo Đức được đọc nhiều nhất sau báo Bild. Anh làm điều đó như thế nào? “Chẳng biết nữa”, anh ấy trả lời với một sự cởi mở khiến cho người ta không thể giận được, “đó cũng là thành công của những người tiền nhiệm Roger de Weck, Josef Joffe và Michael Naumann, những người đã bắt đầu hiện đại hóa tờ báo. Và cũng không có một công thức chung cho thành công. Người ta phải hết sức tỉnh táo, có lẽ diễn tả như thế là tốt nhất. Tất nhiên là có những nguyên tắc nhất định cho báo chí, nhưng nếu không muốn rơi xuống thì người ta phải liên tục chỉnh sửa đường hướng của mình và cải mới. Báo Zeit ngày nay có một giới độc giả rộng hơn là vào lúc giao thiên niên kỷ rất nhiều. Chúng tôi đã có thêm được rất nhiều bạn đọc trẻ, cái không chỉ có thể đọc được qua con số 40.000 số báo được sinh viên đặt dài hạn. Cho tới chừng nào còn có một liên kết như vậy thì tờ báo này cũng còn chưa phải chịu số phận lụi tàn”, anh thêm vào.
Chúng ta hãy nói thêm lần nữa về chiếc túi chườm nóng trong chiếc áo len cổ lọ. Nó chỉ đến một đoạn dài ba trang trong phần khoa học và được đặt cho dòng tít “Trái Đất sẽ không nóng ấm lên?”. Qua đó, tờ Zeit đã bước vào trong một cuộc thảo luận được khởi động bởi quyển sách Mặt trời lạnh. Tại sao thảm họa khí hậu không xảy ra, do Fritz Vahrenholt và Sebastian Lüning viết. Điều dễ hiểu là các luận điểm của hai tác giả làm lợi cho những người chống lại bước ngoặc năng lượng.
Ngay sau khi “Mặt trời lạnh” vừa xuất bản, báo Bild lập tức tung ra một loạt bài ba phần: “LỜI NÓI DỐI VỀ CO2. Hãy ngăn chận sự điên khùng với mặt trời và sức gió!”. Bây giờ, tờ Zeit phản ứng bằng cách kiểm lại các sự kiện. Đồng thời, chúng tôi biết được có một liên minh xoa dịu bao gồm doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chính khách và truyền thông hoạt động như thế nào trong các nước khác. Ví dụ như ở Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên hiệp Anh và Úc, nơi những người nghi ngờ biến đổi khí hậu còn thành lập cả một đảng riêng nữa.
Đề tài được khai thác rất khéo léo. Người đọc thật sự bị lôi cuốn vào trong vấn đề. Giovanni di Lorenzon thích thú nhận lời khen. “Tôi đang nóng lòng muốn biết câu chuyện này được độc giả của chúng tôi tiếp nhận ra sao”, anh nói. Rõ ràng là tốt, vì ở Zeit-Online, vài ngày sau câu chuyện của chúng tôi, bài kiểm lại các sự kiện là bài viết được bình luận nhiều nhất. “Thường thì các bài viết về môi trường cứ nằm trên kệ như chì”, di Lorenzo nhận xét.
“Các khái niệm như biến đổi khí hậu hay bền vững dường như làm cho bạn đọc của chúng tôi kinh sợ. Từ chối các đề tài môi trường cũng có liên quan tới chính trị. Tại sao mà một vài câu hỏi quan trọng nhất của loài người lại ít được quan tâm đến như vậy?” Khó mà tìm được một câu trả lời chính xác. “Sự không quan tâm này có thể có liên quan tới điều là nhiều thảm họa tự nhiên hiện nay không thể nhìn thấy và không thể cảm nhận được, mặc cho tất cả các nhận thức khoa học. Ít nhất là trong Trung Âu. Các hậu quả thảm khốc từ cung cách làm kinh tế của chúng ta nằm trong tương lai và vẫn còn trừu tượng cho hiện tại.”
Phan Ba (Cộng hòa Liên bang Đức)