Tiểu Đức Trương- một trong hai thám giám cuối cùng của triều đại Mãn Thanh cũng là người như vậy.
Tự thiến để mong làm thái giám
Tiểu Đức Trương tên thật là Trương Tường Trai, hồi nhỏ còn được gọi là tiểu Đức Tử. Theo sử sách Trung Hoa ghi lại,ông này là người huyện Thanh Hải thuộc tỉnh Thiên Tân. Vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông nên ngay từ nhỏ Đức Trương đã nếm đủ vất vả, khổ cực của thân phận làm thuê cuốc mướn cho các gia đình giàu có khác ở trong vùng. Ước muốn duy nhất của cậu bé Đức Trương khi đó là mong muốn lớn thật nhanh để có thể kiếm nhiều tiền, thoát khỏi cuộc sống tủi nhục của thân phận làm thuê.
Tiểu Đức Trương khi còn làm thái giám trong cung |
Năm 15 tuổi, một lần khi đi trên đường, chiếc xe ngựa sơn son thiếp vàng của một tay địa chủ giàu có trong vùng đã làm cho cậu bé Đức Trương chú ý. Do quá mải mê ngắm nhìn chiếc xe sang trọng này, Đức Trương đã không chú ý tránh đường và bị người đánh xe vụt túi bụi. Không những thế, vừa vung roi tên này vừa trừng mắt chửi té tát rằng nếu giỏi thì mua lấy một cái mà đi. Bị chịu đòn roi oan uổng lại vừa bị người làng xung quanh cười nhạo, Đức Trương đã lập tức chạy về nhà và hỏi mẹ: “Làm gì để trở nên giàu có?”.
Nhận được câu hỏi của con trai, bà mẹ chỉ ngao ngán trả lời rằng: “Nếu muốn giàu có thì làm thái giám”. Tại thời điểm này, sự giàu có của gia tộc thái giám Lý Liên Anh- một trong những sủng thần của Từ Hy Thái Hậu đã khiến người đời phải ngỡ ngàng và ghen tỵ. Người ta khi đó đã đồn đoán rằng, Lý Liên Anh giàu có tới nối vàng bạc chất lên thành núi, thậm chí gia tài của ông ta còn nhiều gấp vài lần tài sản của quốc khố cộng lại. Từ “tấm gương” của viên thái giám họ Lý, nhiều người có con trai khi đó đã tình nguyện bỏ tiền của lo lót để con của họ được vào cung trở thành thái giám.
Mặc dù mới 15 tuổi nhưng Đức Trương khi đó cũng hiểu rằng, với thân phận nghèo hèn của gia đình thì sẽ chẳng bao giờ đổi đời mà trở nên giàu có được. “Chi bằng ta trở thành thái giám thì mới có cơ hội giàu có. Nếu không cả đời sẽ chỉ mãi làm thuê và bị người ta khinh thường như thế này thôi”. Nghĩ là làm, ngay tối hôm đó, Đức Trương dồn hết số tiền còn lại của mình để đi sắm một con dao mới thật sắc.
Khi tối đến, chờ lúc mọi người trong gia đình đang say giấc nồng, Đức Trương đã ra khu vườn sau nhà cầm con dao mới đuợc giấu sẵn trong gốc cây. Chỉ một khoảng thời gian rất ngắn, lấy hết sức bình sinh, cậu bé 15 tuổi này đã nén đau đớn để tự cắt của quý của mình. Trong tiếng hét thất thanh vì máu chảy nhiều, cha mẹ Đức Trương đã chạy ra sau vườn và tận mắt chứng kiến việc làm của con trai. Sau gần 2 tháng ở nhà để chờ vết thương lành da, nhờ mối quen biết, Đức Trương đã được cha mẹ đưa vào cung để trở thành tiểu thái giám chuyên chăn nuôi gia cầm.
Khổ luyện để đạt được mục đích
Là một tiểu thái giám suốt ngày chỉ làm bạn với gia cầm khiến Đức Trương cảm thấy không đành lòng, ông biết rằng muốn thực hiện giấc mơ giàu sang của mình thì phải làm đại thái giám.Trong hoàng cung triều Mãn Thanh khi đó, hệ thống phân đẳng cấp phong kiến rất nghiêm ngặt, thái giám cũng không ngoại lệ, đại thái giám thì có nhiều tiền và quyền uy còn tiểu thái giám thì thấp cổ bé họng và không có nổi một xu dính túi.
Vốn là một người thông minh, nhanh nhẹn, lại luôn chất chứa mong muốn làm giàu cháy bỏng, Đức Trương đã tham gia học diễn xuất kinh kịch trong hoàng cung vì biết Từ Hy Thái Hậu rất thích môn nghệ thuật này. Trong những lần diễn cho Từ Hy xem, Đức Trương luôn cố gắng thể hiện tốt nhất những gì mình học được trên sân khấu nên mặc dù chỉ được tham gia vào những vai nhỏ nhưng cái tên Đức Trương đã được vị Thái Hậu uy quyền lừng lẫy khi đó để ý tới.
Sử sách còn ghi lại, để chiều lòng bà Thái Hậu khó tính, Đức Trương đã vất vả luyện tập võ công trong vòng 3 năm và đều áp dụng vào mỗi tiết mục biểu diễn của mình. Một lần, có một diễn viên làm động tác quá mạnh nên đã làm binh khí rơi xuống sân khấu, Tiểu Đức Trương nhìn thấy bèn nhanh chóng chạy tới và dùng hai chân đỡ không cho binh khí rơi xuống đất. Từ Hy thái hậu thấy vậy cảm thấy rất vui mừng và hết lời ca ngợi ông.
Tuy nhiên, vận may đến với Đức Trương không phải đến từ kinh kịch. Năm 1900, khi liên quân 8 nước tấn công vào Bắc Kinh, cả gia tộc của triều đình Mãn Thanh đã phải chạy trốn. Trong cuộc trốn chạy lần này, Đức Trương may mắn được trong đội thám giám phục vụ Từ Hy Thái Hậu.
Ở thời điểm nước sôi lửa bỏng khi mỗi người chỉ lo cho sự an toàn mạng sống của mình thì Đức Trương đã hoàn toàn hành động ngược lại. Nghĩ rằng đây là cơ may để có thể lấy lòng được Từ Hy, Đức Trương đã không quản gian khó và vất vả để tháp tùng và phục vụ mọi khó khăn của vị Thái hậu khi trên đường đi lánh nạn. Khi đoàn xe chạy đến Tây An, do trời mưa đường trơn nên ngựa không thể qua nổi. Lúc này, Đức Trương đã tình nguyện cõng Từ Hy Thái Hậu lội bùn vượt qua chặng đường khá dài để đến chỗ nghỉ ngơi.
Xúc động trước hành động của viên tiểu thái giám, Từ Hy khi đó đã phải thốt lên rằng: “ Nếu con trai của ta cũng có lòng hiếu thảo như ngươi thì tốt biết mấy”. Là một người thông minh, Đức Trương nghe xong lời nói này của Từ Hy đã vội quỳ rạp mình xuống tạ ơn. Từ đó trở đi, vị thái giám này đã trở thành con đỡ đầu và là người hầu hạ thân cận của Từ Hy thái hậu. Cũng bắt đầu từ bước ngoặt này, địa vị của Tiểu Đức Trương đã lên như diều gặp gió, các quan tranh nhau ủng hộ ông, gửi tiền, gửi vàng còn các tiểu thái giám thì vây quanh, ân cần phục vụ. Mục đích chính trở thành đại thái giám của Đức Trương đã trở thành sự thật chỉ sau 4 năm chính thức bước vào cung.
Thái giám bán hoa quả dạo cuối đời
Vốn là người có nhiều âm mưu quỷ kế, nhưng khi leo lên được chức đại thái giám chuyên phục vụ Từ Hy Thái Hậu, Đức Trương vẫn chưa cảm thấy mãn nguyện. Với mục đích nâng địa vị của bản thân ngang ngửa với thái giảm tổng quản Lý Liên Anh- một người mà được Từ Hy vô cùng sủng ái, Đức Trương bắt đầu dùng mọi thủ đoạn để có được sự tín nhiệm tuyệt đối của thái hậu.
Tiểu Đức Trương khi về già |
Năm 1908, hoàng đế Quang Tự, Từ Hy thái hậu lần lượt qua đời. thái giám tổng quản Lý Liên Anh cảm thấy mất đi chỗ dựa vững chắc, cộng thêm tuổi già sức yếu nên đã chủ động chạy trốn khỏi triều đình. Thời gian này, với địa vị sẵn có “dưới một người nhưng trên nhiều người”, Đức Trương bỗng nhiên trở thành thái giám tổng quản. Năm 1909, Đức Trương chính thức trở thành tổng quan của cung điện nhà Thanh, lên tới chức quan nhị phẩm, tiền bạc nhiều không kể xiết. Giấc mơ được làm quan và có nhiều tiền của ông cuối cùng cũng thực hiện được.
Thời thế thay đổi, khi bỗng dưng được trở thành người đứng đầu đội ngũ thái giám đông đảo với quyền lực, Đức Trương lại cung kính tận tâm phục vụ chủ mới- hoàng hậu Long Dụ. Với nữ chủ nhân mới của mình, viên thái giám này cũng hết sức chung thành khi mang mọi chuyện trong triều chính và cung cấm tâu lại với chủ nhân. Sự sủng ái của hoàng hậu Long Dụ với Đức Trương được so sánh ngang bằng sự sủng ái của Từ Hy thái hậu dành cho viên thái giám lừng lẫy một thời- Lý Liên Anh. Thậm chí, đến ngay cả việc triều chính như bổ nhiệm quan lại, quan hệ với các nước lân bang, tiếng nói của Đức Trương cũng rất quan trọng. Trong khi đó, theo quy định của triều đình phong kiến nhà Thanh thì thái giám không được tham gia chính sự. Cũng vì quyền hành trong tay, nên Đức Trương cũng ra sức nhận hối lộ tiền bạc của quan lại lo chạy chức tước. Vì thế mà tài sản của vị thái giám này cũng chất cao như núi.
Năm 1911, cách mạng Tân Hợi thành công đánh dấu sự sụp đổ của nhà Thanh, thái hậu Long Dụ tuyên bố hoàng đế thoái vị. Theo điều kiện ưu đãi, hoàng tộc vẫn được ở lại Tử Cấm Thành, Tiểu Đức Trương vẫn tiếp tục làm “thái giám tổng quản”. Năm 1917, Tiểu Đức Trương cảm thấy triều đình nhà Thanh đã tới ngày tận số bèn bỏ chủ, chạy về Thiên Tân. Thực ra Tiểu Đức Trương đã sớm sắp đặt đường rút lui, ông đã xây dựng một khuôn viên sang trọng tại quê nhà. Sau đó, ông đã mở cửa hiệu tại HongKong, Quảng Châu và trở thành một nhà tư bản giàu có.
Tuy nhiên, với sự xoay vần của lịch sử, năm 1949 khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập, tất cả tài sản của Đức Trương đã bị quốc hữu hóa. Để có tiền mưu sinh, viên thái giám lừng lẫy một thời này đã phải đi bán hoa quả chiên để sống. Năm 1958, Tiểu Đức Trương đã trút hơi thở cuối cùng trong sự nghèo khó.
Thủy Bình (Theo Renmin)