Cuộc đời ông bầu “vua” vang bóng một thời

Cuộc đời ông bầu “vua” vang bóng một thời

Thứ 5, 27/12/2012 23:51

Ông bảo, làm bầu thì oai lắm nhưng có khi cũng khổ sở, túng quẫn đến cùng cực.

Thập niên 70, 80 của thế kỉ trước, trên sân khấu Sài Gòn xuất hiện “tứ đại thiên vương” từng làm mưa làm gió ở các đại nhạc hội trên hầu hết các rạp biểu diễn lớn. Họ thay nhau kí kết các hợp đồng 5 năm, 10 năm và thâu tóm toàn bộ giới văn nghệ sĩ mà tên tuổi còn vang bóng đến ngày này như Chế Linh, Duy Khánh, Giao Linh. Trong số “tứ quái” thời đó phải kể đến ông bầu “vua” Ngọc Giao, người từng thống soái cả đội quân “hổ báo” tung hoành ngang dọc khắp đất nước.

Xã hội - Cuộc đời ông bầu “vua” vang bóng một thời

Hình ảnh Ngọc Giao đặc trưng với mái tóc buộc túm

Bộ tóc dài buộc túm trắng như cước kết hợp với trang phục áo trắng, quần trắng cùng chiếc mũ phớt là hình ảnh thường thấy của ông bầu vua Ngọc Giao bây giờ. Cách đây hơn 40 năm về trước, con “đại bàng” này đã vỗ cánh bay cùng trời cuối đất không biết mệt mỏi dẫn theo một đội quân hùng hậu, chế ngự toàn bộ giới ca sĩ, diễn viên, tạp kĩ Sài Thành.

Bản lĩnh của một người từng trải vẫn hằn sâu trong con người ông. Từ giọng nói, phong cách, đến lối sống khiến người ta nhìn vào cũng có thể nhận thấy ông có một cái gì đó thật đặc biệt, khác hẳn với người những bình thường. Đó là chất nghệ sĩ phong trần. Gặp tôi, ông bảo, cứ viết đi, viết thoải mái vì đời ông không còn gì để mất nữa rồi.

Ngọc Giao tên thật là Nguyễn Ngọc Giao, sinh tại làng Phù Lễ (Quảng Điền- Thừa Thiên Huế), trong một gia đình có 7 anh chị em. Hoàn cảnh gia đình, nỗi khổ cực, đớn đau ê chề của tuổi thơ đã tôi luyện cho Ngọc Giao bản lĩnh gang thép ngay từ khi còn là cậu bé. Cái nghèo, cái đói và cả cái cá tính ngang tàng, không chịu ngồi yên, khiến ông dứt áo ra như một sự tất yếu, dễ hiểu.

Đầu thập niên 60, Ngọc Giao bước chân vào Sài Gòn lập nghiệp với nghề kí giả cho một số tờ báo. Không qua bất cứ trường lớp đào tạo chính quy nào về viết báo nhưng ông vẫn trở thành một cấy bút viết sân khấu, điện ảnh sắc sảo, được nhiều người biết đến.

Nghề báo tạo cho ông nhiều mối quan hệ với giới văn nghệ sĩ, cùng với niềm đam mê nghệ thuật. Và từ bao giờ, ông đã nghiễm nhiên trở thành một phần trong thế giới showbiz thời bấy giờ. Vài năm sau, Ngọc Giao làm phụ tá cho ca sĩ Duy Khánh với nhiệm vụ là tuyển chọn các ca sĩ hát rong trong các phòng trà, hay rạp hát. Nhờ các mối quan hệ và sự quen biết giới ca sĩ nên chỉ trong một thời gian ngắn, ông đứng ra thành lập đoàn nghệ thuật mang tên Ngọc Giao.

Đoàn của ông biểu diễn đêm thứ bảy, chủ nhật hàng tuần tại rạp Olympic (nay là Trung tâm văn hóa Tp HCM). Các đêm nhạc hội của Ngọc Giao luôn thu hút đông đảo khán giả không thua kém gì đàn anh Hoàng Biếu đang nổi danh lúc đó. Nhờ những thành công rực rỡ ngay ngày đầu mà ông bầu Ngọc Giao có tiền mua xe hơi và thay “xế” xịn liên tục. Tên tuổi của Ngọc Giao dần khẳng định trong các đêm đại nhạc hội nổi tiếng Sài Gòn.

Sau năm 1975, Ngọc Giao thành lập đoàn ca múa nhạc mang tên Trường Sơn với quân số lên tới hàng trăm người. Đất nước đã lật qua trang sử mới, toàn dân của cả hai miền đất nước đang hân hoan chào đón ngày hội chiến thắng của dân tộc. Vì vậy, lúc này, Ngọc Giao như con ngựa hoang được buông vó trên sa mạc, xông pha vào những vùng đất lũng sâu hoang dã. Máu đam mê nghệ thuật dường như luôn căng tràn trong người ông bầu, để rồi những trận “kích cầu” khán giả dường như vỡ tung sân khấu.

Dưới sự chỉ huy của Ngọc Giao, đoàn nghệ thuật mang tên ông không ngừng lớn mạnh kéo theo sự đầu quân của các ca sĩ có tiếng thời bấy giờ như Chế Linh, Duy Khánh, Anh Khoa và nhiều bằng hữu khác.

Kỳ sau: Ghét ai thì xui làm... bầu

Hoa Nguyên


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.