Julia Pastrana sinh ra ở Mexico năm 1834. Bà mắc hai căn bệnh hiếm gặp, khiến khuôn mặt và cơ thể bị phủ kín bởi lớp lông dày, đen nhánh. Đồng thời môi và nướu cũng phát triển hơn mức bình thường.
Bà bị đặt cho nhiều biệt danh như "người khỉ", "người phụ nữ gấu", "người phụ nữ xấu nhất trên thế giới" và "sự kết hợp giữa loài người và sinh vật ngoài hành tinh".
Cuộc đời của Pastrana gắn liền với sự phân biệt chủng tộc ở thế kỷ 19. Năm 1857, Pastrana được đưa ra trình diễn tại Queen's Hall, sảnh hòa nhạc cổ điển ở trung tâm London nước Anh, nơi bà được giới thiệu là "một trong những sinh vật phi thường nhất từng được trình bày trước công chúng".
Vào thời điểm đó, Pastrana chỉ mới 23 tuổi, cao chưa tới 1m4 và nặng hơn 50kg. Bà được đưa tới các cuộc triển lãm trên khắp Hoa Kỳ và châu Âu, thu hút sự chú ý của những kẻ tò mò.
Báo chí quảng cáo các cuộc triển lãm bằng cách sử dụng những lời lẽ hàm chứa sự kỳ thị. Liverpool Mercury đã viết vào năm 1857:
“Cô ấy có bộ lông đen dày khắp người, ngoại trừ bàn tay và bàn chân. Miệng rộng, môi rất dày, hàm răng dị thường... Cô ấy rất tốt bụng, hòa đồng, và có sức sống - có thể nói tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, khiêu vũ, hát, cắt may, nấu ăn, giặt và là ủi - những tài nghệ sau này mới có, dĩ nhiên, kể từ khi cô ấy được giới thiệu về cuộc sống văn minh...”.
Một bài đăng trên tờ báo Liverpool Mercury năm 1857 cho thấy, cô bé Pastrana từng được tìm thấy trong một hang động ở vùng núi Mexico cùng một người phụ nữ bị mất tích gần 6 năm.
Theo đó, khi đang tìm kiếm gia súc trên núi, một người nông dân đã nghe thấy giọng nói phụ nữ phát ra từ một hang động. Thấy vậy, ông ta đi xuống, gọi thêm người tới hỗ trợ và giải cứu thành công người phụ nữ.
Người này kể rằng cô đã đi lang thang trên đỉnh núi rồi bị một bộ lạc giam giữ trong các hang động.
“Cô ấy lúc đó đang cho đứa trẻ khoảng hai tuổi bú. Người phụ nữ đã yêu thương đứa trẻ này một cách chân thành mặc dù sau này, cô từ chối làm mẹ nó. Đứa trẻ được đặt tên là Julia Pastrana”, tờ Liverpool Mercury thông tin.
Tấn bi kịch từ người chồng ác độc
Thời gian trôi mau, cô bé Pastrana dần lớn lên và trở thành người giúp việc trong nhà Pedro Sanchez, Thống đốc bang Sinaloa.
Năm 1854, Pastrana được đưa đến Hoa Kỳ, nơi cô được đưa vào triển lãm. Tờ Baltimore Sun đã chạy một quảng cáo về Pastrana vào ngày 9/11/1855, mô tả cô là sinh vật “nửa người nửa gấu”.
Để gặp cô tại Carroll Hall mỗi người lớn phải trả 25 xu trong khi giá vé dành cho trẻ em là 15 xu.
Thời gian này, cô cũng kết hôn với Theodore Lent, nhưng chuỗi bi kịch vẫn tiếp diễn. Thậm chí khi Pastrana mang thai, Lent đã bán vé cho công chúng để xem cảnh sinh nở của cô.
Bé trai xấu số do Pastrana sinh ra chỉ sống được 35 giờ sau sinh còn bản thân Pastrana cũng qua đời không lâu sau đó tại Moscow do các biến chứng từ khi sinh con.
Chồng cô tiếp tục đi lưu diễn nhiều năm liền sau đó, bằng cách trưng bày xác ướp Pastrana và con trai của họ trong tủ kính.
Theodore Lent còn kết hôn với một người phụ nữ râu quai nón ở Mexico rồi quảng cáo rằng đó là em gái của Pastrana.
Sau khi người chồng tàn ác qua đời, thi thể của Pastrana tiếp tục được trưng bày tại triển lãm cho đến khi kẻ trộm đột nhập và đánh cắp chúng.
Di hài của bà sau đó được cảnh sát tìm thấy trong thùng rác; cánh tay của Pastrana đã bị chia cắt còn cơ thể con trai bà không thể được cứu vớt. Năm 1996, thi hài của bà được đưa đến và lưu giữ tại viện Y học Pháp y thuộc đại học Oslo.
Năm 1998, cuộc đời của bà đã được Shaun Prendergast tái hiện trong một vở kịch sân khấu mang tên: "Câu chuyện có thật về cuộc sống bi thảm và cái chết hoan hỉ của Julia Pastrana, người phụ nữ xấu xí nhất thế giới".
Sau bao nhiêu gian truân, Pastrana cuối cùng đã được trao lại vẻ trang nghiêm, phẩm giá và vị trí xứng đáng trong lịch sử vào năm 2013, tức hơn 150 năm sau ngày mất của bà.
Theo yêu cầu của Chính phủ Mexico và thành quả của một chiến dịch được dẫn dắt bởi nghệ sĩ Laura Anderson Barbata , cơ thể của Pastrana được đưa về quê nhà Sinaloa, nơi bà được an táng sau Thánh lễ Công giáo La Mã tại một nhà thờ địa phương.
"Julia Pastrana đã trở về nhà" - Saul Rubio Ayala, thị trưởng Sinaloa de Leyva nói với các phóng viên - “Julia đã tái sinh trong số chúng ta. Hãy làm sao để từ nay về sau không còn một người phụ nữ nào bị biến thành công cụ thương mại nữa”.
Ngân Hà (Theo The Washington Post, Daily Mail,...)