Trung Quốc ở thế “cưỡi hổ”
Như để gỡ gạc thể diện trước những lời chỉ trích là đã quá thụ động trước các hành động “trêu ngươi” của không quân Mỹ-Nhật đối với vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông, truyền thông Nhà nước Trung Quốc vào hôm qua đã nhất loạt loan tin là quân đội nước này đã tung chiến đấu cơ vào vùng nhận dạng phòng không này để giám sát các phi cơ Mỹ và Nhật bay vào khu vực.
Theo đó, quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc đã dùng máy bay chiến đấu để tuần tra vùng xác định phòng không tức không phận mà chính phủ Bắc Kinh mới đơn phương thành lập ở vùng Biển Hoa Đông.
Trong bản tin của Tân Hoa Xã có trích dẫn lời phát ngôn viên quân đội Trung Quốc là ông Thân Tiến Khoa, nói rằng đây là lần đầu tiên máy bay của Trung Quốc xuất hiện trên không phận ở Hoa Đông, đồng thời nói thêm không quân Hoa Lục sẽ thường xuyên làm điều này cũng như thi hành những biện pháp đối phó cần thiết để bảo vệ vùng trời của họ.
Việc làm của Trung Quốc tức khắc được những nhà quan sát coi là sẽ tạo thêm căng thẳng về ngoại giao cũng như quân sự với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn, là 3 quốc gia đã lên tiếng nói không công nhận không phận mà Trung Quốc tự ý áp đặt, đồng thời cũng đã đưa chiến đấu cơ bay ngang qua vùng trời đó mà không tuân theo những quy định Trung Quốc đặt ra.
Đồ họa về khu vực Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc đơn phương thiết lập. (Nguồn: AFP/Vietnam+).
Để đáp trả thông tin đó, ông Yoshihide Suga, Bộ trưởng phủ Thủ tướng Nhật Bản nói với báo chí rằng để bảo vệ chủ quyền biển đảo, máy bay của quân đội Nhật sẽ tiếp tục hoạt động ở khu vực mà Trung Quốc tự nhận là không phận của họ.
Ông Suga cũng nhắc lại rằng việc Trung Quốc đơn phương quy định những luật lệ buộc tất cả các phi cơ bay vào vùng trời này phải tuân theo là hành động muốn dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng trong khu vực.
Một điểm cũng được chú ý đến là bài bình luận của tờ Hoàn Cầu Thời báo xuất bản ở Bắc Kinh, bài báo lại lên tiếng ca ngợi thái độ bình tĩnh của chính phủ Trung Quốc trước những hành động gây hấn, ám chỉ việc Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật Bản đã đưa máy bay quân sự vào vùng không phận mới của Hoa Lục.
Bài bình luận này còn nói rằng Trung Quốc sẽ không xem Hoa Kỳ là mục tiêu nếu phía Mỹ không đi quá xa, nhưng cảnh báo sẽ áp dụng những biện pháp cứng rắn đối với Nhật Bản nếu Tokyo tiếp tục đưa máy bay quân sự vào không phận của Hoa Lục mà không tuân theo những quy định do Trung Quốc đặt ra.
“Chúng ta nên tiến hành các biện pháp ứng phó kịp thời không do dự đối với Nhật Bản một khi nước này thách thức ADIZ của Trung Quốc” - Thời báo Hoàn Cầu viết. Theo tờ báo này, trong khi đối phó với Nhật, Trung Quốc nên phớt lờ khi những nước khác (bao gồm cả Mỹ và Hàn Quốc) đưa máy bay quân sự đến ADIZ.
Về phản ứng thụ động của Trung Quốc trước việc Nhật Bản và Hàn Quốc bất chấp tuyên bố, vẫn cho máy bay tuần tra qua lại khu vực “vùng nhận dạng phòng không”, nhật báo Les Echos của Pháp nhận định: Để kiểm soát được một không phận rộng lớn như hiện nay, phải có một hệ thống phương tiện kiểm soát mà Trung Quốc hiện không có được. Còn giới chuyên gia Tokyo thì thiên về nhận định Bắc Kinh không có ý định gây xung đột trực tiếp, mà chủ trương áp đặt dần dần với việc tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực tranh chấp, và hàng ngày quấy rối các nước láng giềng như đã làm trong quá khứ.
Cơ hội tốt cho Mỹ “xoay trục về châu Á”
Theo tuyên bố về Vùng nhận dạng phòng không, Bắc Kinh yêu cầu các hãng hàng không phải thông báo lịch trình bay, quốc tịch máy bay và duy trì liên lạc vô tuyến hai chiều để “phản hồi nhanh chóng và đúng đắn” khi có yêu cầu nhận dạng từ phía chính quyền Trung Quốc nếu không muốn đối mặt với “các biện pháp phòng thủ khẩn cấp” của Bắc Kinh.
Theo Le Monde, chính sách “xoay trục” được nói đến từ lâu của Mỹ cho đến nay chỉ là tuyên bố, từ này thường để nói đến chủ trương tăng cường hiện diện tại vùng châu Á Thái Bình Dương. “Vùng nhận dạng phòng không” mà Trung Quốc đơn phương áp đặt chắc chắc sẽ thành một nội dung chính trong chương trình làm việc của Phó tổng thống Joe Biden tại Đông Bắc Á đầu tháng 12. Hiện tại, máy bay Mỹ và máy bay Nhật tiếp tục bay qua vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc xác lập, không cần báo trước và cũng không bị phản ứng gì.
Đại tá Steve Warren, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Mỹ vào hôm qua đã tái khẳng định quyền tự do lưu thông trên không của phi cơ Mỹ khi xác nhận: “Chúng tôi luôn có các phi vụ, thường xuyên đi ngang qua không phận quốc tế trên khắp Thái Bình Dương, bao gồm cả khu vực vừa được Trung Quốc lồng vào vùng nhận dạng phòng không của họ (trên Biển Hoa Đông)”.
Thông điệp của phía Mỹ rất rõ: “Những phi vụ đó phù hợp với chính sách tự do lưu thông của Mỹ, đã có từ lâu và được mọi người biết đến, vẫn được áp dụng ở nhiều vùng hoạt động (của quân đội Mỹ) trên thế giới. Tôi có thể xác nhận rằng Hoa Kỳ đã và sẽ tiếp tục hoạt động trong khu vực (Biển Hoa Đông) như bình thường”.
Trong số các phản ứng chính thức của Hoa Kỳ trước vùng nhận dạng phòng không đơn phương của Trung Quốc, rõ ràng là giới quân sự đã có thái độ cứng rắn. Về phía giới dân sự, phản ứng có phần chừng mực hơn.
Nhà chức trách Mỹ cung cấp khuyến nghị bay trong Vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc. Các hãng vận tải hàng không Mỹ thực hiện chuyến bay trên vùng Biển Hoa Đông cần tuân thủ các thông báo quốc tế được công nhận về quy tắc chuyến bay, nhưng điều đó không có nghĩa Hoa Kỳ thừa nhận Vùng nhận dạng quốc phòng trên không của Trung Quốc- Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.
Quan điểm của Washington đối với các chuyến bay dân sự Mỹ tuy nhiên chưa được phía Nhật Bản chấp nhận. Các hãng hàng không Nhật Bản, dưới áp lực của chính quyền, đã quyết định không tôn trọng quy định mới của Trung Quốc từ hôm thứ Tư 27/11, sau khi đã tuân thủ lúc ban đầu.
Theo ấn bản buổi chiều của nhật báo Yomiuri Shimbun, hai hãng hàng không lớn nhất của Nhật Bản vẫn không thay đổi lập trường, kể cả sau khi chính quyền Mỹ khuyên các hãng hàng không thương mại Hoa Kỳ nên tuân thủ các yêu cầu của Trung Quốc.
Cũng theo tờ Yomiuri Shimbun, Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ đưa ra một tuyên bố chung yêu cầu Trung Quốc bãi bỏ vùng nhận dạng không trên Biển Hoa Đông nhân chuyến thăm Tokyo của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Theo kế hoạch dự kiến, ông Biden sẽ gặp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vào ngày mai, thứ Ba 3/12/2013.
Việt Nam kêu gọi các bên liên quan tôn trọng luật pháp quốc tế Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 05-12, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam theo dõi với sự quan tâm sâu sắc các diễn biến tại khu vực Biển Hoa Đông cũng như quan ngại của các bên liên quan. Việt Nam mong muốn các bên liên quan kiềm chế, giải quyết ổn thỏa bất đồng thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đảm bảo an ninh, an toàn cho các đường bay quốc tế, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực”. Về đề nghị cho biết ADIZ của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông ảnh hưởng thế nào tới các chuyến bay quốc tế của Việt Nam, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói: “Các cơ quan chức năng Việt Nam cho biết các chuyến bay quốc tế đi và đến Việt Nam bay qua khu vực Biển Hoa Đông hiện vẫn diễn ra bình thường. Thông tin về các chuyến bay đều được thông báo cho nhà chức trách của các quốc gia liên quan theo đúng quy định và thông lệ quốc tế”. Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam về việc Trung Quốc cử tàu sân bay Liêu Ninh thực hiện hoạt động huấn luyện ở Biển Đông và khả năng Trung Quốc sẽ thiết lập ADIZ ở Biển Đông, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định: “Mọi hoạt động của các bên ở Biển Đông cần tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia liên quan, tuân thủ luật pháp quốc tế, phù hợp với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực, không gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình”. Bình luận về thỏa thuận ngày 24-11 giữa P5+1 và I-ran về vấn đề hạt nhân của I-ran, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam hoan nghênh thỏa thuận ngày 24-11 giữa nhóm P5+1 và I-ran, coi đây là một bước tiến tích cực hướng tới việc giải quyết vấn đề hạt nhân I-ran thông qua đối thoại và đàm phán. Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) niên khóa 2013 – 2014, cùng với cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ nỗ lực đóng góp để thỏa thuận trên được triển khai một cách nghiêm túc và đầy đủ”. Theo Báo Nhân dân điện tử |
Thanh Xuân (theo RFI, BBC, AFP)