Cuộc đời bất hạnh của nhà khoa học từng đoạt giải Nobel

Cuộc đời bất hạnh của nhà khoa học từng đoạt giải Nobel

Thứ 6, 14/06/2013 14:09

Từ một đứa trẻ bụi đời Mario Capecchi đã trở thành một nhà khoa học nổi tiếng, chiến thắng giải Nobel y học hay sinh lý học năm 2007.

Đứa trẻ bụi đời

Năm 1937, một cậu bé đã cất tiếng khóc chào đời trên mảnh đất lãng mạn với chuyện tình nổi tiếng Romeo và Juliet - Italia. Cậu bé có tên Mario R. Capecchi ra đời trong sự vui mừng của cha mẹ. Nhưng trớ trêu thay, Mario lại không được công nhận là thành viên chính thức của gia đình hai bên bởi cha mẹ ông chưa bao giờ thành hôn.

Mẹ Mario là một nhà thơ có khuynh hướng chống chủ nghĩa Phát xít và chủ nghĩa Nazi, còn cha ông lại là một sĩ quan không quân trong quân đội Italia. Dù hai người yêu nhau nhưng vì lý tưởng quá khác nhau nên mẹ ông dứt khoát không muốn là vợ của một người theo Phát xít như cha ông và quyết giành quyền nuôi con.

Mario lớn lên trong sự ghẻ lạnh của mọi người nên lúc nào cậu bé cũng lầm lỳ, ít nói. Năm lên 4 tuổi, cha ông mất tích trên chiến trường Libya, còn mẹ Mario bị Đức quốc xã bắt giữ và giam cầm trong trại tập trung nổi tiếng tàn bạo Dachau, Đức. Như có linh cảm từ trước, mẹ Mario trước khi bị bắt đã bán toàn bộ tài sản và gửi Mario cho một gia đình nông dân nuôi dưỡng.

Tuy nhiên, thời buổi loạn lạc, gia đình nông dân này cũng không thể bám trụ trên mảnh đất "chôn nhau cắt rốn" nên họ đã rời đi nơi khác và bỏ mặc Mario trơ trọi một mình.

Cậu bé 4 tuổi rưỡi ngơ ngác, bất ngờ trở thành trẻ vô gia cư, cậu bắt đầu làm quen với cuộc sống giang hồ đầy hiểm ác. Ông Mario bồi hồi nhớ lại: "Tôi thực sự rất thích cuộc sống của một nông dân. Tôi được học cách trồng lúa mì, gặt lúa, đem về xay thành bột để làm bánh. Tôi được cùng họ hái nho, làm rượu. Thật lý thú!

Nhưng ở cái tuổi còn quá nhỏ, tôi không nhớ điều gì đã xảy đến với mình. Trong ký ức của tôi, tôi trở thành một đứa trẻ bụi đời lúc nào không hay". Mario đi lang thang từ thành phố này sang thành phố khác, khi thì sống cùng đám trẻ vô gia cư, lập thành băng nhóm trộm cắp thực phẩm, lúc thì đi ăn xin, cướp giật..., lúc lại sống trong trại tế bần, thiếu thốn đủ đường.

Dù ở bất cứ nơi nào, cậu bé Mario đang ở tuổi ăn tuổi lớn cũng bị cơn đói hành hạ. Cái đói cùng sự nghèo khổ khiến Mario bị bệnh vì suy dinh dưỡng nặng. Sau bốn năm phiêu bạt "giang hồ", Mario cũng đến được thành phố nhỏ Reggio Emelia, gần Bologna.

Cậu bé Mario co quắp chọn vỉa hè là giường, lả người vì đói, không quần áo và trong tình trạng sốt cao. Mario được các nhà từ thiện mang vào một bệnh viện để chữa trị. Nhưng vì là trẻ mồ côi nên Mario chỉ được nằm trên một chiếc giường sắt không chăn gối, không ga trải giường.

Mỗi ngày, Mario tội nghiệp nhận được một tô nước rễ rau diếp xoắn và một mẩu bánh mỳ nhỏ. Mario tuyệt vọng, tưởng chừng sẽ không thể sống được nữa.

Tiêu điểm - Cuộc đời bất hạnh của nhà khoa học từng đoạt giải Nobel

Mario trong phòng thí nghiệm

Mario đâu biết rằng, có một người mong mỏi gặp lại con trai bé bỏng của mình, đi khắp nơi tìm kiếm con. Đó chính là người mẹ bị Đức quốc xã bắt năm nào, nhờ quân đội Mỹ giải cứu khỏi trại Dachai năm 1945. Không ngờ bà lại gặp được Mario tội nghiệp ngay ở nơi cậu bé không còn chút hi vọng vào cuộc sống.

Mẹ con đoàn tụ, Mario vui mừng khôn xiết. Năm đó Mario tròn 9 tuổi và cũng là lần đầu tiên sau 6 năm ròng lang thang, sống bụi đời, cậu bé được tắm rửa. Mẹ đưa Mano về Rome và may cho ông một bộ quần áo mà ông vẫn giữ đến bây giờ để làm kỷ niệm.

Cuộc sống thứ hai

Rồi hai mẹ con Mario rời Italia sang Mỹ định cư. Mario được sắp xếp đi học nhưng do làm trẻ bụi đời quá lâu, thói quen "lưu manh" đã thấm vào máu thịt, Mario không chịu khó học hành, lại hay quậy phá nên giáo viên cho cậu làm trưởng lớp, chuyên trị những học trò lưu manh khác trong lớp.

Trong những lần nhận giải thưởng, câu hỏi mà các phóng viên thường đặt ra với Mario là: "Liệu thời thơ ấu gian khổ có ảnh hưởng đến những thành tựu sau này hay không?". Ông trả lời: "Tôi cũng chẳng rõ là những trải nghiệm thời thơ ấu có đóng góp vào những thành công của tôi không nữa. Tôi cũng tự hỏi phải chăng những trải nghiệm đó đã góp phần vào việc hình thành tính cách con người tôi, tạo nên sự tự tin, sự nhạy bén trong các nghiên cứu của tôi sau này?".

Có chức vị, Mario ngoan hẳn ra nhưng vẫn được những bạn học khác nể phục. Với trí thông minh sẵn có lại chịu khó tìm tòi, học hỏi, Mario nhanh chóng bắt kịp kiến thức và có phần vượt trội so với các bạn cùng lớp. Sau khi tốt nghiệp cử nhân trường Cao đẳng Antioch, khoa hóa học và vật lý năm 1961, Mario xin nhập học trường Đại học Harvard. Tại đây, ông đã gặp tiến sĩ James Watson (cha đẻ của ADN, giải Nobel năm 1962).

Mario nhận xét: "Ông ấy là người ăn nói cực kỳ "giang hồ" như tôi trước đây, nghĩ gì nói đó. Tính thẳng thắn của ông ấy khiến mọi người xung quanh cảm thấy tự tin. Ông ấy dạy tôi cách tư duy rộng hơn, không cần quan tâm đến những câu hỏi nhỏ bởi những câu hỏi đó chỉ có những câu trả lời nhỏ". Nhớ mãi lời người thầy dạy, Mario thường có những suy nghĩ rất khác người, nó rộng hơn những gì các nhà nghiên cứu khác thường hướng tới. Đầu thập kỷ 80, ông cùng một số nhà bác học nghiên cứu cách thao tác lên gens chuột để hiểu rõ hơn những căn bệnh lớn của con người như ung thư, cao huyết áp, tiểu đường và Alzheimer (bệnh mất trí nhớ).

Năm 1980, ông đề xuất với Trung tâm Nghiên cứu khoa học NIH lừng danh của Mỹ cho ông thử nghiệm phương pháp "tác động gens" của ông nhưng bị trung tâm từ chối vì chúng "không đáng theo đuổi" và ông nên từ bỏ ý định điên rồ này. Tuy nhiên, vốn là người rất kiên trì, đầu óc độc lập, cương quyết theo đuổi những gì mà ông cho là tốt nhất, bốn năm sau ông lại "xông vào" trung tâm NIH, nhất quyết đề nghị NIH tài trợ công trình nghiên cứu của ông kèm theo những thành công rõ ràng.

NIH quá ngạc nhiên với cách xử sự của Mario, họ đành xem xét và thật không ngờ NIH không những chấp nhận mà còn "nhận lỗi" vì đã chế nhạo ông trước đây. Và rồi, giải Nobel y học hay sinh lý học năm 2007 đã đưa những nghiên cứu của ông đến với cuộc sống, giúp con người vượt qua được những căn bệnh được coi là không có thuốc chữa và y tế cũng phải "bó tay".

Hồng Nhung (Theo Life in Italy/Washingtonpost)

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.