Nay trở về với cuộc sống đời thường, những ký ức ấy vẫn còn hiện ra rõ ràng như mới ngày hôm qua với người chiến binh năm xưa. Song không phải ai cũng biết rằng, ông là cháu đời thứ tư của vua Minh Mạng.
Chàng trai Huế và ngày tháng hào hùng
Trở về với cuộc sống đời thường, người chiến binh năm xưa vẫn không thể quên những năm tháng chiến đấu như huyền thoại của mình trong quá khứ. Giữa thành phố tấp nập, hối hả, chúng tôi lẫn trong dòng người và hồi hộp tìm đến ngôi nhà của vị cựu chiến binh già Nguyễn Phúc Ưng Ân (85 tuổi, ngụ số nhà 23 đường Hồ Xuân Hương, TP. Huế). Mọi người trong vùng nhiệt tình chỉ đường cho chúng tôi. Ngôi nhà nằm cách xa so với con đường, được bao bọc bởi những cây cối xanh tươi trong vườn, tạo nên một khung cảnh rất đẹp như những vùng quê. Gặp chúng tôi ông nở nụ cười thân thiện.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có dòng dõi Hoàng tộc, ông là cháu đời thứ tư của vua Minh Mạng. Tuổi thơ của ông sinh ra may mắn hơn so với nhiều người. Ông bồi hồi nhớ lại: "Ngày ấy, ông đang theo học trường Thuận Hóa, do thầy Tôn Quang Phiệt làm hiệu trưởng. Lúc này, phong trào cách mạng nổ rộ khắp nơi. Lúc đó, ông đã sớm giác ngộ cách mạng, nhận thấy cái nhục của người dân mất nước. Ông về thưa chuyện với bố mẹ xin cho ông tham gia các hoạt động cách mạng. Thấy ông đang học lại còn nhỏ tuổi nên bố muốn ông học xong hãy tham gia, vì tuổi còn trẻ. Thế nhưng, ông vẫn lén lút tham gia hoạt động với mọi người, tập hợp thành từng đoàn đi lấy con dấu của lý hương, lý trưởng, hương bộ ở khắp nơi trong tỉnh Thừa Thiên- Huế.
Sáng sớm 30/8/1945, ông hòa vào rừng người, cờ, biểu ngữ tuần hành trên các tuyến đường ở TP.Huế, hô vang khẩu hiệu cách mạng "Việt Nam độc lập muôn năm- Dân chủ cộng hòa muôn năm" rồi tề tựu trước cửa Ngọ Môn. Biển người kéo dài ra sát bờ sông Hương để chứng kiến lễ thoái vị của vua Bảo Đại. Ngay ngày hôm sau, ông từ biệt gia đình, xin tham gia vào đội tuyên truyền xung phong Việt Minh Trung Bộ.
Ông kể: "Đội tuyên truyền cho ngày bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đi về các vùng sâu, vùng xa nói về ý nghĩa ngày bầu cử".
Dù chưa đủ 18 tuổi, nhưng tôi cũng thấy náo nức trước ngày hội của đất nước, tuyên truyền, vận động nhân dân đi bầu ra cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước vừa thành lập, nhưng đã phải đương đầu với giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Lúc này khi gia đình thấy ông tham gia nhiều hoạt động nên không ngăn cản nữa, chỉ mong ông hoạt động rồi quay về cùng gia đình.
Ông Nguyễn Phúc Ưng Ân với những chiến công trên ngực áo.
Đến đám cưới trong những ngày bom đạn
Khi chúng tôi hỏi về vợ ông, ông cười bảo: "Người yêu tôi đang nấu ăn". Nghe ông giới thiệu có vẻ hóm hỉnh nhưng ông cho biết, dù ông và bà lấy nhau cho đến nay đã 56 năm, nhưng ông bà vẫn luôn đầy ắp tình thương. Nhớ lại chuyện cũ, ông kể đó là thời gian năm 1957, lúc hai miền Nam Bắc bị chia cắt. Ông đang ở miền Bắc, tham gia hoạt động cách mạng. Lúc đó, ông là chàng trai trẻ đã 27 tuổi, chưa vợ.
Trong thời gian hoạt động ông đã quen với cô gái xứ Nghệ, cô cũng là bộ đội. Họ gặp nhau ở Trung đoàn an dưỡng. Quen nhau nhưng cũng chưa tính chuyện cưới nhau vì chiến tranh còn dài. Ông sợ phải vào chiến trường bắt người yêu chờ đợi, hơn hết lòng yêu nước lúc này được đặt lên trên. Tuy nhiên, khi nghe ban chỉ huy Trung đoàn của mình bàn, nên lấy nhau đi.
Thấy mọi người ủng hộ, ông mới bàn với người yêu cùng nhau tổ chức lễ cưới. Ngày ông lấy vợ, gia đình không ai biết. Khi ra mắt gia đình bên vợ phải nhờ tới người đứng đầu nơi mình hoạt động đại diện nhà trai để bảo đảm với gia đình bên vợ. Chỉ sau khi trở về gia đình ông mới biết con trai mình đã lấy vợ. Tuy thời gian đã qua lâu, nhưng trong gia đình ông, hình ảnh vợ chồng hạnh phúc không bao giờ phai nhạt.
Nhắc đến vợ mình, ông cười vui nói: "Chúng tôi tuy già nhưng từ lúc lấy nhau tới giờ chưa bao giờ to tiếng với nhau, vợ chồng lúc nào cùng vui vẻ. Tôi chỉ mong con cái mình cũng sẽ sống tốt, khuyên những đứa con trai mình cố gắng giữ gìn hạnh phúc".
Người thờ Võ Đại Tướng tại tư gia
Tiếp chuyện với chúng tôi, ông vừa nhấp ngụm trà, bồi hồi nhớ lại, ngày ấy ông hoạt động trong khu vực tham gia đội tuyên truyền, được tiếp xúc và cũng hiểu rõ hơn những vấn đề lớn lao của dân tộc, trong thời gian này ông được cử ra làm việc ở Ty thông tin Quảng Bình. Đến năm 1948, ông lại rời vùng đất đó, gia nhập vào quân đội, tham gia chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên, ở khu vực mặt trận nam Lào. Trong thời gian chiến đấu vất vả, ông cùng những đồng đội của mình đấu tranh không ngại gian khổ. Ông nói, nhiều người cứ nghĩ tôi sinh ra trong một gia đình có điều kiện như vậy, sao có thể chịu đựng những vất vả. Nhưng khi hoạt động cùng ông, họ mới biết ông là người luôn hết mình, đấu tranh và có một chí hướng rất lớn.
Không chỉ tham gia chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông còn tham gia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoạt động ở chiến trường Tây Nguyên. Hoạt động trong quân đội đã lâu, nên ông đã quen dần với cuộc sống của người lính. Ông kể: "Các cháu không biết giai đoạn đó chiến tranh liên miên. Ông đã tham gia nhiều trận chiến, hoạt động khắp nơi. Lúc đó tinh thần yêu nước lớn lắm, không khí háo hức khiến lúc đó là chàng thanh niên trẻ chỉ muốn cống hiến hết mình cho Tổ quốc, không ngại bản thân chứ đâu có chuyện sợ hãi nhút nhát".
Sau khi tham gia các cuộc chiến trở về. Năm 1981, ông xuất ngũ về làm công tác tuyên huấn ở Tỉnh ủy Bình Trị Thiên. Ông đã từng giữ nhiều chức vụ khác nhau, làm các mảng vận động, làm khoa học, làm truyền hình. Ông kể trong thời gian đó ông đã gặp được người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhắc đến Đại tướng ông lại rưng rưng, bởi trong mắt ông, Đại tướng như người anh cả trong gia đình mình. Để tỏ lòng kính trọng Đại tướng ông đã đưa ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thờ trong gia đình mình...
Nhìn ngôi nhà ông sống giữa thành phố, không hề cầu kỳ, luôn giữ những vẻ đơn sơ chất phác. Hình ảnh cây cối và những cách trang trí trong nhà cũng đủ thấy ông luôn là người sống chất phác, tốt bụng và luôn là người chồng, người bố tốt. Trải qua những thăng trầm của cuộc sống, ông vẫn luôn giữ được những khí tiết của người lính năm xưa. Rời khỏi ngôi nhà của ông, chúng tôi vẫn luôn thầm cảm phục người lính năm xưa, và những khí tiết của ông ở mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
85 tuổi đời, 65 tuổi Đảng Khi nghe chúng tôi hỏi, vì sao ông không chọn cho mình con đường học tập, bởi gia đình ông có điều kiện. Nhưng ông chỉ cười nói: "Tham gia vào hàng ngũ bộ đội, được cống hiến cho Tổ quốc là ước mơ và chí hướng của ông". Ông muốn được cống hiến hết mình cho đất nước. Hiểu được nỗi nhục mất nước cũng như hiểu được đúng đắn con đường đi của mình, không phải ai cũng có thể làm được. Chính vì vậy hiện nay với 85 tuổi đời và 65 tuổi Đảng, ông vẫn luôn có những cống hiến cho đất nước. |
Đinh Hiền