“Tôi đến không phải để nghe diễn thuyết”
Khoảng cuối tháng 8/1945, Sainteny – đại diện nước Pháp đã theo phái bộ Mỹ vào Hà Nội. Ông ta nhờ Archimedes Patti – Trưởng phái bộ Mỹ thu xếp cho 1 cuộc gặp với Hồ Chủ tịch. Về phía ta, từ trước đó đã biết về sự có mặt của Sainteny cùng mấy người Pháp khác ở Hà Nội và rất muốn biết mục đích của họ khi đến đây trước cả người Trung Quốc. Bác Hồ liền trả lời sẽ cử Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp gặp Sainteny với điều kiện có cả Patti.
Tướng Võ Nguyên Giáp (x) và tướng Pháp Leclerc chào Quốc kỳ VN trong cuộc duyệt binh tại Hà Nội ngày 22-3-1946. Jean Sainteny mặc đồ trắng, góc trái bức ảnh - Ảnh tư liệu (TTO).
Cuộc gặp diễn ra tại một căn phòng rộng nhất trong phủ Toàn quyền cũ vào một buổi sáng. Trong cuốn hồi ký Tại sao Việt Nam, Archimedes Patti kể lại: “Sainteny đã cho bố trí một trong những phòng rộng nhất, lịch sự nhất trong Dinh, rất phù hợp với một sự phô trương thích đáng của chủ quyền nước Pháp. Sự lựa chọn của ông cũng có thể được coi như phù hợp với sự tôn trọng đối với một vị khách quan trọng và được biệt đãi hay là biểu hiện của một ý đồ tinh vi muốn uy hiếp tinh thần người Việt Nam. Điều này tôi cũng không rõ lắm”.
Từ cửa sổ, Patti trông thấy Võ Nguyên Giáp đến cùng một người nữa là ông Dương Đức Hiền. Cả hai đi trên một chiếc ô tô con mui đen có cắm cờ Việt Nam ở trước. Một vệ sĩ mở cửa xe cho ông Giáp và một vệ sĩ mang tiểu liên Sten đi theo hai ông vào trong.
Mở đầu cuộc gặp gỡ, Sainteny đã lên giọng bằng 1 bài diễn từ gia trưởng đại loại “tại sao Việt Minh dám liều lĩnh làm cho thế giới hiểu rằng sự có mặt của Pháp ở Đông Dương đã từ lâu không được mọi người hoan nghênh nữa” và rằng điều đó chỉ làm cho các nước Đồng Minh thêm lo lắng cho sự an ninh của dân Pháp tại Đông Dương… Sainteny còn nhấn mạnh sự không hài lòng của ông ta khi nói “ sẽ theo dõi một cách cảnh giác các hoạt động của cái gọi là chính phủ lâm thời ở Hà Nội”.
Là người đứng ra thu xếp buổi gặp, Patti đã lo Võ Nguyên Giáp sẽ bỏ ra khỏi phòng vì những lời trịch thượng của Sainteny. Nhưng không. Võ Nguyên Giáp rất bình tĩnh. Ông đáp lại bằng tiếng Pháp một cách thành thạo: “Tôi đến đây không phải để nghe diễn thuyết cũng chẳng phải để biện minh cho các hành động của nhân dân Việt Nam, mà là theo lời mời của người được coi là đại diện của chính phủ nước Pháp mới, do đó tôi sẵn sàng tham gia một cuộc trao đổi quan điểm thân mật”.
Thái độ tự tin, lời nói nhã nhặn lịch thiệp nhưng không kém cứng rắn đó của Võ Nguyên Giáp khiến Sainteny nhụt chí. Ông ta cười hòa giải tuyên bố mình là đại diện cá nhân của tướng De Gaulle và nói đại ý rằng nước Pháp ngày nay đã khác, các lề thói cũ sẽ được loại bỏ, tất cả những người Pháp xấu sẽ bị cho về nước và người An Nam sẽ được tiếp nhận nhiều yêu sách của mình.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Saiteny bị hố
Thái độ xuống nước của Sainteny kể có làm cho không khí dịu lại. Tuy nhiên, trước cách nói “tự do cho người An Nam” rất đáng ghét theo kiểu thực dân của ông ta, Võ Nguyên Giáp đã yêu cầu phải nói lại cho chính xác như những gì Hồ Chủ tịch đã yêu cầu Pháp thì Sainteny lại nói chung chung. Bởi thế ông Giáp ngồi phớt lạnh. Lập trường của ông và ông Hiền là không muốn nhân nhượng cho Pháp có tiếng nói về tương lai của Việt Nam.
Trong một động tác nhằm thuyết phục ông Giáp rằng đằng nào rồi Đông Dương cũng bị đô hộ, Sainteny phịa ra rằng vì thái độ chống đối của Việt Minh với người Pháp nên hội nghị Postdam mới để Trung Quốc vào giải giáp quân Nhật. Và rằng như những kinh nghiệm lịch sử thì họ đã vào thì sẽ còn lâu mới về.
Bỗng dưng Patti được cả 3 người nhìn xoáy vào. Chỉ Patti mới đủ thông tin để xác nhân hay phủ nhận điều Sainteny vừa nói. Tuy nhiên Patti nói rằng hội nghị Postdam chỉ trao quyền cho Trung Quốc vào giải giáp quân Nhật ở bắc vĩ tuyến 16 và theo chỗ ông biết thì người Trung Quốc không có ý định ở lại quá thời gian cần thiết.
Sau câu trả lời của Patti, Võ Nguyên Giáp điềm tĩnh nói: đây không phải lần đầu tiên người Trung Quốc và Đông Dương và họ sẽ không thể ở lại lâu.
Điểm quyết định thắng thua trong cuộc cân não giữa hai đối thủ xuất hiện khi Sainteny đề cập đến vấn đề an ninh của người Pháp. Ông ta nói chắc nịch rằng chính phủ Pháp mong muốn chính phủ lâm thời yêu cầu các nhà chức trách Đồng Minh có biện pháp ngăn chặn không cho quân Trung Hoa tiến vào các thành phố có đông người Âu sống, như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế và các nơi đó sẽ được các nhân viên Pháp – Việt trông nom. Trong chi tiết này, Patti đã có những bình luận rất sắc sảo trong hồi ký của ông:
"Chẳng ai có thể nói được đây là một thủ đoạn có tính toán của Sainteny hay là một lỗi lầm thô thiển, nhưng con người sắc xảo của Giáp đã ghi nhận được ngay. Như thế là người đại diện của De Gaulle đã công nhận “Chính phủ Lâm thời An Nam” là một cơ cấu có trách nhiệm, Sainteny đã yêu cầu Chính phủ Lâm thời thay Pháp nói chuyện với các nhà chức trách Đồng minh. Giáp đáp lại ngay là không cần quấy rầy đến Đồng minh về các vấn đề này làm gì; Chính phủ ông sẽ xem xét tới việc không để cho người Pháp sẽ bị quấy nhiễu”.
Ngay đó, Sainteny nhận ra mình đã bị hố nên Patti thấy ông ta buồn ra mặt. Cuộc gặp gỡ kết thúc mà chẳng đi đến một điều gì. Tuy nhiên, có lẽ ấn tượng từ cuộc gặp đó còn đọng mãi trong Sainteny nên sau này khi viết hồi ký “Lịch sử một nền hòa bình bị bỏ lỡ” ông ta đã đánh giá về tướng Giáp: “ Ông ta đã cho tôi thấy ở ông một con người quyết đoán, cực kỳ cứng rắn, đầy mưu trí và thông minh”.
(Còn nữa)
Trần Vũ