Lập nghiệp ở xứ Mường
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp ông Tuy chính là phong thái rất chậm rãi và điềm tĩnh. Trong men rượu say nồng, ông lão đưa mắt nhìn đăm đăm ra giữa lòng hồ. Mặt hồ vẫn tĩnh lặng, nhưng lòng người nổi sóng.
Ông Tuy sinh năm 1949, tại xứ Đoài (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội). Gia đình ông gồm 8 anh em. Ông là con cả nên phải thay cha mẹ chăm sóc cho các em. Cuộc sống gia đình ông trước đây khó khăn. Tất cả công việc lớn bé trong gia đình cũng đều đến tay ông. Đất chật, người đông, không đủ đất canh tác, ông Tuy quyết định bỏ quê, đi tìm vùng đất mới để lập nghiệp. Năm 1969, ông theo chân một người quen, ngược dòng sông Đà. Ông tiếp tục phát triển nghề rèn truyền thống của gia đình. Nhờ nghề rèn, ông đã gặp được cô gái Đinh Thị Ninh xinh đẹp. Hai người yêu nhau tha thiết. Cô gái Mường đã đồng ý lấy anh chàng xứ Đoài. Họ nên vợ, thành chồng. Ông Tuy cũng "định cư" luôn ở xứ Mường.
Hai vợ chồng cùng nhau trang trải cuộc sống. Ông Tuy có tài kinh doanh, nên chẳng bao lâu, họ nhanh chóng cải thiện cuộc sống và vươn lên làm giàu. Nhận thấy, dòng sông Đà rất thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, ông Tuy đã nghĩ đến việc buôn bán trên sông. Ông đi tìm hiểu thị trường ở dưới hạ lưu con sông Đà. Được biết, những người dân ở các vùng đồng bằng đang cần mua nguyên liệu như sắn, ngô... để làm thức ăn chăn nuôi. Ông đã nhìn thấy cơ hội kiếm lời từ việc buôn bán này. Ông bảo vợ con chặt cây luồng, đóng bè làm phương tiện vận chuyển. Rồi, ông dong thuyền lên phía thượng nguồn con sông Đà thu mua ngô, sắn của bà con dân tộc. Cứ vài tuần, ông lại làm một chuyến hàng về xuôi bán. Mỗi chuyến ngày ấy, ông cũng lãi tiền triệu.
Khi đã có tiền, ông tiếp tục mở rộng kinh doanh ở các lĩnh vực khác. Nhận thấy, khu vực hạ lưu con sông Đà có rất nhiều cơ sở sản xuất, chế biến gỗ. Trong khi đó, những cơ sở này lại rất cần nguyên liệu. Ông đã ký được những bản hợp đồng giá trị. Ông lại ngược con sông Đà lên tận huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La để thu mua gỗ của người dân địa phương. "Thời đó buôn gỗ không bị cấm, Nhà nước còn đóng dấu cho vận chuyển. Tôi cũng không nhớ là mình đã chuyển được bao nhiêu khối gỗ về xuôi bán. Chỉ biết rằng, mỗi tháng tôi vẫn chất đầy những bè gỗ nặng trịch. Tôi cùng với con trai cả đẩy bè gỗ xuôi dòng. Mỗi chuyến cũng lời được hơn chục triệu đồng", ông Tuy nhớ lại.
Ông Nguyễn Đình Tuy đã vững bước qua những bão tố của cuộc đời để trở thành “chúa đảo hoang”.
Đến khi, Nhà nước ngăn sông đắp đập, xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình, những tên làng, tên bản đã bị đổi thay theo dòng sông. Ông Tuy cũng nằm trong hộ dân phải di dời. Thời gian này, ông cũng bỏ nghề buôn gỗ. Khi bỏ nghề, ông đã tích lũy được một số vốn khá lớn. Ông được coi là một trong những người giàu nhất nhì tỉnh Hòa Bình thời bấy giờ. "Hồi ấy, đất rẻ như bèo. Tôi mua vài mảnh đất ở trung tâm thành phố Hòa Bình (bấy giờ gọi là thị xã), xây nhà, dựng khang trang cho vợ con ở", ông Tuy tâm sự.
Trắng tay vì cờ bạc
Cứ tưởng với số tiền đó sẽ đủ cho cả gia đình sống sung túc đến già. Nhưng, cờ bạc đã khiến ông từ một triệu phú trở thành kẻ trắng tay. Ông Tuy nhớ lại: "Khi về thị xã Hòa Bình sinh sống. Với số tiền tích cóp được, tôi cũng đầu tư cho vợ làm vốn "chạy chợ".Hằng ngày, vợ tôi vẫn ra chợ Phương Lâm để buôn bán, kiếm đồng ra đồng vào".
Sống ở thị xã một thời gian, ông Tuy lại nhớ sông nước, nhớ nghề. Ông lại rủ bạn bè hùn vốn đi buôn. Mỗi lúc nằm chờ, các ông chủ buôn lại rủ nhau đánh bạc giết thời gian. "Mới đầu tôi cũng chỉ chơi cho vui. Nhưng, khi cờ bạc đã ngấm vào máu thì số tiền cược cũng tăng dần. Từ ván "sấp ngửa" đặt vài trăm ngàn đã tăng lên tiền triệu, thậm chí hàng trăm triệu. Rồi, số tiền của bao năm, tôi tích cóp được cũng dần "đội nón" ra đi. Tôi phải bán dần những miếng đất đã mua vì đánh bạc", ông Tuy thừa nhận một thời mê muội của mình.
Khi đã "dính" vào cờ bạc, ông Tuy cũng chẳng còn "đầu óc" để làm ăn nữa. Làm được bao nhiêu ông lại lao vào vòng xoáy đỏ đen, mong gỡ gạc phần nào. Nhưng càng gỡ, số nợ càng chồng chất. Sau vài vụ vận chuyển gỗ bị kiểm lâm phát hiện, thu giữ, ông bị khánh kiệt tài sản. Cuối cùng, ông phải bán cả ngôi nhà đang ở tại trung tâm TP. Hoà Bình.
Đi tìm miền đất hứa
Cờ bạc đã biến ông Tuy từ một đại gia trở thành kẻ trắng tay và không chốn dung thân. "Tôi thấy mình như kẻ tội đồ. Tôi đã khiến cho vợ con khốn khổ. Lúc đó, tôi cảm tưởng như mình bị đẩy xuống đống bùn đen, không thể đứng dậy nổi. Nhưng nhờ sự quan tâm, động viên của vợ con, tôi đã quyết tâm làm lại cuộc đời", ông Tuy cho biết.
Để lập nghiệp từ đôi bàn tay trắng không phải dễ dàng gì, những mảnh đất ở nơi bằng phẳng đều đã có chủ sở hữu, hai vợ chồng không có nổi "tấc đất cắm dùi". Họ lại dìu dắt nhau ra đảo hoang sống. Ông dựng một túp lều tạm bợ. Hằng ngày, chồng đi thả lưới bắt cá, vợ đi nhặt rau rừng, trồng trọt và chăn nuôi trên đảo hoang. Ông Tuy lại tính chuyện đem những sản vật mà mình làm ra, kiếm được, đem ra chợ bán. Nhờ sự chăm chỉ, cần mẫn, hai vợ chồng cứ lấy ngắn, nuôi dài. Tích lũy được bao nhiêu tiền, ông lại đầu tư thêm về giống cây, vật nuôi. Cuộc sống cũng dần dần được cải thiện. Có tiền, ông mua thêm diện tích đất của những hộ dân khác. Hiện, ông đã có hơn chục ha đất đảo.
Khi hồ Thung Nai được Nhà nước quy hoạch thành khu du lịch sinh Thái. Du khách tìm đến nghỉ dưỡng càng đông. Hòn đảo hoang đã biến thành đất vàng, đất bạc. Với tầm nhìn xa, trông rộng, ông Tuy tiếp tục đầu tư xây dựng đảo Dừa thành khu nghỉ dưỡng sinh thái. Ông cải tạo đảo, dựng chòi, sắm thuyền bè đưa đón khách ra vào đảo. Ông tiếp tục đầu tư trồng cây ăn quả, nuôi gà, thả cá. Ông cố gắng giữ vẻ hoang sơ vốn có của nó, để khách có thể cảm nhận được hương vị cuộc sống "cây nhà lá vườn". Ông thuê khoảng chục nhân viên giúp việc, kiêm hướng dẫn du lịch cho khách. "Tôi không làm du lịch thuần túy. Tôi muốn kiến tạo sao cho khách đến đây đều cảm thấy bình yên, gần gũi. Họ có thể tự câu cá, hái rau dại, tự nấu cơm bằng bếp củi. Hoặc có thể dùng cơm cùng gia đình. Ở đây không có sự phân biệt giữa chủ và khách, chỉ có tấm lòng với tấm lòng", ông Tuy chia sẻ.
Cờ bạc đã khiến một người giàu có nhất nhì tỉnh Hòa Bình trở thành một kẻ trắng tay. Và, nghị lực sống mãnh liệt đã giúp ông từ kẻ trắng tay thành "chúa đảo". "Với tôi, tiền bạc không quan trọng nữa. Quan trọng nhất là cuộc sống bình yên nơi hòn đảo xinh đẹp này. Ngày, tôi đi câu cá, tối về thưởng rượu, ngắm trăng. Cuộc sống vô thường, vô ưu, vô lo như thế mới là hạnh phúc", ông Tuy tâm sự.
"Mây của trời cứ để gió cuốn trôi" Dù đã phải trải qua biết bao nhiêu bão tố cuộc đời, nhưng ông Nguyễn Đình Tuy vẫn giữ được thái độ lạc quan với cuộc sống: "Khi rơi vào những bước đường cùng, tôi đều cố gắng đối diện với nó. Chuyện không muốn thì cũng đã xảy ra, tôi không luyến tiếc vì những gì đã mất. Mây của trời cứ để gió cuốn đi. Điều cần làm nhất là cách giải quyết vấn đề đã xảy ra. Nhìn nhận vấn đề khách quan thì mình cũng sống lạc quan hơn. Đó là lý do tôi vượt qua những thử thách không tưởng". |
Hoàng Thế Tào