Chúng tôi điểm lại những cuộc đời của một số nhà báo lừng danh thế giới, mà tên tuổi và sự nghiệp của họ là tấm gương cho những người làm báo muốn dùng tiếng nói của mình phụng sự sự thật.
Kỳ 1: Dorothy Thompson, biểu tượng nữ quyền của báo giới
Dorothy Thompson, bà là một nhà báo nổi tiếng, bình luận gia chính trị và được coi như đối thủ hàng đầu của Hitler và chủ nghĩa phát xít năm 1930.
Dorothy Thompson được sinh ra ngày 9/7/1893 ở Lancaster, New York. Mẹ bà, Margaret, đã qua đời vào năm 1901 và cha bà là Peter, một mục sư Methodist đã tái hôn hai năm sau đó. Dorothy không thể sống hoà thuận với Elizabeth Abbott Thompson – mẹ kế của bà, và trong năm 1908, Peter gửi con gái đến sống với người thân ở Chicago.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Syracuse năm 1914, Dorothy làm việc cho phong trào nữ quyền đến năm 1917 khi bà chuyển đến New York và bắt tay gây dựng những mốc đầu tiên trong sự nghiệp báo chí. Năm 1920, Thompson đã đi tới châu Âu và sống cuộc sống của một nhà báo. Cho đến năm 1925, bà đứng đầu văn phòng Berlin của tờ New York Post và Public Ledger. Sau đó, một bài báo chỉ trích sự nổi lên của Adolph Hitler và Đức Quốc Xã của Dorothy đã dẫn đến lệnh trục xuất bà khỏi Đức vào năm 1934.
Bà trở về Mỹ và từ năm 1936, bà phụ trách mục "On The Record" chạy trên tờ New York Herald Tribune và hơn 150 tờ báo khác. Ngoài "On The Record" cùng với một mục mà bà hàng tháng đã viết cho Ladies Home Journal, Dorothy còn là giảng viên Đại học và phát thanh viên đài phát thanh NBC. Cuộc sống riêng tư của bà bình thường và bà kết hôn với Sinclair Lewis vào năm 1928. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân đã kết thúc vào năm 1942.
Tìm kiếm một vấn đề mới và một đối tượng mới sau chiến tranh, Thompson đưa tầm mắt của mình tới Trung Đông. Mặc dù làm việc cho Zionism (tổ chức vận động để thiết lập một quốc gia Do Thái ở Palestine) từ năm 1920, nhưng cuối cùng bà đã tham gia phe chống Do Thái và ủng hộ Ả Rập. Những bài viết chính trị của bà trở nên bảo thủ hơn, tuy nhiên, bà ủng hộ giải trừ quân sự hạt nhân và miêu tả chiến tranh lạnh như một trận chiến văn hóa và tư tưởng chứ không phải là một cuộc đấu tranh quân sự. Đó là nền tảng rất quan trọng trong việc nghiên cứu tình hình chiến tranh sau này của các nhà quân sự thế giới.
Bà qua đời ở Bồ Đào Nha vào năm 1961. Sự nghiệp lẫy lừng Dorothy để lại đã đưa tên tuổi bà trở thành một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất khoảng thời gian trước thế chiến II ở Mỹ.
Thu Hằng