Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn là một trong những nghệ sĩ Jazz Saxophone hàng đầu Việt Nam. Anh còn được mọi người biết đến như một nhạc sĩ, hòa âm và là nhà sản xuất âm nhạc.
Saxophone Trần Mạnh Tuấn
Sinh ra tại đất Hà thành, cuộc đời của người nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn đầy thăng trầm, nghiệt ngã. Mẹ anh là cháu của chủ rạp hát nổi tiếng Kim Phụng, còn bố là kép chính. Để giữ kép chính, bà của anh gả con gái khi mẹ anh mới 16 tuổi. Chính vì vậy mà bố mẹ anh không có tình yêu và chia tay trước khi anh được sinh ra.
Trần Mạnh Tuấn chia sẻ: "Tên cúng cơm của tôi là Thêm, chứ không phải Tuấn. Tôi là con thứ tám trong gia đình, tôi phải xa cha mẹ từ tấm bé, sống rong ruổi cùng đoàn hát đi khắp nơi. Tôi lớn lên ở phố Tạ Hiện, nơi hỗn độn mọi thành phần của xã hội, được va chạm sớm nên tôi hiểu thế nào là sự chia sẻ. Cuộc sống lang bạt cho tôi sự cứng cáp, từng trải. Tôi có óc tổ chức, làm ông bầu từ bé, khả năng sinh tồn buộc mình phải khai thác, khám phá, khó khăn càng làm cho mình rắn rỏi, mạnh mẽ hơn. Tôi đi đêm về hôm mà mình không hư cũng là nhờ âm nhạc, để hiểu được cái đẹp. Sau này, mẹ tôi vẫn thường nói không ngờ đứa con mà bà định bỏ đi mang lại hạnh phúc cho bà nhiều nhất”.
Trần Mạnh Tuấn chơi nhạc Jazz từ lúc 8 tuổi cho đến 13 tuổi nhưng anh tiết lộ thực sự mình không biết nhạc Jazz là gì? Trần Mạnh Tuấn cho hay, cơ duyên để anh chơi nhạc Jazz là vào thời điểm đó, trung tâm ngôn ngữ của Pháp đưa đoàn nhạc Jazz sang biểu diễn. Anh là một trong những nhân tố được họ để ý ngay từ đầu, nên người ta chọn anh và một vài người nữa của những năm 89, họ chọn để đào tạo. Và có thể nói anh là người tiên phong ở ngoài Hà Nội được tiếp xúc, học và chơi nhạc Jazz.
Trần Mạnh Tuấn (phải) cùng đồng nghiệp trong một show diễn
Trần Mạnh Tuấn chia sẻ: "Năm 13 tuổi, tôi bị đau mắt, bác sĩ chẩn đoán chỉ bị viêm mắt bình thường, đâu ngờ ba ngày sau để tay lên mắt không còn nhìn thấy gì nữa. Bác sĩ phải tiêm một loại thuốc rất mạnh để giữ con mắt còn lại. Đau đớn vô cùng, tôi nằm lịm đi suốt mấy tiếng đồng hồ, rồi lại một mình trở về nhà. Lúc ấy, tôi tưởng cuộc đời thế là chấm dứt. Tôi lao vào thổi kèn như điên, và không ngờ âm nhạc đã cứu sống tôi.
Khi đang biểu diễn ở Đức, tôi mới biết mình bị hư hết hai quả thận. Một tháng trời tôi bị sốc, chỉ nằm nhìn lên trần nhà. Tôi không thể tin được đó là sự thật. May mắn là tôi được nhiều người thương, kể cả những người bạn Mỹ. Chính anh trai đã cho tôi quả thận của mình rồi bạn bè gom góp tiền cho tôi đi Mỹ chữa bệnh. Năm lần phẫu thuật, sống với một con mắt và hai quả thận hư, may cho tôi là còn có âm nhạc.
Suốt ba tháng đầu tiên phải vào bệnh viện để chạy thận, lúc nào tôi cũng có cây kèn bên mình. Khi không thổi kèn được thì tôi nghe nhạc. Sợ nhất là lúc gây mê, y như cảm giác đứng trước cái chết, sợ rằng mình sẽ không bao giờ tỉnh lại nữa. Trước mỗi ca mổ như thế tôi thường chơi vài hợp âm gì đó. Âm nhạc giúp tôi và cả những người bệnh xung quanh lạc quan hơn”.
Sau quá nhiều những thăng trầm phải trải qua, anh nhìn mọi thứ đều bình thường. Ngay cả những điều đến với anh, anh cũng cảm thấy bình thường, những điều mất mát cũng bình thường.
Hà Hưng
Kỳ sau: Nghệ sĩ Saxophone hàng đầu Việt Nam và duyên tình với nhạc Trịnh
Đọc báo trên mạng di động của Viettel. Những bí ẩn y khoa chưa có lời giải mà bất kỳ ai cũng cần quan tâm, soạn: DK YK gửi 9222, những khoảnh khắc thay đổi số phận con người, soạn DK KK gửi 9222. |