Tuy nhiên, cho đến nay, ngoài những câu chuyện hư ảo khó chứng thực về cuộc đời của ông, người dân nơi đây còn tò mò về cái chết bí ẩn, từng một thời tốn nhiều giấy mực.
Lai lịch kỳ bí
Ngày thông tin về ngôi mộ ông Cao Nhà Bàng bị tiết lộ, gia đình ông Phan Ngọc Anh (thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) tất tả đón những lượt khách tham quan không hẹn trước. Những câu chuyện ly kỳ về cuộc sống của vị dị nhân cao hơn 2m, chân, tay, tai dài ngoằng có cái chết bí ẩn thu hút trí tò mò của người đời đến nỗi bà Diêm, vợ ông Ngọc Anh phải lẩn trốn mỗi khi có người hỏi thông tin ông Cao Nhà Bàng. Người dân địa phương cho biết, thông tin chính xác về ông Cao Nhà Bàng thường được gọi là ông Năm Cao rất ít người biết đến. Những câu chuyện của ông chỉ tồn tại trong ký ức của những bậc cao niên có gốc ở thị trấn vùng biên này.
Bộ ván tương truyền dài hơn 2,8m nay chỉ còn 2,2m.
Người dân địa phương khẳng định: "Ông Năm Cao là một nhân vật có thật, nhưng cuộc đời có những điều ly kỳ bí ẩn. Đặc biệt, ông cao hơn rất nhiều so với chiều cao trung bình của người nước ta thời bấy giờ. Không chỉ thế, tay chân ông dài ngoằng ngoẵng, dái tai cũng dài xuống như tai Phật. Tuy nhiên, mặc dù cao lớn bất thường nhưng ông lại gầy ốm, trông từ xa người xem cứ ngỡ như một người thiếu ăn đi cà kheo. Sự cao lớn bất thường của ông một thời từng khiến người dân trong vùng khiếp hãi bởi nó quá xa lạ với sự hiểu biết của dân địa phương".
Ông Phan Ngọc Anh, người một đời chăm sóc ngôi mộ của dị nhân trên cho biết: "Trước đây, ông Năm Cao sống trong chính gia đình này. Trước khi tôi về làm rể, ông Năm Cao đã ở nhà này rồi. Nghe ông Lê Văn Sóc, ông nội vợ tôi kể, một ngày nọ ông thấy một người trung niên đến xóm xin ở đợ làm thuê. Thương người, ông Sóc gọi người này lại nói: "Thôi anh về nhà tôi giúp tôi coi sóc ruộng vườn, không phải đi đâu nữa". Từ đó, ông Năm Cao ở nhà này luôn. Tuy vậy, ông Sóc không bao giờ đối xử với ông Năm Cao như một người giúp việc mà đối đãi như một bằng hữu. Ông nội vợ tôi nói, ông Năm Cao là người rất hiểu biết, có chí lớn".
Mặc dù ở chung nhà, nhưng gia đình ông Sóc không hề biết gốc tích, tên tuổi thật của ông Năm Cao. Cái danh Năm Cao hay Ông Cao Nhà Bàng được đặt theo chiều cao bất thường của người này. Ông Ngọc Anh khẳng định: "Ông Năm Cao cao lắm. Tôi từng nghe kể ông Năm Cao cao tới gần 3m. Ông cao đến nỗi ở nhà không có chiếc giường, phản nào đủ dài để ông ngủ. Thương bạn, ông Sóc phải kêu người hạ cây bình linh đại thụ trong vườn, đóng phản cho ông Cao. Trước đây, cái phản này dài 2,8m nhưng khi nằm, chân ông vẫn thò ra ngoài phản. Người nhà phải lấy tre đóng thêm cái giường nhỏ nối vào để ông gác chân mới vừa. Sau này tôi thấy cái phản vướng quá nên cắt mất 60cm rồi, giờ chỉ còn 2,2m thôi".
Ông Phan Ngọc Anh kể chuyện về ông Cao Nhà Bàng bên cạnh ngôi mộ cổ. Ảnh: Hà Nguyễn.
"Nói chung xung quanh cuộc sống của ông Năm Cao là một chuỗi bí ẩn", bà Diêm cho biết. Theo bà Diêm, có rất nhiều giai thoại hư - thực về thân hình cao lêu khêu của ông Năm Cao. Một trong số đó là chuyện ông lên núi Trà Sư trúng một cơn mưa lạ rồi lâm bạo bệnh thập tử nhất sinh, khi khỏi bệnh ông gầy ốm nhưng thân hình, tứ chi cứ dài ra lênh khênh. Một giai thoại khác là do ông lên núi Trà Sư vãn cảnh có bắt được một con cá trê vàng, ông đem về nấu canh với bầu ăn. Ăn vào ông cũng lâm trọng bệnh khiến tứ chi, thân hình dài mãi ra không dứt...".
Cái chết có nhiều bí ẩn
Các bậc cao niên trong vùng cũng như ông Ngọc Anh khẳng định: ông Năm Cao không chỉ nổi tiếng bởi chiều cao khác người của mình mà nổi tiếng xa gần vì biệt tài chữa bệnh và những cuộc đấu xảo thành công của mình. Ghi nhận thông tin trên, nhà văn Liêm Châu, người am tường sâu rộng vùng Thất Sơn, An Giang cho biết: "Trong những lần đi điền dã sưu tầm tài liệu, vốn sống cho những tác phẩm của mình, tôi cũng được nghe nhiều về ông Cao Nhà Bàng. Ngoài việc ông có chiều cao khác thường, người dân Nhà Bàng xưa còn khẳng định ông có biệt tài dùng thuốc Nam rất hay".
Theo nhà văn, ông Năm Cao khi nhàn rỗi vẫn thường lên vùng núi Thất Sơn sưu tầm, hái các loại thuốc quý về chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo. Về chuyện này, bà Diêm cũng khẳng định: "Trước đây, có lần ông nội tôi cũng nhắc việc ông Năm Cao từng bốc thuốc chữa bệnh cho gia đình ông và bà con tá điền thuê ruộng của ông nội tôi. Được ông nội khuyến khích, ông Cao còn hốt thuốc tại nhà chữa trị cho những ai cần mà không lấy tiền. Thế nên, người dân hồi đó quý ông lắm, không sợ như khi mới gặp nữa. Tuy nhiên, cũng chính từ sự nổi tiếng và được dân chúng, chí sỹ khắp nơi mến mộ, nể phục đã khiến cuộc sống của ông vướng phải những trắc trở. Đang trong độ tuổi chín muồi của đời người, ông bất chợt lâm bệnh rồi qua đời. Theo những câu chuyện trong dân gian Nhà Bàng, cái chết của ông Năm Cao ít nhiều liên quan đến sự lo sợ của thực dân Pháp".
Di ảnh ông Cao Nhà Bàng trên phần mộ của mình. Ảnh: Hà Nguyễn.
Ông Ngọc Anh nói: "Ông nội tôi kể trong một đêm đang đi dạo, ông thèm hút thuốc mà quên mang theo bật lửa. Nhìn quanh không thấy ai, ông bèn bước đến dùng tay mở chiếc đèn đường để mồi mà không cần nhón chân. Không biết ông loay hoay thế nào mà làm cháy cả cột đèn. Chính từ sự kiện này, thực dân Pháp tìm đến ông và bắt đầu để ý ông hơn. Về sau người ta kể, khi phát hiện ông ăn sáng ngoài chợ, chúng đã bí mật theo ông về nhà và tiêm cho ông một mũi thuốc nói là kiềm chế sự phát triển chiều cao bất thường của ông. Thế nhưng, sau mũi thuốc ấy, người ta thấy ông yếu dần rồi bại liệt và nhanh chóng qua đời. Thời đó, dân chúng đồn rằng giặc tây thấy ông cao lớn khác người đã có phần lo ngại. Thêm nữa, ông thường xuyên qua lại với những người có tinh thần yêu nước, được dân nghèo mến mộ. Bọn giặc cho rằng ông đang bí mật tổ chức, mưu tính chống lại chúng nên chúng bí mật thủ tiêu ông trước”.
Kể về cái chết chưa rõ nguyên nhân của ông Cao Nhà Bàng, bà Diêm nói: "Khi còn sống, mỗi khi ra thăm mộ ông Năm Cao, ba tôi có kể sau khi bị tiêm thuốc, ông vẫn khỏe mạnh một thời gian nhưng về sau tự dưng yếu hẳn đi. Người ta thấy ông ít nói, ít đi lại, trí nhớ không còn minh mẫn nữa rồi nằm liệt giường đến khi chết". Ông Ngọc Anh cho biết: "Lúc đó, không ai rõ nguyên nhân cái chết của ông, người ta bảo ông chết do xương cứ dài ra, không đủ chắc để đỡ cơ thể nên ông liệt đến chết. Người khác cho rằng cơ thể ông phát triển nhanh quá nên cũng nhanh bị lão hóa mà chết... Tuy nhiên, dân chúng vẫn nghiêng về chuyện ông bị giặc Pháp hại".
Hiện nay, ngôi mộ vẫn được gia đình ông Ngọc Anh trông nom, nhang khói. Ông Ngọc Anh nói: "Thân hình ông dài quá nên không có áo quan nào phù hợp. Mọi người tính đốn cây đóng quan tài cho vừa kích thước của ông nhưng người già bảo việc làm một cái quan tài dài thườn thượt, xây một ngôi mộ dài lòng thòng sẽ khiến người sau khiếp sợ. Do vậy, để ông có thể nằm trong áo quan dành cho người bình thường, khi khâm liệm người ta phải gấp hai chân ông lại”.
Nhiều người tự nhận là con cháu của ông Năm Cao Bà Diêm cho biết: "Sau lần ngôi mộ được thông tin, nhiều người tìm đến tự nhận con cháu của ông Năm Cao và xin chăm sóc, nhang khói cho ông. Tuy chúng tôi không tin lắm nhưng vẫn cho nhang khói. Năm rồi có người từ Tiền Giang lên, tìm đúng nhà tôi hỏi thăm về ông Năm Cao và cũng nhận là con cháu của ông. Hiện nay, vào dịp lễ người này vẫn đều đặn lên nhang khói cho ông Năm Cao". |
Hà Nguyễn - Ngọc Lài