Bóng ma "phân biệt chủng tộc"
Có nhiều hơn một ví dụ để nói về sự kỳ thị lớn lao của người Anh đối với mấy từ "phân biệt chủng tộc". Là một đất nước văn minh, đa sắc tộc, nước Anh không bao giờ chấp nhận bất cứ hành động, lời nói nào mang tính chế nhạo màu da, nguồn gốc người khác. Vì thế, án phạt dành cho các những cầu thủ bị kết luận là "phân biệt chủng tộc" hết sức nặng nề (ví như trường hợp Luis Suarez hay John Terry).
Nói như vậy để hiểu rằng, Roy Hodgson đã phải đối mặt với áp lực lớn nhường nào khi có những cáo buộc rằng ông phát ngôn một cách "phân biệt chủng tộc" đối với ngôi sao trẻ Andros Townsend. Người hâm mộ đã tỏ ra hết sức tức giận, và Hodgson (dù vừa mới thành công trong việc dẫn dắt tuyển Anh tham dự WC 2014) buộc phải công khai xin lỗi.
Nội bộ tuyển Anh dậy sóng sau ngày giành vé dự WC
Tất cả bắt đầu từ một câu chuyện đùa của Hodgson trong phòng thay đồ giữa hai hiệp đấu khi Anh chạm trán Ba Lan. Với mong muốn Chris Smalling chuyền bóng nhiều hơn cho Townsend, Hodgson đã kể câu chuyện vui, trong đó, ông ví ngôi sao 22 tuổi là "con khỉ cần được cho ăn". Do nguồn gốc của Townsend (anh là con của một cặp vợ chồng Jamaica nhập cư), câu đùa của Hodgson được cho là "phân biệt chủng tộc".
Đòn dằn mặt của các công thần
Trong khi giới truyền thông vẫn quay cuồng với những lời chỉ trích nhắm vào Hodgson, chính những người trong cuộc vẫn chưa hiểu bằng cách nào mà những lời nói của họ trong phòng thay đồ lại lọt ra ngoài. Thêm vào đó, Townsend, người bị Hodgson ví là "con khỉ", lại khẳng định, anh không hề cảm thấy bị sỉ nhục bởi lời nói của ông thầy.
Cụ thể, tiền vệ đang khoác áo Tottenham đăng trên trang cá nhân: "Tôi không hiểu rất cả những chuyện vớ vẩn này xuất phát từ đâu. Hodgson không có ý công kích ai và tôi cũng không cảm thấy tổn thương". Trước phản ứng của Townsend, người ta bắt đầu nghĩ đến một khả năng: mọi chuyện là một đòn xấu chơi mà ai đó bày ra.
Nguồn tin trong nội bộ tuyển Anh cho biết, một công thần là người đã tiết lộ câu chuyện đùa của Hodgson cho báo giới với mục đích hạ thấp uy tín của Hodgson, đồng thời nhắc nhở người hâm mộ về nguồn gốc nhập cư của Townsend. Rõ ràng, anh ta có lý khi thực hiện chiêu trò này, bởi danh tiếng của Hodgson và Townsend đều đang lên như diều sau hai chiến thắng trước Montenegro và Ba Lan.
Theo phỏng đoán của giới thạo tin, đạo diễn của màn kịch nói trên là Steven Gerrard, cầu thủ có ảnh hưởng lớn nhất trong phòng thay đồ của "Tam sư". Gerrard là một người Anh tiêu biểu, đầy tính bảo thủ. Chuyện anh không ủng hộ những cầu thủ ngoại lai khoác áo "Tam sư" không phải là điều gì mới mẻ.
Hiện tại, chưa thể kết luận Gerrard là người đứng đằng sau vụ việc (dù mọi chứng cứ đều chống lại anh). Song, một điều chắc chắn là: tuyển Anh đang rơi vào cơn khủng hoảng mới. Họ phải nhanh chóng tìm được sự đoàn kết nếu không muốn đón nhận thất bại tại Brazil năm sau.
Theo Sao bóng đá