"Cuộc chiến" lúc nửa đêm
Hàng ngày, bất kể trời mưa bão, gió rét căm căm hay nóng nực, vào khoảng 9h tối, chợ bắt đầu rục rịch hoạt động. Những đoàn xe tải tầm trung nối đuôi nhau vào chợ đổ hàng, dân cửu vạn bắt đầu công việc bốc dỡ. Người mua, người bán xôn xao, huyên náo cả một vùng.
Theo chân chị D., một tiểu thương đã có thâm niên hơn chục năm nhập hàng ở chợ Long Biên, chúng tôi vào vai một người khuân hàng đi phụ việc. Trời vẫn còn sớm, chưa đến 9h tối nên chúng tôi phải đợi. Đến giờ đã định, các chủ hàng bắt đầu "mở bưởng", tức là bắt đầu dỡ hàng khỏi xe để đổ buôn cho các tiểu thương. Công việc này diễn ra liên tục cho đến sáng hôm sau, khi các tiểu thương đã nhập đủ hàng và tản ra khắp nơi buôn bán.
Theo lời chị D., hàng hóa trước khi được đổ về đây đều được tập kết qua chợ Đền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội)â. Những xe tải lớn chuyển hàng từ Trung Quốc về hay từ miền Nam ra đều tập trung ở đây. Sau đó, chủ hàng sẽ phân ra các xe nhỏ để chuyển về bán ở chợ Long Biên. Theo quan sát của PV, mỗi một đoàn xe được tập kết tại những địa điểm riêng biệt, khá trật tự, quy củ. Mỗi một khu vực tập kết một loại nông sản và có một nhóm chủ riêng quản lý.
Tiểu thương túm tụm đợi "mở bưởng" để mua hàng
Ở đây, mỗi một chủ buôn lớn đều có hệ thống phân phối hàng riêng của mình. Xe nào thì đi với chủ ấy. Đây là một quy tắc "bất di bất dịch " và được các chủ hàng tuân thủ nghiêm ngặt. Thế nhưng, vẫn theo lời chị D., mọi chuyện không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thuận lợi. Giữa các chủ hàng với nhau vẫn thường xuyên trong tình trạng "bằng mặt nhưng không bằng lòng".
Việc xích mích giữa các chủ hàng tuy được kiềm chế tối đa nhưng vẫn có những cuộc xô xát đến "sứt đầu mẻ trán". "Nếu cùng một địa điểm phân phối mà giá nhập về của mỗi bên chênh nhau ở một mức cho phép thì chủ hàng sẽ cho qua. Nhưng nếu chênh nhau lớn về chất lượng và giá hàng thì chuyện cãi nhau, chửi nhau, thậm chí đánh nhau là chuyện thường", chị D. cho biết.
Ngoài ra, các chủ lớn đều cạnh tranh nhau rất khốc liệt về giá đổ sỉ (bán buôn) cho các tiểu thương đến lấy hàng. Nếu tính từ thời gian "mở bưởng" cho đến khi hết hàng, giá cả không phải lúc nào cũng được giữ cố định. Chủ hàng nếu nhận thấy hàng nhập về bị thối nhiều, sẵn sàng phá giá để đẩy đi hết. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các chủ hàng khác. Giá cả ở đây được giới chủ thống nhất theo một khung “quy định” cụ thể, đảm bảo không một ai bán phá giá.
Ấy vậy mà vẫn có nhiều chủ hàng "phạm luật". Muốn vậy, các chủ hàng này phải giở "mánh" để qua mắt bạn hàng của mình, bằng việc thỏa thuận ngầm với người mua, bán giá thấp hơn so với giá chung trong khi phải làm bộ bề ngoài vẫn tuân thủ đúng quy tắc, nhiều chủ hàng đã thành công. Tuy nhiên, có những hôm bị lộ, các chủ hàng lại giải quyết với nhau bằng... nắm đấm!.
Bên trong những thùng hàng này, có thể toàn là đồ hỏng
"Luật bất thành văn" của giới chủ buôn
Chủ hàng là người nhập hàng về, nhưng rất ít người trực tiếp đứng bán. Họ có một đội ngũ bán thuê và thu tiền trực tiếp từ các tiểu thương. Những người này, đa phần là anh em “chân tay” hoặc những người quen thuộc của chủ hàng. Họ thay mặt cho chủ hàng, đồng thời chịu trách nhiệm về việc buôn bán ở đó.
Những tiểu thương khi nhập hàng sẽ phải thông qua đội ngũ bán thuê này. Tuy nhiên, mỗi một thùng hàng tới tay người mua đều phải trả hoa hồng gọi là tiền "phỏm". Mỗi một người bán thuê sẽ ăn "phỏm" theo số lượng và chất lượng hàng. Hiện nay, họ sẽ "ăn" 5.000 đồng cho mỗi thùng hàng bán ra. Nhưng nếu là hàng hiếm thì họ sẽ lấy cao hơn, có khi lên tới 30.000 đồng cho mỗi thùng hàng.
"Họ thu tiền không theo một quy tắc nào và thích thu bao nhiêu thì thu. Nhất là khi họ biết mình đang cần hàng thì tiền "phỏm" bị hét giá… trên trời. Không mua thì không có hàng bán, nếu mua thì giá quá đắt " - một tiểu thương bức xúc.
Chúng tôi đã có dịp chứng kiến một tay bán thuê mặt hàng xoài, mắng té tát một tiểu thương vì "tội"… không mua hàng. Những lời chửi hết sức tục tĩu và lăng mạ người mua được "tuôn ra". Thế nhưng, tiểu thương kia lại im lặng chịu trận mà không dám cãi một lời nào và lặng lẽ bỏ đi.
Theo thông tin PV biết được, những người đã trót "sờ hàng" mà không mua, bị mắng mà cãi lại là “ăn đòn” ngay. Một tiểu thương đứng gần đấy cho chúng tôi hay: "Như thế là may rồi. Có nhiều trường hợp khi đã thỏa thuận giá xong, nhưng người mua lại muốn đánh tháo thì chắc chắn sẽ ăn đòn. Cho nên, nếu biết bị hớ thì đành phải cắn răng mà mua".
Tuy nhiên, còn có những trường hợp không may hơn vị khách mua ở trên. Theo lời kể của chị D., có những hôm hàng nhập từ Trung Quốc về, hoặc từ miền Nam ra bị lỡ chuyến, hàng thối rất nhiều. Các chủ hàng đều muốn bán tháo hết số hàng nên bán rẻ hơn bình thường. Nhiều tiểu thương ham rẻ mua vào, nhưng khi mở thùng hàng, hoa quả bên trong thối hết. Vậy mà họ không dám "ho he" một tiếng nào. Người mua phải chấp nhận rủi ro, chứ không được phép đổi hàng. "Có lần, tôi mua phải thùng xoài thối, đòi đổi nhưng chủ hàng không những không đổi mà còn sai người đem vứt thùng hàng của tôi đi. Cũng may, mình không dám đôi co nên không bị ăn đòn. Nhiều người tiếc của, đôi co vài lời liền bị đánh cho thâm tím mặt mày", chị D. cho biết thêm.
Cũng chính bởi những nguyên nhân này mà các tiểu thương cũng dần hình thành những mối đổ hàng quen. Thay vì chạy đi chạy lại chọn hàng, nhiều người mua đã chọn giải pháp an toàn là nhập từ một chủ cố định. Họ chấp nhận hàng có thể không ưng ý, để tránh những phiền toái không cần thiết. Vậy là, nhờ vào những luật lệ "đen" mà nhiều chủ hàng lớn đã thiết lập được mạng lưới phân phối rất tin cậy và trung thành…
Những "lệ đen" đáng sợ Tuy nhiên, điều các tiểu thương e ngại không phải là khoản tiền lót tay mà đáng sợ là ở những "lệ đen" do giới chủ buôn áp dụngå. Ngoài một số thùng hàng phải nhập nguyên đai, nguyên kiện thì người mua hàng được phép kiểm tra chất lượng hàng trước khi mua. Tuy nhiên, nếu đã nâng lên, đặt xuống và nhận thấy chất lượng không như ý, người mua hàng vẫn phải vui vẻ... lấy hàng. Lý do được các tay bán thuê đưa ra rất đơn giản là: "Đã xem như vậy, hỏng hết hàng rồi". Bởi thế, người xem bắt buộc phải mua. |
Phạm Thiệu
Kỳ II: Quyền lực ngầm và những chiêu trò “bắt chẹt” người mua