Sống khép mình và e sợ mọi thứ.
Trần Hiểu Húc sinh năm 1965, trong gia đình nghệ thuật ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Bố bà là đạo diễn Kinh kịch Trần Cường, mẹ là giáo viên múa. Vì con gái chào đời vào buổi bình minh, ông Trần Cường đặt tên con là Hiểu Húc (nghĩa là ánh nắng buổi sớm mai). Lúc mới sinh, con gái không mấy khỏe mạnh, vị đạo diễn nói với vợ: “Con gái yếu ớt thế này, anh mong sau này con sẽ đầy sức sống như ánh mặt trời lúc sáng sớm, rạng rỡ và vui vẻ”.
Cách mạng Văn hóa diễn ra, ông Trần Cường bị bắt vì bị liệt vào tầng lớp tư sản tự do, từ đó hàng xóm lẩn tránh khi trông thấy mẹ con Trần Hiểu Húc. Một lần, bà hỏi mẹ: “Sao mọi người lại lẩn tránh chúng ta?”. Mẹ bà đáp: “Đó không phải lỗi của chúng ta. Bố con là người tốt”. Bà không hiểu lời mẹ.
Một hôm, đám trẻ con chơi nhảy dây trong sân, cô bé Hiểu Húc muốn được chơi cùng nên lại gần, không ngờ đám trẻ dừng lại. Một cậu bé nhặt đá ném về phía cô bé: “Biến đi chỗ khác”.
Cách mạng Văn hóa chấm dứt, ông Trần Cường được tự do. Về nhà, ông nhận ra con gái vô cùng hướng nội và rất nhút nhát, luôn trốn vào một góc, ngại giao tiếp với mọi người. Bạn bè của bố đến nhà thăm hỏi, Trần Hiểu Húc luôn bày tỏ “con sợ lắm”. Sự nhút nhát của Hiểu Húc khiến bố bà buồn khổ. Ông từng khóc trước mặt con và nói: “Bố biết con tổn thương, sợ hãi vì chuyện của bố. Bố cũng rất đau lòng và tự dằn vặt bản thân, chẳng thể bảo vệ được con...”.
Cô bé nhạy cảm hiểu được lòng bố, cố gắng trò chuyện với mọi người song đó chỉ là sự miễn cưỡng: “Con thấy làm vậy thật gượng gạo, con thà ngồi một mình còn hơn bị người khác chú ý”. Khi bố phân tích sau này lớn lên cần đi làm, cần hòa nhập với mọi người, Trần Hiểu Húc nói: “Con không biết, nếu bố muốn con nói chuyện với người ta thì con sẽ làm vậy”. Lời của con gái lại khiến ông Trần Cường xót xa. Ông bảo với vợ: ‘Người ta thì đau đầu vì con cái không nghe lời, anh thì đau lòng vì con gái quá nghe lời”.
Hàng ngày ngoài giờ học, Trần Hiểu Húc học ballet, say mê đọc tác phẩm văn học nổi tiếng, bà cũng thường thả hồn làm thơ. Năm 14 tuổi, Hiểu Húc sáng tác bài Tôi là một bông tơ liễu, qua đó phần nào cho thấy tâm hồn, tình cảm của cô gái.
Bén duyên với Hồng lâu mộng
Đầu hè năm 1984, khi có thông tin về việc tuyển diễn viên Hồng lâu mộng trên báo, nhiều người nghĩ rằng bà có nhiều điểm giống Lâm Đại Ngọc, liền động viên bà đi thử vai.
Nhưng phải cho tới khi bạn trai Tất Ngạn Quân (sau này là người chồng đầu tiên) động viên, Hiểu Húc mới dám gửi thư tới đạo diễn Vương Phù Lâm, kèm theo một tấm ảnh, phía sau ảnh là một bài thơ bà tự làm năm 14 tuổi.
Khi gửi thư, Hiểu Húc không hy vọng quá nhiều. Một tuần sau nhận được hồi âm của đạo diễn mời tới thử vai, sau khi phải trả lời hàng trăm câu hỏi của đạo diễn. Hiểu Húc phải chờ đợi hơn một năm sau mới chính thức được gọi tham gia lớp huấn luyện diễn xuất. Khi ấy, bà chỉ mong được diễn vai Lâm Đại Ngọc.
Và kết quả, bà được như ý, nói về may mắn này, Hiểu Húc thật thà tâm sự: “Tôi nghĩ mình được chọn vào vai Lâm Đại Ngọc không phải bởi tôi xinh đẹp hay diễn xuất tốt, mà vì tính cách và khí chất giống nhân vật này”.
Bộ phim Hồng lâu mộng chính thức bấm máy năm 1984 và quay ròng rã trong suốt 3 năm. Đối với Hiểu Húc, quãng thời gian này là “một giấc mộng đẹp”, mọi thành viên trong đoàn thân thiết giống như người cùng một gia đình.
Năm 1987 bộ phim lên sóng, nhờ vào vai Lâm Đại Ngọc, Trần Hiểu Húc trở nên nổi tiếng khắp Trung Quốc.
Nữ diễn viên đã thể hiện rất chân thực vẻ đẹp đài các của nàng tiểu thư cô độc chốn Vinh quốc phủ. Bản thân nữ diễn viên cũng từng thổ lộ, bà hóa thân vào nhân vật sâu sắc đến nỗi cảm thấy mình như “diễn mà không phải diễn”.
Tuy nhiên, sau thành công của Hồng lâu mộng, Trần Hiểu Húc lại sớm từ bỏ nghiệp diễn. Bà đứng ra thành lập một công ty quảng cáo riêng và theo ngành truyền thông, quảng cáo.
Năm 1999, Trần Hiểu Húc bắt đầu tới với Phật giáo, và cống hiến không ngừng nghỉ cho công tác thiện nguyện.
Hồng nhan bạc mệnh
Trần Hiểu Húc trải qua hai cuộc hôn nhân. Chồng đầu tiên của bà là diễn viên Tất Ngạn Quân, hai người đăng ký kết hôn khi Hồng lâu mộng vừa hoàn thành. Song Hiểu Húc không cảm thấy hạnh phúc, vợ chồng đường ai nấy đi chỉ sau thời gian ngắn ngủi chung sống.
Nữ diễn viên tìm được sự đồng điệu tâm hồn với Hách Đồng, hai người chung sức kinh doanh trong lĩnh vực quảng cáo, thành lập công ty. Việc kinh doanh thuận lợi, công ty ngày càng lớn mạnh, đưa Trần Hiểu Húc trở thành nữ doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực quảng cáo.
Tới năm 2006, đạo diễn Trần Cường nhận ra sắc mặt con gái không tốt, dáng vẻ ngày một tiều tụy, thường đưa tay ôm ngực một cách vô thức. Nhưng Hiểu Húc nói cô mệt mỏi, chỉ cần nghỉ ngơi là ổn. Cô cũng từ chối đến bệnh viện khám sức khỏe. Lúc này, Trần Hiểu Húc đã theo đạo Phật.
Mãi đến lúc bệnh đã nghiêm trọng, Trần Hiểu Húc mới chịu nghe lời khuyên tới bệnh viện. Cả nhà sững sờ khi biết cô mắc ung thư vú giai đoạn cuối. Ông Trần Cường khóc trước mặt nhiều người vì cú sốc này.
Trần Hiểu Húc không muốn phẫu thuật. Sau đó, được sự ủng hộ của bố mẹ, tới ngày 23/2/2007, bà xuất gia tại chùa Long Tự, Trường Xuân, lấy pháp hiệu Diệu Chân.
Trong lần phỏng vấn trên truyền hình cuối cùng, Trần Hiểu Húc nói: “Tôi không thích mọi người gọi tôi theo chức vụ trong công ty mà muốn được gọi là Lâm Đại Ngọc. Vì dấu ấn đẹp nhất, hồi ức đẹp nhất đối với tôi là Lâm Đại Ngọc trong Hồng lâu mộng và quãng thời gian đóng phim đó”.
Những ngày tháng cuối cùng, cô sống trong đau đớn vì bệnh tật. Nữ diễn viên qua đời vào tháng 5/2007, để lại sự bàng hoàng và tiếc nuối đối với những người yêu quý Lâm Đại Ngọc nói riêng và Hồng lâu mộng nói chung. Hàng năm vào ngày sinh, ngày mất Trần Hiểu Húc, nhiều người đến mộ diễn viên đặt hoa tưởng nhớ cô.
Quốc Tiệp