Thế nhưng, nhiệt huyết của một người lãnh trách nhiệm an ninh không cho phép ông ngừng nghỉ khi ngoài kia, tập đoàn phản động vẫn ngấp nghé ngóc đầu dậy. Trận đối mặt với Nhà nước Đề Ga năm 2004, ông đã phải chiến đấu với bọn phản động cực kỳ hung hãn, giành lại từng thước đất cho nhân dân.
Cam go cuộc chiến ở tình thế hiểm nghèo
Chiến thắng trong cuộc chiến chống lại tập đoàn Fulro phản động, được sự tin yêu của nhân dân, ông dần được ban lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tín nhiệm giao phó nhiều trọng trách. Từ trưởng công an huyện khi mới hơn 34 tuổi, ông đã giữ chức Giám đốc công an tỉnh Lâm Đồng. Trên mọi cương vị, ông đều tạo dựng hình ảnh một con người chính trực, liêm minh, nhiệt huyết trong công việc, chân thành trong các mối quan hệ. Sau đó, ông được Nhà nước đề bạt giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh. Tưởng chừng, từ đây, người anh hùng sẽ tạm gác những tháng ngày luồn rừng, băng núi, dấn thân chiến đấu chống kẻ phản động. Thế nhưng, năm 2004, ông lại nhận nhiệm vụ chặn đứng âm mưu đánh chiếm Tây Nguyên của Nhà nước Đề Ga.
Nhớ lại trận đánh khó quên ngày nào, Trung tướng Trịnh Lương Hy hướng ánh nhìn suy tư về phía ngọn núi Voi đỉnh trắng khói chiều, nói: "Ngày 9/4/2004, tôi nhận được tin TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lăk). Từ huyện CưMgar, hơn 8 ngàn người kéo nhau ra cầu E Tiêu, các huyện khác như Lắk, Krông A Na,... cũng đồng loạt kéo về đánh chiếm Buôn Ma Thuột. Tình hình vô cùng hỗn loạn. Những thành phần phản động này kích động quần chúng đi theo, tạo nên một thanh thế lớn. Chúng sử dụng máy cày (xe công nông - PV) chở người, gạo, vật dụng, đá cục làm vũ khí tiến về Buôn Ma Thuột, quyết tâm đánh chiếm thành phố".
Trước tình hình trên, theo sự chỉ đạo của cấp trên, ngay hôm sau, Trung tướng Trịnh Lương Hy lập tức lên Buôn Ma Thuột nắm tình hình. Ông nhớ lại: "Chúng sử dụng máy cày chở đầy đá cục dùng làm vũ khí để tấn công lực lượng cảnh sát. Đi đến đâu, chúng kích động người dân theo để làm lá chắn. Phía trước, chúng bố trí những thanh niên lực lưỡng, hiếu chiến, phía sau là bà con dân tộc làm hậu thuẫn. Với đội hình như vậy, chúng khiến lực lượng của ta không thể nổ súng. Ngược lại, chúng ào ạt tấn công bằng cách ném đá cục vào lực lượng của ta".
Lâm vào thế khó, lực lượng công an, cảnh sát cơ động mất thế, bị đẩy lui rồi rút dần về nội thành TP. Buôn Ma Thuột. Trực tiếp chỉ đạo, Trung tướng Trịnh Lương Hy khi ấy đang mang hàm Thiếu tướng cũng bị vây hãm. Ông kể: "Trước tiên, nhận định, bọn chúng sẽ kéo một đường qua cầu E Tiêu vào thành phố. Đây là cửa ngõ then chốt, tôi giao cho Chủ tịch tỉnh phụ trách. Tôi nói: "Bằng mọi giá phải giữ cho được cầu E Tiêu. Mất cầu E Tiêu coi như mất thành phố. Sau đó, tôi qua mũi chính CưMgar để chỉ đạo".
Ông YD heá Adrơng (bìa phải) - trưởng Phái đoàn Fulro tại TP. Buôn Ma Thuột tuyên bố toàn thể Fulro về hợp tác với Chính phủ. (Ảnh nhân vật cung cấp).
Tại đây, tình hình vô cùng hỗn loạn. Đội hình lực lượng của ta bị quân phản động phá vỡ. Thấy cảnh ấy, tôi vô cùng nóng lòng rồi đứng dậy hét lớn để chấn chỉnh. Nhưng chưa kịp, quân phản động đã ập tới, xối đá như mưa về phía chúng tôi. Không trụ nổi, chúng tôi phải bỏ vị trí. Tình thế buộc phải chấp nhận lùi một bước đế tiến nhiều bước".
Trên đường truy kích lực lượng công an, cảnh sát cơ động, bọn chúng chiếm được đại lý bia, dồn ép lực lượng chức năng vào một góc cho người ném chai bia, đá, dùng ná cao su bắn vào tới tấp. "Trước tình thế đó, đồng chí phụ trách ở đây đề xuất: "Báo cáo thủ trưởng, tôi đề xuất cho tôi bắn”. Tôi gạt ngay vì phía sau là người dân không thể nổ súng. Khi đó, thấy tôi mặc áo đứng chỉ huy, bọn chúng cứ nhắm người tôi ném đá, chai bia tới tấp".
Vượt thế hiểm nghèo
Nghệ thuật dùng người Ông Đặng Minh Tâm, người nhiều năm gắn bó bên cạnh Trung tướng Trịnh Lương Hy khẳng định: "Anh Ba Hy (tên thường gọi của Trung tướng Trịnh Lương Hy - PV) không chỉ nổi tiếng về tài đánh địch mà còn là một tấm gương sáng về nghệ thuật dùng người. Anh không chỉ thương người dân thường mà còn thương, tin tưởng cả những người lầm lạc, phản động, thành phần nguy hiểm. Bằng tình cảm chân thật ông lôi kéo họ về theo lẽ phải, đưa họ vào nắm giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước mà điển hình là các ông Ya Đúck, Bùi Đát, Lê Minh Quốc,... Bùi Đát trước đó từng bị khai trừ khỏi Đảng đi tù mà anh Ba vẫn đưa vào công an làm Phó phòng tham mưu. Hay Lê Minh Quốc chống Đảng đến cùng, ông cũng cho vào làm lãnh đạo tờ Tin an ninh... Những người mà anh Ba từng giúp, không một ai làm anh mất uy tín". |
"Lúc ấy gần như toàn bộ lực lượng của ta rơi vào thế bị động không thể tiến đánh cũng không thể lùi. Nếu nhượng bộ, thanh thế của chúng sẽ lên, người dân tin theo, nổi loạn. Chúng tôi cũng không thể bắn vì như vậy sẽ thương vong rất nhiều đồng bào vô tội bị bọn phản động kích động, xúi giục. Nếu không nhanh chóng tìm ra giải pháp hóa giải tình thế, có thể chúng tôi phải đối mặt với những thương vong không đáng có".
Sau những giây phút hỗn loạn, vị tướng sở hữu nhiều kinh nghiệm "chinh chiến" quyết định rút sâu vào thành phố. Đến ngã tư đường Phan Châu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột), ông cho lập chốt phản kích. Trung tướng nhớ như in: "Đến ngã tư Phan Chu Trinh tôi cho lực lượng dừng lại, phản kích. Tôi cho lính ném trái cay, trái nổ về phía địch nhưng không hiệu quả vì địch phát hiện đạn nổ không nguy hiểm. Địch ở hướng ngược gió, bao nhiêu đạn cay, quân ta đều nhận cả. Trong tình hình đó, tôi bàn với đồng chí Cán lúc ấy đang là Tỉnh đội phó tỉnh Đăk Lăk: "Anh cho người bọc ra sau để chia cắt đội hình của địch. Tuyệt đối không được bắn mà chỉ cho mỗi người mang một bọc đá. Thấy địch cứ thế ném thẳng. Mục đích chính là chia cắt đội hình địch với số người dân hậu thuẫn phía sau”.
Cùng lúc đó, tôi cho quân tràn lên đánh vỗ mặt. Vấp phải những trận mưa đá, ná cao su của địch, tôi cho xe chữa cháy chạy de lui tiến thẳng tới. Vừa de vừa xịt nước pha ớt. Hai bên xe, tôi bố trí lực lượng trang bị dùi cui tiến vào trấn áp những phần tử cứng đầu. Tôi lệnh cứ đập thẳng tay, đập túi bụi, đập từ vai trở xuống tránh thương vong nghiêm trọng. Cuối cùng, hơn 5-6 trăm tên phản động quá khích rút chạy. Tôi cho lực lượng truy kích đến tận làng, bắt sống được hơn 300 tên mà không tốn một viên đạn".
Trên mặt trận cầu E Tiêu, các chiến sỹ công an cũng gan lỳ cự với bọn phản động, giữ vững cầu nối vào thành phố. Sau trận đánh vỗ mặt, lực lượng phản động tháo chạy ra biên giới, một số khác trốn sâu vào rừng. Quyết tâm truy quét, đảm bảo tình hình an ninh, Trung tướng tiếp tục chỉ đạo chiến dịch tổ chức bắt các thành viên thuộc bộ sậu của Nhà nước Đề Ga. Ông kể: "Những tên cộm cán rất gan lỳ, chúng tôi đã tìm mọi cách để truy quét nhưng vô vọng. Trước tình hình đó, tôi quyết định thực hiện các chuyên án bắt sống bí mật. Tôi nhớ nhất chuyên án tôi đón bắt các thành phần trên tại núi Hàm Rồng thuộc huyện Đắc Cơ”.
“Đánh án” hoàn hảo
“Tin từ cơ sở báo về cho biết bọn phản động đang có ý vượt biên ra nước ngoài. Nhận tin, tôi trực tiếp chỉ đạo anh em lên kế hoạch đón lõng tại biên giới. Để đảm bảo an toàn và thành công, tôi trực tiếp theo trinh sát tìm hiểu địa hình để bố trí quân. Sau đó, tôi cho xe tải chạy đến điểm hẹn tại núi Hàm Rồng. Lái xe và phụ xe đều là các chiến sỹ công an mưu trí, dũng cảm và tinh thâm võ thuật. Ngoài ra, tôi rải quân trên đường xe chạy để hỗ trợ khi cần. Tôi cùng thư ký của mình trực tiếp cho xe bám đuôi để chỉ đạo.
Đến địa điểm đón, không một chút nghi ngại, từng người trong bọn chúng lần lượt lên xe. Xong đâu đấy, phụ xe đóng cửa, khóa chặt chạy thẳng vào đồn công an huyện. Khi biết mình rơi vào tay công an, nhiều tên còn hết sức manh động. Tôi nhớ nhất là tên Amalan. Tên này nhỏ con mà rất liều lĩnh. Vừa xuống xe, nhanh như chớp, hắn lao vào một chiến sỹ trẻ hòng khống chế súng, tạo đường máu thoát vào rừng. Tôi nhanh tay lao vào trấn áp, quật ngã đối tượng, giải lên xe bí mật chở xuống TP.HCM". Bằng cách đó, ông đã tìm, bắt nhiều tên đầu sỏ thuộc lực lượng phản động mà chúng không hề hay biết, tạo nên những chiến thắng xuất thần.
Hà Nguyễn - Ngọc Lài